Tình báo Quốc phòng Việt Nam - 80 năm đồng hành cùng các lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm hành trình, hơn 30 năm binh lửa chiến tranh, một Điện Biên “Chấn động địa cầu”, một mùa xuân đại thắng 30 tháng 4 lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vầng trăng thôi chia nửa, non sông thu về một mối. Mấy mươi năm sau ngày hòa bình nhưng đất nước đã mấy khi yên hàn giặc giã, đất nước bao chàng trai, cô gái trở thành người lính, bao người lính vì dân, vì nước mà hiến dâng trọn cả đời mình không tiếc tuổi thanh xuân. Trong dằng dặc của tiến trình lịch sử ấy, đồng hành cùng non sông đất nước và các lực lượng vũ trang nhân dân, Ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Những năm đầu của Thế kỷ 20, đất nước ta trong đêm dài nô lệ, lòng người trăm ngả rối bời, tâm tư vô định khó lường bởi sự bất thành từ phòng trào Cần Vương; Duy Tân, Đông Du… Trong bối cảnh đó, bước chân của những người Cộng sản Việt Nam tiên phong ấy đã tìm đến một con đường sáng vừa khai phá đó là “Chủ nghĩa cộng sản”. Thế rồi, ngày 03 tháng 02 năm 1930 những người cộng sản tiền bối ấy đã lập nên Đảng cách mạng riêng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Đảng ta đã nguyện thề cùng dân tộc Việt Nam, dẫn lối non sông cùng con cháu Lạc Hồng kiên quyết đấu tranh đập tan gông xiềng nô lệ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; ấm no và hạnh phúc cho nhân dân lao động. Mười lăm năm sau ngày ra đời “Không quê hương”, nơi “Đất khách quê người” và “Sinh nằm trên cỏ” ấy - Ngày 02 tháng 9 năm 1945, một cuộc cách mạng vô sản đầu tiên đã bùng lên ở Đông Nam Á, sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Tiếng vọng của non sông mùa thu năm ấy, cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh các dân tộc thuộc địa vùng lên đánh đổ chế độ thực dân, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Vì lẽ đó mà các thế lực thù địch cấu kết với nhau, dùng trăm phương ngàn kế hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Vận mệnh quốc gia và thành quả cách mạng đang lâm nguy như “Ngàn cân treo rợi tóc”. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng vũ trang nhân dân để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Sự ra đời của Quân đội nhân dân, tất yếu phải tổ chức ra lực lượng Tình báo quân sự chuyên trách, phục vụ kịp thời nhu cầu chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong thực tế, trước đó các xứ ủy, tỉnh ủy và lực lượng vũ trang các phân khu ở từng địa phương đã hình thành tổ chức tình báo của mình. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, tổ chức thiếu thống nhất và hiệu quả hoạt động chưa cao. Để nắm chắc tình hình địch và chủ động chuẩn bị lâu dài cho kháng chiến, ta chủ trương xây dựng một cơ quan Tình báo Quân sự thống nhất từ cấp Bộ đến các đơn vị, địa phương trong toàn quốc.
Ngày 25 tháng 10 năm 1945, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chính thức công bố Quyết định thành lập Phòng Tình báo trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu trên cơ sở hợp nhất các lực lượng Tình báo của Đảng và Quân đội, đánh dấu cho sự ra đời của lực lượng Tình báo Quốc phòng Việt Nam. Đây là tổ chức Tình báo đầu tiên của Việt Nam và là tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Việt Nam sau nay. Từ đó, ngày 25 tháng 10 hàng năm đã trở thàng ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Nói về sự ra đời của Tình báo Quốc phòng Việt Nam, nhất thiết phải nhắc đến một sự kiện hy hữu xảy ra trước đó không lâu. Trung tuần tháng 3 năm 1945, một máy bay B-29 của quân Anh đã chở 3 người Việt, trong đó có Trần Hiệu, từ Dhaka (Bangladesh), bay qua vịnh Bengal (Ấn Độ), vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ và vào Châu thổ Sông Hồng để thực hiện kế hoạch nhảy dù xuống Miếu Môn nhưng bất thành. Thực ra đây là những tù chình trị người Việt bị lưu đày tại Madagascar, họ đã được liên quân Anh - Pháp tuyển chọn, đào tạo trở thành tình báo viên đưa về Việt Nam hoạt động, phục vụ cho việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương. Một tháng sau, hành trình cũ lặp lại và cả ba nhảy dù thành công xuống làng Tiên Lữ - huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Đông.
Đây và vùng quân Nhật chiếm đóng, nhưng nhờ được nhân dân đùm bọc, che chở nên họ đã tìm về được nhà đồng chí Trần Hiệu tại làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức - Hà Nội ngày nay. Không lâu sau đó, họ bắt liên lạc được với Xứ uỷ Bắc Kỳ, gặp mặt Tổng Bí thư Trường Chinh và được giao nhiệm vụ ẩn náu tại một nhôi chùa ở xóm La Dương - xã La Phù - huyện Hoài Đức với nhiệm vụ chính là “Tiếp tục giữ liên lạc bình thường với người Anh, thực hiện liên lạc bằng điện đài giữa Xứ uỷ, Trung ương và chuẩn bị mở lớp huấn luyện về tình báo quân sự cho Xứ ủy”.
Bác Hồ dự lễ phong đại tá cho đồng chí Trần Hiệu ngày 20 tháng 01 năm 1958
Đến tháng 8 năm 1945, đồng chí Trần Hiệu tham gia khởi nghĩa tại Hà Đông, là người đại diện phía cách mạng tiếp nhận bàn giao chính quyền từ Tổng đốc Hà Đông - Hồ Đắc Điếm. Sau đó ông được cử phụ trách Phòng án chính trị, rồi Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Trong thời gian này, đồng chí Trần Hiệu chỉ đạo lực lượng công an trấn áp bọn phản động và tay sai của Tàu Tưởng; kịp thời phát hiện sớm thực dân Pháp âm mưu bắt gọn Chính phủ ta nhân lễ duyệt binh kỷ niệm ngày quốc khánh Pháp. Đồng thời, tham gia phá vụ án phố Ôn Như Hầu, tiêu diệt bọn phản động Đại Việt, Quốc dân Đảng tại Hà Nội.
Ngày 20 tháng 3 năm 1947 Cục Tình báo - Bộ Tổng chỉ huy chính thức được thành lập và đồng chí Trần Hiệu đã có mặt trong đội ngũ những người làm công tác tình báo của Quân đội ta ngay từ ngày đầu. Tiếp đó, ngày 20 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký sắc lệnh số 108/SL, cử đồng chí Trần Hiệu đảm trách chức vụ Cục trưởng Cục Tình báo, trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy - Quân đội quốc gia Việt Nam. Đến tháng 4 năm 1950, Cục Tình báo giải thể, ông được cử sang làm Phó Giám đốc Nha Công an, kiêm Trưởng ty Tình báo - Nha Công an.
Ngày 15 tháng 7 năm 1951, cơ quan Tình báo Chiến lược với tên gọi là Nha liên lạc, trực thuộc Phủ Thủ tướng được thành lập, đồng chí Trần Hiệu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm giám đốc. Ngày 10 tháng 6 năm 1957, Nha liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu, thành Cục Tình báo. Cơ quan Tình báo Chiến lược toàn diện của Đảng và Quân đội ta lúc bấy giờ, ông tiếp tục được bổ nhiệm Cục trưởng. Đến năm 1958, ông được phong quân hàm đại tá.
Là thủ trưởng đầu tiên và liên tiếp 13 năm, Trần Hiệu đã có nhiều cống hiến, đóng góp lớn vào quá trinh xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng và triển khai hoạt động tình báo trên trận tuyến đánh quân thù. Đồng thời, kiên trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ Tình báo Chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Nhất là thông qua việc mở nhiều hội nghị tình báo, tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ tình báo, ông đã có nhiều đóng góp kiến tạo tạo nên một thế hệ cán bộ tình báo giỏi vừa hồng vừa chuyên, phát huy được tác dụng trong nhiều năm sau.
Tám mươi năm, một chặng đường gian lao mà anh dũng với những chiến công xuất sắc trên mặt trận thầm lặng, đồng hành cùng non sông đất nước và các lực lượng vũ tranh nhân dân; lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, với rất nhiều thử thách can trường, mỗi bước đi mỗi thăng trầm, mỗi bi thương và hùng tráng để viết nên những trang sử riêng của thời đại mình, giàu sự tích và đẫm màu huyền thoại, không thẹn với tiền nhân và hậu thế với những điệp viên đã trở thành huyền thoại như: Trần Hiệu, Mười Hương, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…
Họ là những con người đã từng một thời dọc ngang trong lòng địch, trọn vẹn thuỷ chung, một lòng sắt son với tình yêu và lý tưởng; tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của họ là tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương đất nước và gia đình với cái đẹp và lẽ phải. Lí tưởng của những con người kiên trung ấy cũng vậy, điều cao cả nhất mà họ hướng tới đó là sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có cho Tổ quốc độc lập và hoà bình; nhân dân ta tự do và hạnh phúc với những gì tốt đẹp nhất.
Đây là những điệp viên xuất sắc, cán bộ tình báo giỏi, người chỉ huy có tầm nhìn chiến lược với những chiến công đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; 1 Huân chương Sao Vàng; 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập hạng nhất; 1 Huân chương Quân công hạng nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng nhất; 37 lượt tập thể và 42 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Tình báo Quốc phòng đã tiếp tục phục vụ hiệu quả cho Đảng, Nhà nước và Quân đội đối phó có hiệu quả với kế hoạch hậu chiến, chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong những năm gần đây, Tình báo Quốc phòng thực hiện đầy đủ chức năng là cơ quan tình báo chiến lược toàn diện của Đảng, Nhà nước và là cơ quan tình báo chuyên ngành quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Tám mươi năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng cả về tổ chức, lực lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ nắm địch trong từng giai đoạn cách mạng, xứng đáng công cụ nắm địch sắc bén, là tai mắt tinh tường của Đảng và Quân đội. Hôm nay nghĩ về hôm qua, lòng bỗng tràn đầy kiêu hãnh, giá trị tinh thần thiêng liêng bất diệt, niềm kiêu hãnh vô bờ của nhiều thế hệ,… nó tiềm chứa một sức mạnh vật chất phi thường, là niềm tự hào và là hành trang quyết định cho chúng tôi trên chặng đường tiếp bước cha, anh với một niềm tin trọn vẹn, cho hôm nay, cho mai sau và mãi mãi...
Thế hệ cán bộ, giảng viên trẻ của Khoa Trinh sát - Học viện Lục quân hôm nay, một trong những thành phần cơ bản của Tình báo Quốc phòng, chúng tôi nguyện đem hết sức trẻ, trí tuệ, trách nhiệm và lòng nhiệt thành; phấn đấu hết mình cho công tác giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học; xây dựng Khoa, Học viện vững mạnh và góp phần xây dựng ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Viện Nam, 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân và hướng tới 80 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam (25/10/2025) tới đây, một lần nữa chúng ta hãy luôn khắc cốt, ghi tâm, đời đời nhớ tới công ơn của các Anh hùng liệt sĩ và những đồng chí, đồng đội và đồng nghiệp của chúng ta trong ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.
N.T.C