Chống biểu hiện “thổi phồng thành tích, sợ trách nhiệm, giấu sai phạm” – Trách nhiệm chính trị của học viên sau đại học tại Học viện Lục quân
Nghị quyết 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương chỉ rõ 10 biểu hiện chủ nghĩa cá nhân cần tránh. Trong học tập, thổi phồng thành tích, né tránh trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi, giấu sai phạm là biểu hiện tinh vi. Với học viên sau đại học – cán bộ kế cận, đây là yêu cầu đạo đức thiết yếu.
Ngày 28/12/2021, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết 847-NQ/QUTW về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”. Văn kiện quan trọng này định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh. Biểu hiện: thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi; giấu giếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm; đây là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến đạo đức và uy tín tổ chức, đặc biệt với học viên sau đại học tại Học viện Lục quân - thế hệ cán bộ chỉ huy, lãnh đạo, nhà giáo, nhà khoa học kế cận trong tương lai.
Biểu hiện “thổi phồng thành tích” là báo cáo không thật, khoe khoang, phóng đại vai trò cá nhân, dùng tuyên truyền sai sự thật. Kèm theo là né tránh trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, thiếu tinh thần tập thể, không chịu trách nhiệm khi gặp khó khăn. Giấu khuyết điểm, không trung thực trong tự phê bình gây hình thức, thiếu minh bạch, xa rời thực tiễn. Đây là lối sống cá nhân chủ nghĩa, làm suy giảm trách nhiệm và đạo đức quân nhân, nếu không được nhận diện, đấu tranh kịp thời, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong học tập, rèn luyện tại Học viện như:
Một là, làm giảm giá trị thực chất của kết quả học tập, biến đào tạo thành chạy theo hình thức, thậm chí gian dối học thuật.
Hai là, ảnh hưởng tới môi trường đoàn kết, dân chủ trong học viên, gây tâm lý nghi ngờ, ganh đua, mất lòng tin giữa đồng chí, đồng đội.
Ba là, kéo theo tâm lý né tránh nhiệm vụ khó, ngại va chạm, thiếu bản lĩnh và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.
Bốn là, tạo tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm suy giảm đến uy tín của đội ngũ cán bộ sau khi tốt nghiệp ra trường.
Vì vậy, mỗi học viên sau đại học cần nhận thức sâu sắc rằng, chống chủ nghĩa cá nhân chính là giữ gìn danh dự người cán bộ quân đội. Việc rèn luyện đạo đức, bản lĩnh phải thể hiện trong từng hành động cụ thể, đó là:
Trước hết, trung thực khi viết luận văn, luận án là yêu cầu cốt lõi với học viên sau đại học ở Học viện Lục quân. Hành vi sao chép, sửa số liệu, “làm đẹp” kết quả là trái đạo đức khoa học và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Trung thực thể hiện trách nhiệm, xây dựng uy tín cán bộ quân đội và rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực nghiên cứu thực tiễn.
Tiếp đến, học viên cần sẵn sàng nhận khuyết điểm, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hay né tránh việc khó. Đây là biểu hiện của bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tinh thần dấn thân vì nhiệm vụ chung. Phẩm chất này góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ mẫu mực, nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín Học viện trong kỷ nguyên mới.
Ba là, học viên cần chủ động tự phê bình, lắng nghe góp ý một cách cầu thị, thẳng thắn. Đây là biểu hiện của tinh thần cầu tiến và trách nhiệm tập thể, giúp hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu. Thái độ trung thực trong phê bình góp phần xây dựng môi trường học tập dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, phát triển Học viện vững mạnh.
Bốn là, học viên cần tự giác sửa chữa khuyết điểm, vượt qua cám dỗ danh vọng, không tô vẽ bản thân bằng hình thức hay quan hệ. Đây là biểu hiện của phẩm chất chính trị vững vàng, thể hiện sự liêm chính, trung thực trong học tập và rèn luyện. Phẩm chất đó góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ quân đội mẫu mực, giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bên cạnh đó, chỉ huy Hệ Đào tạo Sau đại học và Giảng viên cần phát huy tốt vai trò trong giáo dục, định hướng để giúp học viên sau đại học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và kiên quyết chống biểu hiện “thổi phồng thành tích, sợ trách nhiệm, giấu sai phạm”. Thông qua công tác quản lý, rèn luyện thường xuyên, chỉ huy Hệ cần chủ động nắm bắt tư tưởng, kịp thời uốn nắn lệch lạc, khơi dậy tinh thần tự trọng, trung thực và trách nhiệm cá nhân; đồng thời, cần nêu gương và tạo môi trường dân chủ, kỷ cương, đoàn kết để học viên mạnh dạn tự phê bình, tích cực học tập, rèn luyện. Sự gần gũi, sâu sát của cán bộ chỉ huy Hệ là nguồn động lực quan trọng, giúp học viên kiên định lý tưởng, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và phát triển toàn diện trong quá trình đào tạo tại Học viện.
Chống biểu hiện “thổi phồng thành tích, sợ trách nhiệm, giấu sai phạm” không chỉ là nội dung kiểm điểm hình thức, mà là trách nhiệm chính trị và đạo đức khoa học của mỗi học viên sau đại học trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện tại Học viện Lục quân. Giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện ở sự cầu thị, thái độ trung thực, với tinh thần “7 dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là nền tảng để học viên trở thành nguồn cán bộ quân sự kế cận của Quân đội ta trong kỷ nguyên mới./.
N.T.C.P.D