• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 962
Tháng 07 : 13.207
Tháng trước : 38.580
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, biểu tượng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trên mặt trận đối ngoại

Ngoại giao không chỉ là công cụ thực thi chính sách đối nội và đối ngoại, mà còn là một nghệ thuật, nơi hội tụ bản lĩnh chính trị, trí tuệ sắc sảo, sự uyên bác trong tư duy và tinh tế trong ứng xử. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công tác ngoại giao cũng là một mặt trận. Các đồng chí là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Với tinh thần đó, đồng chí Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Bác, đã trở thành một chiến sĩ kiên cường trên mặt trận đối ngoại của nước ta trong suốt nhiều thập kỷ.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và giành được độc lập, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó trọng trách đối ngoại. Theo Sắc lệnh số 86 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 30 tháng 5 năm 1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn Việt Nam sang Paris thay ông Nguyễn Tường Tam. Từ dấu mốc này, đồng chí Phạm Văn Đồng chính thức bước vào mặt trận ngoại giao với tư cách một nhà lãnh đạo chủ chốt, đại diện cho Đảng và Chính phủ tại nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, trực tiếp ký kết nhiều văn kiện ngoại giao có ý nghĩa lịch sử, từ Hội nghị Fontainebleau (1946), Hội nghị Geneva (1954), đến các cuộc đàm phán bí mật với đại diện Mỹ trong giai đoạn 1965 -1967, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao được đào luyện từ phong trào cách mạng, có vốn tri thức uyên bác, am hiểu sâu sắc văn hóa Đông - Tây và thông thạo tiếng Pháp. Ẩn sau vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng là khí chất kiên định, cương trực của người miền Trung; đồng thời, là sự mềm dẻo, linh hoạt cần thiết của một nhà đàm phán chiến lược, đồng chí luôn giữ vững lập trường ngoại giao kiên quyết về nguyên tắc, nhưng vận dụng sách lược một cách khôn khéo, linh hoạt, từng bước buộc đối phương phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Việt Nam.   

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ đại diện trực tiếp cho nhà nước Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, mà còn tham gia hoạch định chính sách đối ngoại lâu dài của Đảng và Nhà nước. Đồng chí là người đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ thân thiện với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi”.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, trên cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có nhiều chuyến công du đến các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc nhằm vận động viện trợ, thiết lập và củng cố quan hệ hữu nghị. Nhờ đó, miền Bắc Việt Nam được hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần để khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tạo dựng thế và lực vững chắc trên trường quốc tế.

Một cột mốc nổi bật trong sự nghiệp ngoại giao của đồng chí Phạm Văn Đồng là vai trò tại Hội nghị các nước Á - Phi tổ chức ở Bandung, Indonesia, tháng 4 năm 1955. Tại đây, đồng chí đã khéo léo truyền tải thông điệp chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong phong trào Không liên kết. Đây là bước đi chiến lược, tạo nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao rộng rãi với các nước Á - Phi - Mỹ Latinh, đưa Việt Nam trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên toàn thế giới.

Về sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, công tác ngoại giao ngày càng trở nên quan trọng. Với sự tham mưu và trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mặt trận ngoại giao trở thành một chiến trường không tiếng súng nhưng đầy căng thẳng và thử thách. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các chiến dịch vận động quốc tế chống chiến tranh xâm lược của Mỹ được tổ chức rầm rộ, từ phong trào đoàn kết với Việt Nam, các hội nghị quốc tế chống Mỹ, cho đến các tuyên bố chung phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình. Hội nghị quốc tế chống Mỹ tại Hà Nội năm 1964 với sự tham dự của 64 đoàn từ 52 quốc gia và 12 tổ chức quốc tế là minh chứng điển hình cho hiệu quả của mặt trận ngoại giao nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp mà đồng chí Phạm Văn Đồng đóng vai trò khởi xướng.

Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí đã tham gia hầu hết các Hội nghị Trung ương của Đảng liên quan đến công tác đối ngoại, đặc biệt trong giai đoạn 1965 - 1969, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Các ý kiến đóng góp của đồng chí luôn thể hiện sự sắc sảo, chiến lược, nhất quán về quan điểm ngoại giao độc lập, tự chủ; đồng thời, linh hoạt trong xử lý quan hệ với các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam vừa giữ được thế chủ động trong đàm phán với Mỹ, vừa giữ vững được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Một trong những đóng góp đặc biệt quan trọng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là việc công bố “Lập trường bốn điểm” vào ngày 8/4/1965, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố sẵn sàng thương lượng vô điều kiện. Văn bản này trở thành nền tảng chính trị và pháp lý quan trọng, khẳng định yêu sách chính đáng của Việt Nam về độc lập, thống nhất và tự quyết. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để ta tấn công ngoại giao một cách chủ động, đánh bại các luận điệu “thương lượng có điều kiện” của Mỹ. Tại Hội nghị Paris, đồng chí đã phát hiện và cảnh báo sớm âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến tranh của Mỹ, ý đồ chia rẽ Việt Nam với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí đã kiên trì đấu tranh, bảo vệ lập trường độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế, góp phần đưa cuộc đàm phán đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong nhiều phát biểu tại các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhấn mạnh tinh thần: “Phải đứng về phía chính nghĩa! Phải chọn đứng về bên nào!”, không chỉ là lời kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam, mà còn là tuyên ngôn ngoại giao sắc bén, lay động lương tri nhân loại. Chính thông điệp ấy đã buộc không ít chính phủ và tổ chức quốc tế phải thể hiện lập trường rõ ràng, đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất.                                     

Ảnh tư liệu Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tư tưởng, bản lĩnh và phong cách ngoại giao của đồng chí Phạm Văn Đồng để lại những bài học có giá trị lâu dài, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Tin học - Ngoại ngữ, Học viện Lục quân hôm nay. Trong bối cảnh quốc tế biến động nhanh chóng, với yêu cầu hiện đại hóa quân đội, xây dựng lực lượng sĩ quan trí thức, bản lĩnh, tinh thông ngoại ngữ và công nghệ, thì việc học tập theo gương đồng chí Phạm Văn Đồng càng có ý nghĩa thiết thực: không ngừng rèn luyện trí tuệ và tư duy chiến lược, làm chủ tình hình, xử lý linh hoạt các mối quan hệ đa chiều trong và ngoài nước; làm chủ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, coi đó là công cụ hội nhập, là “ khí mềm” trong thời đại số, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và huấn luyện sĩ quan; giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kết hợp giữa nguyên tắc và linh hoạt, giữa lòng yêu nước và sự tỉnh táo trong xử lý tình huống, đặc biệt trong môi trường quân sự đặc thù và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng là một hành trình hiến dâng trọn vẹn cho lý tưởng độc lập dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Từ người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã trở thành một nhà ngoại giao kiệt xuất, góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam từ chiến thắng trên chiến trường đến chiến thắng trên bàn đàm phán. Chúng ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao lỗi lạc, và tự hào về người học trò xuất sắc của Người, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại. Tầm vóc, trí tuệ và phong cách ngoại giao của đồng chí đã góp phần định hình vị thế của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, kiên cường và đầy bản lĩnh. Noi gương đồng chí, mọi quân nhân tại Học viện Lục quân,  đặc biệt là Khoa Tin học - Ngoại ngữ, cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Ngoại giao (2005), Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nhà ngoại giao kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  3. Ban Tuyên giáo Trung ương (2020), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và bài học đối với công tác đối ngoại hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Tác giả: KTHNN. Nguyễn Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?