Đấu tranh bảo vệ và phát triển giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga về giải phóng giai cấp, dân tộc và con người
Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch tăng cường chống phá quyết liệt chủ nghĩa xã hội. Chúng tìm mọi cách công kích, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt lý luận về giải phóng giai cấp, dân tộc và con người.
Chúng tung ra và cổ xúy đủ mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn: Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần tuý”, là “một cuộc bạo động phản dân chủ”, là “quái thai của lịch sử”, là một sự “đẻ non”,... nhằm lừa bịp, đánh đồng sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình xôviết ở Liên Xô và Đông Âu với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin và rao giảng rằng, “mô hình đổ thì học thuyết cũng đổ theo”. Từ đó, chúng lớn tiếng tuyên bố chủ nghĩa xã hội đã đến “hồi kết thúc”; đồng thời, khuếch trương sự “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản, hướng lái các quốc gia - dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh chống các quan điểm thù địch hòng phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga hiện nay cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga về giải phóng giai cấp, dân tộc, con người.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra trang sử mới đối với nước Nga và tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi đó đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho toàn thể nhân loại, đưa đến khả năng sáng tạo to lớn và cách mạng triệt để của giai cấp vô sản cùng nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, đế quốc. Đồng thời, là “ngọn đuốc” dẫn đường cho giai cấp vô sản vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại - “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới, đưa thời kỳ “bão táp cách mạng” từ châu Âu lan toả nhanh chóng và mạnh mẽ sang châu Á, châu Phi và khu vực châu Mỹ Latinh, làm cho giai cấp tư sản run sợ, buộc phải lùi bước, xuống thang và thay đổi chính sách.
Thực tiễn cho thấy, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối phù hợp với tiến bộ xã hội, Đảng Cộng sản Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đã lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, khoa học - kỹ thuật, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh,... đưa Liên Xô từ nước tư bản trung bình trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Điều đó tạo nên thế và lực để Hồng quân Liên Xô trở thành lực lượng chủ yếu quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhiều dân tộc thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Dưới tác động to lớn, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, hàng loạt nước trên khắp các châu lục đã tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập; nhiều quốc gia - dân tộc đã lựa chọn con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Sự thật hiển nhiên đó, đã và đang cổ vũ cho toàn nhân loại, cho các quốc gia - dân tộc đứng lên tranh đấu để giải phóng triệt để cho giai cấp, dân tộc và con người, dù cho các thế lực thù địch có muốn cũng không thể phủ nhận hay xuyên tạc được.
Thứ hai, kiên định mục tiêu giải phóng giai cấp, dân tộc và con người dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Trong quá trình vận động, phát triển gần 106 năm qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi năm 1917, nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Trong đó, những tổn thất do kẻ thù gây ra cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là vô cùng lớn, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra và tính tất yếu thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là không thể đảo ngược.
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu giải phóng giai cấp, dân tộc và con người.
Hiện nay, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; “thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn…” [1]. Lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn đang hiện diện và đạt được nhiều thành tựu to lớn ở nhiều quốc gia - dân tộc lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng những phương thức cụ thể khác nhau. Đảng cánh tả ở nhiều nước tư bản đang từng bước chiếm ưu thế trên chính trường. Điều đó cho thấy, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đang gặp nhiều sóng gió, thử thách lớn; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phủ định, hoặc hạ thấp ý nghĩa, tầm vóc, ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với việc giải quyết các vấn đề giai cấp, dân tộc và con người, nhưng con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra vẫn là “ngọn đuốc” vạch thời đại, là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới; bởi nó phù hợp với quy luật tiến hoá của lịch sử và ước nguyện ngàn đời của con người.
Thứ ba, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi đường cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giải quyết vấn đề giai cấp, dân tộc và con người trong tình hình mới.
Thấu hiểu hơn ai hết nỗi thống khổ của người dân mất nước, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp bốn biển, năm châu để tìm đường cứu nước. Khi nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” do V.I.Lênin soạn thảo và được thông qua tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc, ngồi một mình nhưng Người đã nói to như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị dọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, Người khẳng định: Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của V.I.Lênin - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Nguyễn Ái Quốc đến với “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin - bước ngoặt thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hơn 93 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, kịp thời đề ra những quyết sách đúng, khắc phục triệt để những sai lầm, khuyết điểm và khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986. Theo đó, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho các mục tiêu đó được thực hiện tốt hơn bằng những quan niệm đúng, hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới, Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2]. Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chứng tỏ đường lối lãnh đạo của Đảng ta là hoàn toàn đúng, phù hợp với thời đại; “Ý Đảng, lòng dân” luôn hòa quyện, gắn kết chặt chẽ với nhau trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, tập 1, Nxb.CTQG Sự thật, H.2021, tr.105.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, tập 1, Nxb.CTQG Sự thật, H.2021, tr.25.