Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
Một trong những tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết quốc tế. Đây là những định hướng quan trọng cho việc hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng để tổng kết thành một phương châm sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[1]. Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; không chỉ trong nội bộ Đảng, trong bộ máy chính quyền, trong phạm vi một dân tộc, mà còn được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết quốc tế. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới, thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc. Tư tưởng đoàn kết của Người thể hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự tài tình của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo những di huấn của Người, chỉ có “đoàn kết, đại đoàn kết” mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, biến đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được “đại thành công”.
Quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán, bởi Người sớm nhận ra, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc và nhân loại cần lao khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, Người đã bày tỏ mong muốn đến ngày thắng lợi “Sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”[2]. Đó là biểu hiện truyền thống đoàn kết, thủy chung của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, họp ở thành phố Tua (Tours) với tư cách là đại biểu Đông Dương, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh...Người chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, “giúp bạn là tự giúp mình”; coi trọng, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một con người vĩ đại đã gắn cách mạng của đất nước mình với cách mạng thế giới và thời đại, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới. Vì vậy, Người chủ trương thực hiện đoàn kết sâu sắc triệt để trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và hợp tác cùng có lợi. Đoàn kết và hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ quốc tế để làm tăng thêm khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến lực lượng có lợi cho cách mạng trong nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình thế giới. Ngay đối với Mỹ là nước đưa quân sang xâm lược Việt Nam, Người cũng nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, được biểu hiện thông qua bức Thư gửi nhân dân Mỹ tháng 12-1961, trong đó nêu rõ: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù không oán. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cờ chống chủ nghĩa thực dân (1775 – 1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn… Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang dùng quân sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đang âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi buộc phải đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Và chúng tôi mong các bạn hành động ngay để ngăn cản Chính phủ Mỹ phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam”[3].
Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới, là hiện thân của tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh vĩ đại nhằm chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân của nhân dân thế giới. Vì vậy, trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, nhưng Người luôn luôn kêu gọi phải tăng cường sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời phải ra sức ủng hộ và giúp đỡ đối với các cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tại các diễn đàn quốc tế, Người đã có cảnh báo về sự bất đồng, chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Theo đó, không chỉ làm suy giảm sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, mà còn chia rẽ sâu sắc khối đoàn kết, thống nhất của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới; tạo điều kiện để các loại kẻ thù của cách mạng gây chiến tranh xâm lược, phá hoại môi trường hòa bình thế giới. Cùng với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời bày tỏ những trăn trở, lo lắng về những bất hòa, mất đoàn kết trong nội bộ giữa các đảng anh em. Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng, Đảng ta và toàn thể nhân dân Việt Nam cần nêu cao vai trò, nghĩa vụ quốc tế, đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới đi đến thắng lợi. Người viết: “Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”[5]. Người tin tưởng và căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[6].
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, làm hết sức mình để góp phần quan trọng xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển quan hệ quốc tế trong tình hình mới, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã đề ra và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Hiện nay, khi những điều kiện quốc tế có sự thay đổi khá nhiều so với trước, việc nghiên cứu về vấn đề đoàn kết quốc tế sẽ mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta theo luật pháp quốc tế. Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hoá giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, phải luôn đề cao xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận quốc tế. Cố gắng tìm kiếm và tranh thủ điểm đồng thuận về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời thông qua đây để tiến hành bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Đối với Học viện Lục quân, trong những năm qua cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sỹ đã quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là đối với các đồng chí cán bộ, học viên các nước bạn đang học tập, nghiên cứu tại Học viện. Công tác đào tạo học viên quốc tế luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy chỉ huy các cơ quan, khoa giảng viên, Hệ Quốc tế coi trọng. Đối với học viên quốc tế, ngoài chương trình đào tạo cơ bản như học viên Việt Nam, nội dung học tập cũng có nhiều điểm mới nhằm phù hợp với đặc điểm thực tiễn nước bạn, do đó chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên. Đồng thời, Học viện thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt điều kiện sinh hoạt, đời sống văn hóa tinh thần cho học viên quốc tế. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết cổ truyền của nước bạn, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động theo phong tục truyền thống, tạo không khí ấm áp, gần gũi như ở quê nhà. Cấp ủy, chỉ huy Hệ Quốc tế thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học viên hòa nhập vào môi trường sư phạm quân sự. Những học viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp thiên tai đều được Học viện và đơn vị chia sẻ, giúp đỡ. Bằng nhiều việc làm thiết thực, các lớp học viên Lào, Campuchia ngày thêm yêu mến gắn bó với đơn vị, tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện tại Học viện góp phần giữ gìn, củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
L.N.H
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.15.
[2] [4] [5] [6]Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.618, 613, 614.
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.307.