Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.089
Tháng 04 : 65.272
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tính sáng tạo, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại trong quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh

Ngày 05 tháng 6 năm 1911, tại bến Nhà Rồng (Sài Gòn), với bí danh Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu La Touche Tréville trong vai một người phụ bếp, mở đầu hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đây là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại đối với dân tộc Việt Nam - dấu mốc quan trọng mang tính chất quyết định tiến trình trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Người theo đuổi. Nhìn lại hành trình tìm đường cứu nước của Người qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trong khoảng thời gian hơn 30 năm, chúng ta không chỉ tôn kính, biết ơn sâu sắc mà còn khâm phục tư duy sáng tạo của Người đã có một quyết định hết sức táo bạo, vượt lên trên sức tưởng tượng của bất cứ ai làm cách mạng thời điểm bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác). Người lớn lên trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, lớn lên trong truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương, dân tộc; được giáo dục, và được nghe nhiều chuyện qua các buổi bàn luận về thời cuộc của giữa các thầy giáo với các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha anh trước cảnh nước mất, nhà tan.

Năm 1905, Nguyễn Tất Thành theo học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp (bản xứ) ở thành phố Vinh. Chính tại ngôi trường này, lần đầu tiên Người được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Năm 1906, Người vào Huế và theo học tại Trường tiểu học Pháp - Việt (tỉnh Thừa Thiên). Tại đây, Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên (tháng 4/1908) - Khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời của Người vì quyền lợi của nhân dân lao động. Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ Pháp, đồng thời chịu ảnh hưởng của các thầy giáo yêu nước. Nhờ đó, đã sớm hình thành ở Người ý tưởng về một quyết định táo bạo - sang phương Tây để hiểu tình hình các nước và học hỏi những thành tựu của văn minh nhân loại.

Tháng 6 năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết, Người xin làm trợ giáo được giao dạy một số môn, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khoá của Trường Dục Thanh. Ở đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như: Rút xô, Vôn te, Mông tét xít kiơ. Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên trẻ tuổi. Tháng 2 năm 1911, Người rời Phan Thiết vào Sài Gòn và làm việc trên tàu Pháp. Ngày 5/6/1911 tại bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, mang theo khát vọng của hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.

Tính sáng tạo trong quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh được biểu hiện rõ nét thông qua quyết định lựa chọn sang phương Tây tìm đường cứu nước chứ không mà không phải ở lại trong nước hay sang các nước thuộc địa Á Châu như các bậc tiền bối. Ngược dòng lịch sử có thể thấy, trong bối cảnh từ năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Với tinh thần yêu nước và ý chí quật cường, khát vọng độc lập, tự do, các phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc diễn ra ở khắp mọi miền đất nước. Trong đó, tiêu biểu là: phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành,…

Các phong trào khởi nghĩa trong thời kỳ này đều sáng ngời tinh thần yêu nước cao cả. Tuy nhiên, do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên đều thất bại. Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc, bị kẻ thù đàn áp và dìm trong bể máu. Cách mạng Việt Nam tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Mặc dù rất khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những chí sỹ yêu nước lúc đó, nhưng Nguyễn Tất Thành không đồng tình với con đường và cách thức mà các sỹ phu yêu nước trước đó đã lựa chọn, Người có suy nghĩ khác, cách thức khác trong con đường cứu nước. Theo Người: Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương”, thì điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương; “Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau”. “Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến[1]. Nghiên cứu những bài học lịch sử của các tiền bối đi trước, Nguyễn Tất Thành thấy rằng, mọi cách thức tiến hành ở trong nước hay sang Trung Quốc, Nhật Bản đều không thành công.

Sự thất bại của các phong trào cách mạng đã thôi thúc Người tìm một hướng đi mới cho con đường giải phóng dân tộc - đến các nước phương Tây để tìm hiểu sự thực ý nghĩa, giá trị của nền văn minh Pháp; để trả lời cho câu hỏi vì sao ở quê hương của những ngôn từ đẹp như vậy lại sản sinh ra những đội quân xâm lược, gây bao đau thương tang tóc cho nhân loại. Đồng thời, Người muốn đến quê hương của những tư tưởng tiến bộ ấy để: xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[2]. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Người đi đến một quyết định táo bạo: “muốn bắt được hổ phải vào tận hàng ổ của chúng”. Do vậy, Người chủ trương đi sang các nước phương Tây xem họ làm cách mạng thế nào để về áp dụng vào nước nhà. Đó là quyết định rất quan trọng, biểu hiện một tư duy hết sức sáng tạo trong xác định hướng đi hành trình tìm đường cứu nước ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Với tư duy khoa học, sáng tạo trong quyết định lựa chọn hướng xuất phát tìm đường cứu nước đã dẫn dắt người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến với con đường cách mạng giải phóng dân tộc  - con đường cách mạng vô sản. Người đã đi qua rất nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra kết luận rằng: chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người nghiên cứu bản chất bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thấy rõ tính chất dân chủ giả hiệu của các cuộc cách mạng tư sản. Vì thế, cứu nước theo ngọn cờ của giai cấp tư sản không phải là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử. Từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến con đường cách mạng Tháng Mười Nga - con đường cách mạng vô sản, con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn và khoa học nhất  như một sự vận động tất yếu của thời đại. Đồng thời, Người nhanh chóng tiếp thu, nắm bắt được “ánh sáng lý luận” từ bản sơ thảo lần thứ nhất trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin.

Khi nghiên cứu, tiếp xúc với bản “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, đặc biệt là mười hai luận điểm nổi tiếng trong bản “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn. Người khẳng định: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[3]. Người chỉ ra cho Nhân dân Việt Nam thấy rằng, công cuộc đấu tranh giải phóng trong thời đại mới không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[4].

Với long yêu nước vô bờ bến và tư duy sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lí: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[5]. VàChỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức[6]. Đồng thời, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[7]. Đây là sự khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác hẳn về chất so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đây ở nước ta; đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng.

Cũng chính trong quá trình tìm đường cứu nước, trên cơ sở trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận  chủ nghĩa Mác - Lênin gắn với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam - Một phương thức sản xuất đặc thù, phương thức sản xuất Châu Á, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản là mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan hệ lệ thuộc. Người chỉ ra cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một luận điểm sáng tạo, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn; góp phần định hướng tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động tích cực  - ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn  dân ta về sự nghiệp cách mạng cao cả, đem sức ta để tự giải phóng cho ta. Đồng thời, qua những năm bôn ba đi nhiều nơi, tìm kiếm, học hỏi, Nguyễn Ái Quốc rút ra một nhận xét quan trọng: “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[8]. Nhận thức này là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc đưa chủ trương về sự gắn bó giữa cách mạng trong nước với sự nghiệp cách mạng vô sản của giai cấp công nhân của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Như vậy, việc lựa chọn sang phương Tây cùng những nhận thức khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc chuyển từ lập trường của một người yêu nước đơn thuần sang lập trường của một người cộng sản yêu nước. Đầu năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) để xây dựng lực lượng cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Người đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam để thành lập một chính đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 06/01/1930 đến ngày 08/02/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị cũng thông qua các văn kiện quan trọng về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam… Từ đây, con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành về cơ bản. Sự kiện này không những là dấu mốc quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là dấu mốc quan trọng của Cách mạng Việt Nam, đưa công cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc ở nước ta thoát khỏi khủng hoảng, bế tắc về đường lối, về tổ chức, tạo ra bước chuyển mới về chất. Cách mạng Việt Nam chính thức bước vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc, chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này - Một sự kiện sự kiện đã chứng tỏ quyết định sang phương Tây là đúng đắn, sáng suốt, khác hẳn về chất so với hướng đi của các nhà cách mạng tiền bối; là sự phản ánh và thể hiện một tầm hiểu biết sâu rộng, sự nhạy bén đặc biệt trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình; khả năng định hướng trong một tình thế có những thay đổi nhanh chóng, bất ngờ cùng sự hiểu biết bối cảnh lịch sử - cụ thể ở các nước khác nhau; đồng thời thể hiện ý chí sắt son, lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng tột bậc về tự do, bình đẳng thật sự cho Nhân dân, cho dân tộc Việt Nam của Người.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

5. Trần Dân Tiên (1994), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.    

 


[1]. Trần Dân Tiên (1994), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 12.

[2]. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 22.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 562.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 296.

[5]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 603.

[6]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 563.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 287.


Tác giả: KMLNTTHCM. Hoàng Ngọc Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?