• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.579
Tháng 05 : 26.364
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cái giá của hòa bình” – Vận dụng vào công tác giáo dục - đào tạo ở Học viện Lục quân

Hòa bình – thiêng liêng và vô giá – không đến từ may mắn mà là thành quả của bao hy sinh, máu xương. Trong kỷ nguyên mới, giáo dục về “cái giá của hòa bình” cần chú trọng, nhất là trong đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội để hun đúc bản lĩnh, trách nhiệm cho quân nhân.

Hòa bình luôn là khát vọng của nhân loại, là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước bền vững. Tuy nhiên, để có được hòa bình không bao giờ là điều dễ dàng và giữ được hòa bình càng không thể xem nhẹ. Với Việt Nam – một quốc gia từng trải qua hàng chục năm chiến tranh, hòa bình hôm nay là thành quả của sự hy sinh to lớn của bao thế hệ. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, việc nhận thức đúng đắn và giáo dục sâu sắc “cái giá của hòa bình” cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong toàn quân là yêu cầu mang tính cấp thiết, đặc biệt là học viên đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội, trong đó có Học viện Lục quân.

Hòa bình không chỉ được hiểu đơn thuần là sự “vắng mặt” của chiến tranh, mà còn là trạng thái ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền quốc gia được bảo vệ, người dân được sống trong môi trường an toàn, phát triển bền vững. Để có được điều đó, Việt Nam đã phải trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ qua nhiều thế hệ với hàng triệu người ngã xuống. Chiến thắng ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước, là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Nhưng để đạt được thành tựu đó, hơn ba triệu liệt sĩ đã ngã xuống, hàng triệu người bị thương, hàng vạn làng mạc, thành phố đổ nát, và nhiều thế hệ phải chịu cảnh chia cắt, nghèo đói, hy sinh cả tuổi thanh xuân. Ngoài ra, trong thời bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn tiếp tục hi sinh thầm lặng trên các mặt trận không khói súng như chống dịch bệnh Covid -19, tìm kiếm cứu nạn tại Rào Trăng, khắc phục hậu quả thiên tai… Những số liệu khô khan ấy chính là minh chứng không thể chối cãi cho một sự thật: hòa bình là cái giá phải trả bằng xương máu, bằng trí tuệ và bằng cả sự hy sinh, mất mát thầm lặng không thể đo đếm.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, sự nghiệp bảo vệ hòa bình tiếp tục đòi hỏi cao hơn về quốc phòng, an ninh, nguồn lực con người và vật chất. Những thách thức an ninh phi truyền thống, các mối đe dọa về chính trị, văn hóa, kinh tế, đặc biệt là các hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, luôn rình rập phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng vũ trang phải nâng cao cảnh giác, vững vàng, có năng lực để bảo vệ thành quả cách mạng của các thế hệ cha ông để lại. Vì vậy, việc giáo dục, nhấn mạnh giá trị “cái giá của hòa bình” càng trở nên cần thiết, nhằm hun đúc tinh thần cảnh giác cách mạng, lòng yêu nước và ý chí bảo vệ Tổ quốc cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.

Học viện Lục quân là trung tâm đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu và nghiên cứu khoa học quân sự cấp Chiến thuật - Chiến dịch, có vai trò trọng yếu trong hệ thống Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, giáo dục “cái giá của hòa bình” tại Học viện Lục quân cần đạt được các mục tiêu sau:

Một là, nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng: học viên cần được trang bị kiến thức toàn diện về lịch sử chiến tranh giải phóng, các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, và những thách thức hiện nay trong bảo vệ hòa bình.

Hai là, rèn luyện bản lĩnh, tư duy chiến thuật - chiến dịch: phải giúp học viên thấu hiểu hòa bình là điều kiện để phát triển, nhưng không thể xem nhẹ cảnh giác cách mạng. Hòa bình phải được bảo vệ bằng trí tuệ, ý chí và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt.

Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng học viên tại Học viện Lục quân

Ba là, gắn với thực tiễn nhiệm vụ: việc giáo dục không chỉ dừng ở lý luận mà phải lồng ghép vào các hoạt động huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu. Nội dung bài giảng, luyện tập, diễn tập cần sát điều kiện thực tế đơn vị, phù hợp với địa bàn và phương thức tác chiến hiện đại. Điều đó giúp phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của học viên trong xử lý tình huống. Đồng thời, mời cán bộ thực tiễn, chuyên gia về nói chuyện, trao đổi chuyên đề, để học viên hiểu sâu và vận dụng hiệu quả.

Học viện Lục quân, gồm có các đối tượng học viên đòa tạo: cán bộ cấp trung đoàn; sư đoàn trưởng bộ binh; sau đại học (trình độ thạc sĩ và tiến sĩ); cao cấp lý luận chính trị; giảng viên cấp Chiến thuật – Chiến dịch. Đây đều là những cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy, nhà khoa học, nhà giáo, là những người giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống tổ chức quân đội trong tương lai. Việc giáo dục “cái giá của hòa bình” các đối tượng học viên không chỉ giúp họ nâng cao nhận thức về giá trị của hòa bình, mà còn rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư duy chiến thuật - chiến dịch và năng lực lãnh đạo, chỉ huy trong bối cảnh hiện đại.

Đối với học viên đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và sư đoàn trưởng bộ binh, bài học về hòa bình phải được lồng ghép trong quá trình rèn luyện thực hành chiến đấu, xây dựng tổ chức chỉ huy, quản lý đơn vị và thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Mục đích, nhằm để họ cần hiểu sâu sắc và hình thành trong tư duy chỉ đạo thực tiễn sau khi trở về đơn vị, rằng: giữ gìn hòa bình không đơn giản là duy trì trạng thái “không có chiến tranh”, mà còn là thường xuyên củng cố thực lực, giữ vững trận địa tư tưởng, nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bởi, một khi mất cảnh giác, để bộ đội suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm kỷ luật, thì không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ của cơ quan, đơn vị và của quân đội, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội, mất nền tảng của hòa bình.

Đối với học viên Sau đại học, những người đã có quá trình công tác thực tiễn, đang học tập để nâng cao trình độ lý luận và năng lực tư duy nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, do đó, công tác giáo dục “cái giá của hòa bình” cần gắn với yêu cầu chiến lược, với tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Họ cần nâng cao năng lực phân tích tình hình, dự báo nguy cơ, phản biện chiến lược, hiểu rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch trong bối cảnh chiến tranh không khói súng. Bài học “cái giá của hòa bình” cần được thể hiện rõ trong các đề tài nghiên cứu khoa học, trong nội dung luận văn, luận án cũng như trong tư duy nghiên cứu khoa học sau khi trở về học viện, nhà trường và đơn vị trong toàn quân để tiếp tục công tác, nghiên cứu khoa học.

Đối với đối tượng học viên cao cấp lý luận chính trị mang ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo chính trị tư tưởng cho quân đội trong thời kỳ mới. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc hình thành, bảo vệ và phát triển nền tảng lý luận của Đảng trong quân đội. Việc giúp học viên hiểu sâu sắc rằng hòa bình không đến một cách ngẫu nhiên, mà là thành quả của đấu tranh, hy sinh của biết bao thế hệ đi trước, sẽ góp phần làm sâu sắc thêm lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh chính trị. Qua đó, họ sẽ nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục, phản bác luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị sát với điều kiện thực tiễn.

Đối với Giảng viên cấp Chiến thuật – Chiến dịch, những người trực tiếp truyền đạt tư tưởng, kiến thức chính trị và quân sự cho từng thế hệ học viên tại các học viện, nhà trường trong toàn quân, việc thấm nhuần tư tưởng “cái giá của hòa bình” sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực giáo dục chính trị trong toàn quân. Họ không chỉ là người truyền tải tri thức mà còn là người truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, quân nhân trong thời đại mới. Việc giáo dục giá trị của hòa bình sẽ giúp đội ngũ nhà giáo trong tương lai củng cố lập trường, kiên định tư tưởng, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hòa bình là điều kiện sống còn của một dân tộc, nhưng để có được và gìn giữ được hòa bình là một quá trình đầy gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Giáo dục cho học viên Học viện Lục quân nhận thức rõ về “cái giá của hòa bình” chính là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội bản lĩnh, trí tuệ, giàu lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Dù ở cấp độ nào, học viên của Học viện Lục quân đều phải nhận thức đầy đủ rằng: sự nghiệp giữ gìn hòa bình và bảo vệ Tổ quốc không bao giờ có điểm dừng. Họ chính là những “người lính của thời bình”, sẵn sàng đối diện với mọi thách thức, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu./.

N.T.C.P.D


Tác giả: HSDH. Ngô Trần Công Phương Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?