• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 30
Tháng 01 : 30.209
Tháng trước : 58.940
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định sức mạnh và tầm vóc của dân tộc Việt Nam

Năm 1972 có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược. Vào thời điểm này, Mỹ đã tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” được 3 năm, nhưng mục tiêu chủ yếu là xây dựng, củng cố quân đội Sài Gòn đủ sức thay thế khi quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ rút khỏi chiến trường miền Nam đã không đạt được. Vì vậy, Mỹ chưa thể “chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong danh dự”. Trong lúc đó, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam càng đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng. Để cứu nguy cho chính quyền và quân đội Sài Gòn, Mỹ tiến hành “Chiến dịch Linebacker I” (6/4 - 22/10/1972), sử dụng không quân ném bom trở lại miền Bắc, nhưng không đạt được mục đích. Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm xoa dịu dư luận, phục vụ cho việc tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai và nhất trí với Dự thảo văn bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa soạn thảo. Tuy nhiên, sau khi trúng cử tổng thống, R. Nixon cố tình kéo dài đàm phán để thực hiện những hành động phiêu lưu quân sự buộc ta chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mỹ.

Ngày 14/12/1972, R. Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phụ cận mang mật danh “Chiến dịch Linebacker II”. Chính quyền Mỹ đã huy động gần 50% số máy bay chiến lược B.52 mà Mỹ có, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở miền Bắc; đồng thời tiếp tục thả thủy lôi phong tỏa Cảng Hải Phòng. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến 1971. Đây là chiến dịch có quy mô lực lượng tác chiến đối kháng trên không lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được Mỹ huy động tới mức cao nhất lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật và không quân hỗn hợp với dã tâm “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” nhằm hủy diệt tiềm lực của miền Bắc, làm giảm khả năng chi viện cho cách mạng miền Nam; xoay chuyển thế cờ trên bàn đàm phán ở Paris, gây sức ép, buộc Việt Nam phải chấp nhận các điều khoản sửa đổi có lợi cho Mỹ.

Thực tế đó đã đặt dân tộc ta trước thử thách khốc liệt, khi những ưu thế về lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đều thuộc về đối phương. Song, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các lực lượng tham gia chiến dịch, nòng cốt là bộ đội phòng không, không quân đã có sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, tập trung cao nhất nỗ lực bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân và dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong 12 ngày đêm (18 - 29/12/1972), quân và dân Hà Nội cùng các tỉnh thành miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ, gây chấn động mạnh mẽ trên toàn thế giới; giáng cho Không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới cổ vũ, khâm phục.

Chiến công oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đã khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã có những dự báo thiên tài để quân và dân ta sớm chuẩn bị lực lượng và thế trận, sẵn sàng đương đầu và đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B.52 của không quân Mỹ; khẳng định sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân; bước phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó, nổi bật là nghệ thuật phân tích và đánh giá tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và quy luật đánh phá của Không quân chiến lược Mỹ; tổ chức và sử dụng hợp lý lực lượng phòng không ba thứ quân đánh thắng các loại máy bay của địch. Đặc biệt, nhờ nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo tác chiến của các cấp và bằng kinh nghiệm thực chiến với Không quân Mỹ, nhất là với máy bay ném bom chiến lược B.52, ta đã xác định đúng khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, xác định đúng đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B.52; sử dụng lực lượng tên lửa phòng không chủ yếu đánh B.52; thực hiện tốt nghệ thuật hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng của lực lượng phòng không ba thứ quân; kết hợp đánh địch với tổ chức phòng tránh và sơ tán tốt, tiêu diệt nhiều máy bay địch và hạn chế tổn thất của ta.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua những dấu tích của một thời đạn bom tàn phá đã được thay thế bằng những thành quả của công cuộc dựng xây đất nước, nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ Chiến thắng vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc hiện nay nói riêng. Đồng thời, góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.

Để góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử từ kỳ tích của những ngày rực lửa cuối tháng 12/1972, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Lục quân hôm nay cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Không ngừng nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm, lòng trung thành tuyệt đối vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luôn có tâm thế vững vàng, trung thành tuyệt đối vào đường lối chính trị, quân sự của Đảng, có tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng mọi kẻ thù, kể cả khi chúng sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, gắn với tinh thần “7 dám” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; tích cực tham gia xây dựng xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại, vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu”. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận các thành tựu cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Tài liệu tham khảo:

- Lưu Trọng Lân: “Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.

- Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.

- Thành ủy Hà Nội: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt (12/1972 - 12/2017), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.

- Bộ Quốc phòng: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.


Tác giả: CTD. Hồ Mạnh Cường
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?