Điều kiện lịch sử, nội dung cơ bản qua những lần cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam
Ngày 10/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Điều kiện lịch sử, nội dung cơ bản qua những lần cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam được khái quát như sau:
Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024
1. Cải cách tiền lương giai đoạn 1960-1984
Sau hòa bình lập lại, năm 1957 những yêu cầu đặt ra trong việc sửa đổi chế độ tiền lương đối với người lao động tại miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra và chính thức được triển khai vào năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Trong đợt cải cách này, mức tiền lương cụ thể cho từng loại công việc, thời gian trả, hình thức trả lương, nâng bậc lương và các vấn đề khác liên quan đều do Nhà nước định sẵn thông qua hệ thống các bậc lương và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Vấn đề tiền lương tối thiểu được Chính phủ giới hạn trực tiếp bằng việc quy định cụ thể các mức lương trong các ngành. Trong mỗi ngành đều có mức lương thấp nhất (bậc một - khởi điểm) được trả cho người lao động ứng với công việc đòi hỏi trình độ và cường độ lao động thấp nhất. Ngày 5/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp (HCSN). Theo đó mức lương thay đổi theo: chức vụ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên; yêu cầu về kỹ thuật, nghiệp vụ; môi trường và điều kiện làm việc.
Một trong những điểm nhấn của chính sách cải cách tiền lương ở Việt Nam trong giai đoạn 1960-1984 là hướng tới mục tiêu chiếu cố toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng giữa yêu cầu và khả năng, vận dụng đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động vào tình hình thực tế đất nước, chống chủ nghĩa bình quân, phải chống xu hướng đòi công bằng hợp lý một cách tuyệt đối, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước.
2. Cải cách tiền lương giai đoạn 1985-1992
Giai đoạn này mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước. Cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang đã dẫn đến một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền.
Nguyên tắc hưởng lương là làm công việc gì, chức vụ gì thì hưởng lương theo công việc, chức vụ đó. Mức lương tối thiểu là 220 đồng một tháng. Mức lương tối thiểu là cơ sở để định các mức lương cấp bậc hoặc lương chức vụ. Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền lương: tối thiểu - trung bình - tối đa tương ứng hệ số: 1 - 1,32 - 3,5. Theo đó, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương là 220 đồng, kỹ sư bậc 1 có mức lương 290 đồng, những người giữ chức vụ tương đương Bộ trưởng có mức lương là 770 đồng. Đến tháng 9/1985 tiền lương tăng khoảng 60 %, tuy nhiên với nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao đã làm giá trị của đồng lương sụt giảm nhanh chóng và mức trả lương không đánh giá đúng giá trị thực tế sức lao động của người lao động. Trước đòi hỏi tiền lương tối thiểu phải có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, ngày 28/12/1988, tiền lương tối thiểu được nâng lên 22.500 đồng/tháng.
Năm 1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đây xuất hiện thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu có mức lương tối thiểu của người lao động trong thành phần kinh tế này. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 50 USD/tháng.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định chính sách cải cách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn 1985-1992 đã có tiến bộ đáng kể trong việc quy định về tiền lương tối thiểu; đã có sự phân định về tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự công bằng trong việc trả công cho người lao động.
3. Cải cách tiền lương giai đoạn 1993-2002
Sau biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, nền kinh tế nước ta hết sức khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao (năm 1990 là 70%, năm 1991 là 67,5% và năm 1992 là 16,7%). Do vậy, chính sách tiền lương cũ mất dần ý nghĩa trong sản xuất và đời sống xã hội. Tiền lương không đảm bảo đời sống của người lao động và được tiền tệ hóa ở mức thấp. Cải cách tiền lương giai đoạn này được đánh dấu bằng hàng loạt các Luật, và văn bản dưới luật.
Một trong những đặc điểm của chính sách tiền lương ở Việt Nam trong giai đoạn này là mức lương tối thiểu liên tục được điều chỉnh tăng theo sự mất giá của đồng tiền. Các năm 1993, 1997, 1999, 2000 mức lương tối thiểu lần lượt là: 120.000, 144.000, 180.000 và 210.000 đồng/tháng. Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài quy định mức lương tối thiểu cho lao động trong khu vực này là 417.000 đồng - 626.000 đồng/tháng tùy thuộc vào địa phương và đặc trưng của từng ngành nghề.
Cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn 1993-2002 đã từng bước làm cho tiền lương trở thành thước đo giá trị sức lao động, áp dụng ở mọi thành phần kinh tế có quan hệ lao động theo thị trường. Đáp ứng yêu cầu tiền tệ hóa tiền lương, dần thay thế và tiến tới xóa bỏ chế độ phân phối hiện vật có tính chất tiền lương.
- Cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2020
Giai đoạn này kinh tế nước dần ổn định, tốc độ tăng trưởng các năm tương đối cao tạo nền tảng tài chính cho hoàn thiện chế độ tiền lương trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương, thu gọn một bước hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, tiền lương phải được thay đổi một cách toàn diện với tất cả các đối tượng lao động. Ngoài các lần tăng mức lương tối thiểu, điểm nhấn của cải cách chính sách tiền lương giai đoạn này là năm 2009, thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực; không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm tạo cơ sở cho việc trả lương. Đồng thời từ năm 2013, tiền lương tối thiểu để tính lương cho người lao động ở khu vực công được đổi thành mức lương cơ sở. Đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu qui định theo vùng: I, II, III, IV. Đây là một trong những nội dung nổi bật của chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2003-2020.
Như vậy, từ năm 1960 đến nay, tùy theo khả năng kinh tế từng thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo liên tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo xu hướng: đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình; không tạo ra gánh nặng cho quỹ lương của Nhà nước và người sử dụng lao động; đảm bảo tính hợp lý và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ lao động. Vì vậy, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập so với nhu cầu của thực tiễn phát triển đất nước. Cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII lần này là cuộc cải cách chính sách tiền lương toàn diện, đồng bộ; có bằng chứng khoa học thuyết phục về lý luận và thực tiễn; có lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp. Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng tạo ra động lực thực sự để đội ngũ cán bộ, công chức,viên chức, người lao động trong các đơn vị HCSN, doanh nghiệp nói chung, lực lượng vũ trang và Học viện Lục quân nói riêng lao động sáng tạo góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
NĐT