Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.875
Tháng 04 : 58.521
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng tám năm 1945 ở Việt Nam

Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới lá cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh, tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, đồng thời có giá trị lịch sử và thời đại to lớn.

Giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Tám có thể khái quát ở những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tạo bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã lập nên biết bao chiến công hiển hách, đánh tan mọi thế lực xâm lược hùng mạnh nhất, giành, giữ nền độc lập dân tộc. Đến giữa thế kỷ XIX, dân tộc ta phải đương đầu với kẻ thù mới, lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần đó là thực dân Pháp. Do vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng lên kiên trì đấu tranh để giành lại nền độc lập dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách đô hộ của phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến lạc hậu hàng nghìn năm, đưa nước ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chấm dứt thời kỳ lịch sử lâu dài của dân tộc sống dưới những chế độ áp bức, bóc lột khác nhau để bước vào một thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác, với một chế độ chính trị, xã hội không còn áp bức bóc lột, một sự đổi đời hợp với nguyện vọng thiết tha và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của những người chiến sĩ cách mạng cùng nhân dân lao động cả nước. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam, thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn do Đảng ta vạch ra và lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên điều kỳ diệu. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã tạo nên sự “thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[1]. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng mác xít chân chính, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo có thể giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để.

Hai là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình.

Sau 15 năm đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng tháng Tám đã đập tan ách áp bức, thống trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn tay sai, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước, được tự do làm chủ vận mệnh của chính mình. Đây là một cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”[2].

Ba là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.

Trong những thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng ta phải thực hiện sách lược rút vào hoạt động bí mật, thâm chí “hoạt động bất hợp pháp”. Nhưng khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đã trở thành một đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước - đảng cầm quyền. Điều đó khẳng định: trên thực tế khả năng và hiệu quả lãnh đạo của một Đảng tuy còn rất non trẻ, ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến nhưng đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội, thực sự là một tổ chức chính trị tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến đấu quên mình trước hết vì lợi ích thiết tha nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc lúc này là độc lập và tự do.

Bốn là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cơ sở, điều kiện tiên quyết cho cách mạng nước ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi.

Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định “Làm tư sản dân quyền các mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Nghĩa là, cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, không phải kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Do đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa đến những cơ sở, điều kiện tiên quyết, tạo dựng nền móng vững chắc cho chế độ xã hội mới; đồng thời, tạo nên động lực mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ chống đế quốc, thực dân, xây dựng chế độ mới chế độ xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn tạo động lực mạnh mẽ để dân tộc Việt Nam muôn người như một, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của hai tên đế quốc lớn nhất của thế kỷ XX, đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975). Đó cũng chính là nền tảng, ngọn nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trong gần 35 năm qua, giữ vững thành quả cách mạng, phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám làm sáng tỏ, bổ sung lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa trong thời đại mới.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã bổ sung vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, khắc phục sai lầm “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản trong việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống phong kiến. Trong khi đó, ở các dân tộc thuộc địa, nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc phải được đặt lên hành đầu. Do đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám bổ sung lý luận Mác - Lênin về khả năng nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc của các dân tộc thuộc đại và phụ thuộc, nếu ở đó được sự giúp đỡ của cách mạng thế giới và tổ chức ra được đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là Đảng Cộng sản; bổ sung lý luận của V.I.Lênin về thời cơ và nâng lên thành nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám. Trên thực tế, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, hàng loạt các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh giành độc lập, đã chặt đứt một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa kiểu cũ, cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do. Nhà Sử học Na Uy, Stein Tonneson hoàn toàn có lý khi đánh giá về tầm ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám đối với lịch sử thế giới: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam... Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”[4]. Đồng thời, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đã xác lập và nâng cao vị thế quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào giải phóng vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có giá trị lịch sử và thời đại vô cùng to lớn. 75 năm trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn, tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sâu sắc, tiếp tục toả sáng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tinh thần Cách mạng tháng Tám còn sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, cũng như trong bước đường phát triển của nhiều dân tộc tiến bộ trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.

Tài liệu tham khảo:


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 26.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 25-26.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.1.

[4] Stein Tonneson, The Vieetnamese Revolution of 1945, Rooseveli, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at wat, Sage Publiccations, 1991, London, NewBury Park, New Delhi, P.425 - 426.

N.S.H


Tác giả: HSDH. Nguyễn Sỹ Họa
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?