Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 43
Tháng 04 : 48.188
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên ở Học viện Lục quân hiện nay

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá mà Người đã để lại cho Đảng, dân tộc và Quân đội ta. Phong cách làm việc của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực trong xây dựng phong cách làm việc của người cán bộ cách mạng nói chung, mà còn có giá trị to lớn trong bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc của cán bộ, giảng viên Học viện Lục quân hiện nay.

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là những nền nếp có tính hệ thống, ổn định tạo thành đặc trưng riêng trong làm việc gắn với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Người nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là tổng hợp những cách thức, nguyên tắc, phương pháp làm việc, được thể hiện sinh động, sâu sắc, xuyên suốt ở cả tư tưởng và thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, phản ánh trên một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, tính dân chủ: Đâyđặc trưng nổi bật hàng đầu thể hiện ở cả lý luận và thực tiễn trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Theo Người thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề. Vì vậy, Người khẳng định nguyên tắc cao nhất trong tổ chức, làm việc của đảng là “dân chủ tập trung”. Dân chủ là giải thích thảo luận, tranh luận thẳng thắn, nói rõ và nói hết ý kiến, cùng nhau tìm tòi chân lý, đạt tới sự thống nhất; tôn trọng quyết định, chỉ thị, nguyên tắc, chấp hành nghị quyết, mệnh lệnh là tập trung. Với Hồ Chí Minh có dân chủ thì mới có tập trung, dân chủ được đặt lên hàng đầu.

Theo Hồ Chí Minh “dân chủ tập trung” phải gắn liền với “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Người cho rằng: Tập thể làm việc là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Kết hợp giữa tập thể làm việc với cá nhân phụ trách, đó là dân chủ tập trung. Tuân thủ quyết định của tập thể, nhưng đòi hỏi người cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tức là phải có dũng khí, quyết đoán thì mới tổ chức thực hiện tốt công việc được giao. “Làm việc không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả là cũng hỏng việc” ([i]).

Thứ hai, tính quần chúng: Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất của một con người suốt đời vì dân, vì nước. Với Người, mọi suy nghĩ, hành động, mọi chủ trương, chính sách trong công tác làm việc đều xuất phát từ quần chúng, vì lợi ích quần chúng. Theo Người: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc” ([ii]). Đó là người làm việc “vì dân”.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” ([iii]). Vì vậy, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân, học hỏi nhân dân. Người đòi hỏi: “Cách làm việc, cách tổ chức,... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” ([iv]). Từ quần chúng sẽ nắm được “lòng dân”, của thực tiễn từ đó “ý Đảng” mới hợp “lòng dân”. Nhân dân là người trực tiếp thực hiện đường lối, chính sách do vậy cán bộ, đảng viên phải sát dân, gần dân, giáo dục, giúp đỡ nhân dân để “ý đảng” được thực hiện. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh căn dặn dựa vào dân, học dân nhưng không được theo đuôi quần chúng. Đó là người làm việc “dựa vào dân, từ dân, gần dân”.

Thứ ba, tính nêu gương, nói đi đôi với làm: Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” ([v]). Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên có sức hút to lớn đối với quần chúng nhân dân vì thế “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong việc giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người luôn luôn thể hiện mình là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống. Phong cách làm việc của Người luôn làm mực thước, làm gương cho cấp dưới và quần chúng nhân dân học tập, noi theo.

Với Hồ Chí Minh, học phải gắn với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm. Trong xử lý công việc, Người yêu cầu cán bộ “nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Đồng thời, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời đã nói, việc đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm; phải hoan nghênh người khác phê bình mình, kiên quyết loại trừ bệnh “hữu danh, vô thực” và chính Người là hiện thân “nói đi đôi với làm” trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân.

Thứ tư, tính khoa học: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có phong cách làm việc khoa học thể hiện ở tất cả các khâu các bước của quy trình lãnh đạo. Người căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” ([vi]) và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Đồng thời, yêu cầu cán bộ mỗi khi xong một việc, dù thành công hay thất bại đều phải có tổng kết rút kinh nghiệm, để đề ra những giải pháp thích hợp tiếp tục tổ chức thực hiện việc khác tốt hơn. Phong cách làm việc này, đối lập hoàn toàn với lối làm việc chủ quan, cảm tính, tự do, tùy tiện, mắc “bệnh cận thị”, không thấy xa trông rộng; những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc cụ thể, dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả. Những người như vậy, theo Bác, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ mà không thấy sự lợi hại lớn; chỉ thấy nhiệm vụ trước mắt mà không thấy tính lâu dài của công việc.

Thứ năm, tổ chức tốt việc kiểm tra, kiểm soát: Kiểm tra, giám sát là mặt hoạt động không thể thiếu trong hoạt động làm việc của Đảng và cũng là một trong những nội dung cơ bản trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh.

Theo Người: Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Đường lối, nghị quyết dù có hay đến mấy mà không có kiểm tra, đôn đốc thì cuối cùng chỉ là mớ giấy lộn. Người đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, phải thường xuyên coi trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, rút kinh nghiệm các hoạt động lãnh đạo, nhằm đảm bảo cho nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và có giá trị thiết thực đối với đời sống nhân dân. Kiểm tra, kiểm soát còn nhằm: “huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” ([vii]).

Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm việc rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927) và “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong đó phong cách làm việc là một nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất và năng lực cán bộ. Và suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc.

Nhận thức sâu sắc giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngày 8-7-2016, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị 87-CT/QUTW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn quân, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 05 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới.

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị của Đảng, QUTW, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong Học viện đối với Bác Hồ kính yêu. Học viện đã tổ chức học tập, quán triệt để mọi quân nhân nắm vững những nội dung chủ yếu của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai chương trình, kế hoạch hành động gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào thi đua Quyết thắng các cuộc vận động của các cấp, các ngành. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Học viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và học tập, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, giảng viên Học viên theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường giáo dục cho cán bộ, giảng viên nhận rõ sự cần thiết và ý nghĩa to lớn của việc rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của Học viện; giáo dục cho cán bộ, giảng viên nắm vững các nội dung, yêu cầu về phong cách Hồ Chí Minh nhất là những đặc trung cơ bản trong phong cách làm việc của Người và cách thức, phương pháp tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo các yêu cầu, nội dung, đặc trưng phong cách đó. Làm cơ sở cho việc xác định chương trình, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện bản thân đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện để hình thành các đặc trưng phong cách làm việc của bản thân mỗi cán bộ, giảng viên theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Cụ thể là:

Tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có phong cách quần chúng, gần gũi đồng nghiệp và các đối tượng học viên, thông qua đó tăng cường sự giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến phản hồi từ người học. Rèn luyện cho đội ngũ giảng viên tinh thần sâu sát, tỉ mỉ trong công việc, gần gũi đồng nghiệp và học viên từng bước rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, chống lối làm việc tuỳ tiện, chủ quan. Đội ngũ giảng viên luôn bám sát nhiệm vụ và đối tượng giảng dạy để xây dựng kế hoạch sát, đúng, có quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra. Yêu cầu mọi cán bộ, giảng viên luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể. Giảng viên phải lắng nghe ý kiến của học viên, của đồng nghiệp để từng bước điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy của bản thân. Có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao giữa người dạy và người học.

Mỗi cán bộ, giảng viên phải xác định mục đích rõ ràng; kế hoạch đặt ra phải tỉ mỉ, chu đáo, thiết thực, nhìn xa, thấy rộng; nói đi đôi với làm. Phải làm cho mỗi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, ý thức cần kiệm xây dựng cơ quan, đơn vị. Quá trình bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh là quá trình tác động qua lại giữa chủ thể và đối tượng; là sự kết hợp chặt chẽ giữa  bồi dưỡng, rèn luyện và tự bồi dưỡng, tự rèn luyện trong đó tự bồi dưỡng, rèn luyện có vai trò quyết định đến việc hoàn thiện phong cách làm việc Hồ Chí Minh của bản thân. Mỗi cán bộ, giảng viên đã xác định rõ, tự hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện phong cách làm việc Hồ Chí Minh, coi đây là việc làm suốt đời.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh của cán bộ, giảng viên ở Học viện. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện là yếu tố quan trọng, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện kế hoạch, nội dung bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh của cán bộ, giảng viên. Chủ động làm tốt công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên; chỉ đạo, điều hành việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác rèn luyện của các khoa, bộ môn với tự rèn luyện của giảng viên và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả quá trình xây dựng phong cách làm việc của từng cán bộ, giảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, đạt kết quả cao.

Bốn là, nêu cao tính tích cực, tự giác trong rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh của cán bộ, giảng viên. Mỗi cán bộ, giảng viên cần thực hiện nghiêm túc việc tự đào tạo của bản thân. Trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng cơ bản được cung cấp bởi các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, giảng viên cần biết phát huy “nguồn vốn” đó, thực hiện tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện về kiến thức, kỹ năng, phong cách...coi việc tự học là một nhu cầu tự nhiên.

Học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ rằng, những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm ở mỗi cá nhân, mỗi đơn vị sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đáp ứng yêu cầu xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ./.

Đ.Q.B


Tài liệu tham khảo:

[i]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 620.

[ii]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 286. 

[iii]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 453.

[iv]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr 248.

[v]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr 284.

[vi]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr 239.

[vii]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 636. 

 


Tác giả: PCT. Đặng Quốc Bắc
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?