• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.422
Tháng 05 : 30.510
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện kẻ cơ hội chính trị

Chủ nghĩa cơ hội trong hệ thống chính trị là mối nguy hại lớn, gây rối loạn nội bộ, mất đoàn kết, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, giảm niềm tin của Nhân dân. Do đó, cần nhận diện kịp thời để bảo vệ tổ chức trong sạch, vững mạnh và giữ vững kỷ cương.

Chính trị, trong bất kỳ thể chế nào, đều đòi hỏi sự trung thành với lý tưởng, lòng tận tụy với đất nước và tinh thần phụng sự nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những người kiên trung, chính trực và bản lĩnh, cũng có những phần tử mang bản chất cơ hội chính trị – những kẻ chỉ nhắm đến quyền lực, danh lợi cá nhân, sẵn sàng thay đổi lập trường, đánh đổi nguyên tắc và thao túng dư luận để trục lợi.

Chúng ta có thể hiểu, cơ hội chính trị là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích chung. Kẻ cơ hội chính trị thường không có lý tưởng kiên định, dễ dàng thay đổi thái độ, lập trường theo chiều gió để mưu cầu địa vị, quyền lực hoặc lợi ích cá nhân. Họ sẵn sàng đánh đổi nguyên tắc, phản bội đồng chí, lợi dụng tổ chức, thậm chí bắt tay với các thế lực phản động, chỉ để thỏa mãn mưu đồ riêng. Nhất là, trong hệ thống chính trị, chủ nghĩa cơ hội không chỉ là sự biến chất về đạo đức mà còn là một nguy cơ tiềm ẩn gây rối loạn nội bộ, mất đoàn kết, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và làm tổn hại đến niềm tin của Nhân dân.

Nhận diện đúng và kịp thời kẻ cơ hội chính trị là điều đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ sự trong sạch của tổ chức, giữ vững kỷ cương và xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, dân chủ và vì dân. Đồng thời, thông qua những dấu hiệu nhận diện để cảnh báo kịp thời những nguy cơ mà chủ nghĩa cơ hội gây ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc khi đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kẻ cơ hội chính trị thường có những dấu hiệu nhận biết, đó là:

Một là, không trung thành với lập trường, tư tưởng chính trị. Kẻ cơ hội chính trị thường thiếu bản lĩnh chính trị và dễ dàng ngả nghiêng trước những trào lưu đối lập; cũng như chưa thực sự tin tưởng vào lý tưởng cách mạng nhưng vẫn tỏ ra “trung thành” để che giấu mục tiêu riêng. Khi thời cơ đến, “kẻ cơ hội” có thể phản bội lại lý tưởng, tổ chức, thậm chí cả Tổ quốc. Đặc điểm rõ nhất đó là sự dao động trong phát ngôn và hành động, nói một đằng, làm một nẻo, bởi “kẻ cơ hội” dễ dàng thay đổi quan điểm để phù hợp với xu thế đang thịnh hành, chỉ nhằm giữ vị trí hoặc tiến thân.

Hai là, nịnh bợ cấp trên, trù dập cấp dưới. Một đặc điểm nổi bật của kẻ cơ hội là biết “gió chiều nào theo chiều ấy”, có thể khúm núm, tâng bốc cấp trên bằng mọi giá để lấy lòng và tìm kiếm sự ủng hộ. Đồng thời, “kẻ cơ hội”  lại độc đoán, áp đặt và sẵn sàng chèn ép cấp dưới, đặc biệt là những người chính trực, dám nói thẳng, nói thật. Mục tiêu của hành vi này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để thao túng quyền lực, đồng thời loại bỏ mọi chướng ngại vật nhằm “dọn đường” tiến thân cho bản thân.

Ba là, giỏi “diễn”“đánh bóng” hình ảnh. Kẻ cơ hội chính trị rất giỏi đóng vai “người liêm chính”, “hết lòng vì nhân dân” trên truyền thông, hội họp, phát biểu công khai. Tuy nhiên, sau lưng những lời hay ý đẹp ấy là một con người thực dụng, giả tạo và mưu mô. Hiện nay, lợi dụng mạng xã hội, truyền thông, các diễn đàn chính trị để “kẻ cơ hội” tự đánh bóng bản thân, thậm chí gán công lao của tập thể cho cá nhân mình nhằm xây dựng hình ảnh một “cán bộ kiểu mẫu”.

Bốn là, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Mọi hành động, lời nói của kẻ cơ hội đều hướng đến mục tiêu cá nhân, kể cả khi nói về “phục vụ Nhân dân” hay “vì Tổ quốc”. Nếu quan sát kỹ, chúng ta dễ dàng nhận thấy, “kẻ cơ hội” chỉ tham gia các hoạt động chính trị, tổ chức hay phong trào nếu điều đó đem lại lợi ích trực tiếp. Và vô cùng nguy hiểm là khi “kẻ cơ hội” lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, can thiệp vào chính sách, bổ nhiệm người thân quen, tham nhũng quyền lực và hình thành “nhóm lợi ích”.

Năm là, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy khi có sai phạm. Kẻ cơ hội thường né tránh trách nhiệm khi gặp thất bại hoặc bị phát hiện sai phạm, cũng như thường có khả năng xoay chuyển tình thế, đổ lỗi cho người khác hoặc tập thể để giữ vị trí, thậm chí tìm cách bôi nhọ những người tố cáo hoặc bất đồng chính kiến. Khi thành công, “kẻ cơ hội” nhận công về mình nhưng khi thất bại, “mặc định” lỗi là của cấp dưới hoặc hoàn cảnh khách quan tạo ra.

Sáu là, sử dụng chiêu trò để thao túng và chia rẽ nội bộ. Một chiêu thức thường thấy ở “kẻ cơ hội”  là gây mất đoàn kết nội bộ, bằng cách chia phe cánh, gieo rắc nghi ngờ, dựng chuyện nhằm gây bất ổn để trục lợi. Đặc biệt, “kẻ cơ hội” không quan tâm đến sự gắn kết tổ chức mà chỉ coi đây là “công cụ” phục vụ cho tham vọng, lợi ích của cá nhân.

Thông qua những dấu hiệu nhận diện trên, có thể xác định 3 nguy cơ mà kẻ cơ hội chính trị đã, đang và sẽ gây ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc khi đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đó là:

Thứ nhất, làm “xói mòn” niềm tin của Nhân dân. Những hành vi lươn lẹo, đạo đức giả và vụ lợi của kẻ cơ hội khiến Nhân dân mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo. Khi lòng tin suy giảm, chính quyền sẽ đối mặt với khủng hoảng chính trị, rạn nứt niềm tin xã hội – điều cực kỳ nguy hiểm trong thể chế chính trị của nước ta, luôn đặt nền tảng từ Nhân dân, vì Nhân dân.

Tiếp đến, gây chia rẽ trong nội bộ, làm suy yếu tổ chức. “Kẻ cơ hội” thường gây mất đoàn kết, tạo bè phái, làm suy yếu năng lực điều hành và lãnh đạo. Chúng khiến tổ chức trì trệ, hình thức, sợ trách nhiệm và không dám đổi mới, vì sợ đụng chạm hoặc sợ bị lật tẩy âm mưu của cá nhân.

Thứ ba, là “điểm ngắm” của các thế lực thù địch. Kẻ cơ hội chính trị dễ bị các thế lực phản động lợi dụng. Trong nhiều trường hợp, chính “kẻ cơ hội” là mắt xích trung gian tiếp tay hoặc tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài để phá hoại nội bộ, xuyên tạc chủ trương chính sách và kích động chống phá.

Từ những vấn đề trên cho thấy, kẻ cơ hội chính trị đang tồn tại dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, len lỏi vào nhiều vị trí trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong nội bộ Đảng và quân đội. Đây là những phần tử thoái hóa, biến chất – những “con sâu”, “con mọt” đang âm thầm phá hoại nền tảng tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Chúng làm suy yếu tổ chức đảng, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thống nhất trong tư tưởng và hành động, từ đó đe dọa trực tiếp đến vai trò cầm quyền của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị cần được xác định là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết và lâu dài trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen.

Và hơn hết, điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục - đào tạo đội ngũ cán bộ sĩ quan các cấp trong quân đội, cũng như trong duy trì hoạt động thường xuyên của các đơn vị trong toàn quân. Vì vậy, trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa nội dung nhận diện, cảnh báo và đấu tranh với kẻ cơ hội chính trị vào chương trình giáo dục – đào tạo cho các đối tượng học viên trong Học viện. Đây chính là bước đi cần thiết nhằm nâng cao khả năng “tự đề kháng” trước các tác động xấu từ bên trong và bên ngoài cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, nhà khoa học, nhà giáo ở thế hệ tiếp theo trong Quân đội ta. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo cơ quan chính trị, tổ chức Đảng, chỉ huy các cấp trong toàn Học viện cũng cần thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện cơ hội, góp phần giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức và củng cố nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ trong toàn Học viện.

Kẻ cơ hội chính trị là biểu hiện lệch lạc, nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống chính trị. Dấu hiệu nhận biết của kẻ cơ hội chính trị không quá khó nếu tổ chức, nhân dân và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực sự tỉnh táo, luôn kiên định và có ý thức bảo vệ sự trong sạch của hệ thống. Chủ động nhận diện, đấu tranh và loại bỏ những phần tử cơ hội chính là bước đi “sống còn” để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ kỷ cương và hướng đến một nền chính trị công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân và Tổ quốc khi đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

N.T.C.P.D


Tác giả: HSDH. Ngô Trần Công Phương Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?