Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về đường lối của Đảng ta trong cải cách tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương hiện nay
Cải cách bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một nội dung trọng tâm trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, quá trình này không tránh khỏi các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị. Chúng cố tình bóp méo bản chất của công cuộc cải cách, đưa ra các luận điệu sai trái nhằm gây hoang mang trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin vào Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, việc nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch này là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ nhất, cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương - Yêu cầu khách quan và cấp thiết
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cùng với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đã trở thành một yêu cầu khách quan và cấp thiết. Bộ máy này cần tinh gọn về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội
Từ Đại hội XII, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đến nay, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cải cách bộ máy chính quyền địa phương.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã - xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; thực hiện nhất thể hóa một số chức danh... là những bước đi cụ thể, bài bản nhằm giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thứ hai, các luận điệu sai trái, thù địch và phản bác. Một là, luận điệu cho rằng “cải cách bộ máy là hình thức hợp pháp hóa việc tập trung quyền lực về tay Đảng”. Một trong những luận điệu phổ biến cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang lợi dụng cải cách để thâu tóm quyền lực, làm mờ vai trò của chính quyền địa phương và biến chính quyền thành công cụ phục vụ lợi ích nhóm. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn. Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, nhưng quyền lực nhà nước được phân công, phân cấp rõ ràng theo Hiến pháp và pháp luật. Cải cách bộ máy chính quyền địa phương không nhằm “tập trung quyền lực” mà để phân cấp, phân quyền rõ ràng, tăng tính tự chủ, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Mọi hoạt động cải cách đều được tiến hành dân chủ, công khai, có sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân. Hai là, quan điểm cho rằng “tinh gọn bộ máy là cắt giảm quyền lợi, đẩy cán bộ vào cảnh thất nghiệp”. Một số thế lực thù địch lan truyền thông tin rằng tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã, sáp nhập cơ quan, bỏ cấp huyện - xây dựng chính quyền địa phương hai cấp… sẽ gây mất ổn định xã hội, khiến nhiều cán bộ mất việc, tạo tâm lý lo lắng, bất an trong đội ngũ cán bộ công chức, lực lượng vũ trang. Đây là sự đánh tráo khái niệm. Cải cách bộ máy không nhằm “cắt giảm” đội ngũ một cách cơ học, mà là sắp xếp lại theo hướng hợp lý, loại bỏ sự chồng chéo, trùng lặp, lựa chọn người có năng lực, phẩm chất tốt để bố trí vào đúng vị trí. Những cán bộ không đáp ứng yêu cầu sẽ được hỗ trợ đào tạo lại, chuyển vị trí phù hợp hoặc giải quyết chính sách thỏa đáng. Không có chuyện “cắt giảm quyền lợi” hay “thất nghiệp hàng loạt” như các luận điệu thù địch rêu rao. Ba là, luận điệu cho rằng “cải cách là hình thức, làm hình thức, không đem lại hiệu quả thực sự”.
Một số kẻ xuyên tạc cho rằng các mô hình nhất thể hóa, sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã, sáp nhập cơ quan, bỏ cấp huyện - xây dựng chính quyền địa phương hai cấp… chỉ mang tính phong trào, làm cho có, thiếu hiệu quả và thậm chí còn gây rối loạn trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai thí điểm các mô hình cải cách thành công. Ví dụ, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND ở một số địa phương giúp tinh gọn đầu mối, thống nhất lãnh đạo, điều hành, rút ngắn quy trình xử lý công việc. Kết quả đánh giá cho thấy năng suất, chất lượng công việc được nâng lên rõ rệt. Việc cải cách được theo dõi, tổng kết thường xuyên, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đó là minh chứng cho tính hiệu quả và nghiêm túc trong công tác này. Bốn là, quan điểm xuyên tạc rằng “Đảng cải cách chính quyền địa phương để duy trì sự tồn tại độc quyền”. Các thế lực phản động cho rằng mục tiêu sâu xa của cải cách là để Đảng Cộng sản “duy trì sự tồn tại độc quyền lãnh đạo” bằng cách loại bỏ những tiếng nói khác. Đây là luận điệu phản động, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một sự lựa chọn lịch sử của nhân dân Việt Nam. Đảng lãnh đạo cải cách là để phục vụ lợi ích nhân dân tốt hơn, củng cố chính quyền các cấp, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Không có sự cải cách nào nhằm “duy trì quyền lực” mà ngược lại, Đảng đang tự chỉnh đốn, tự đổi mới để xứng đáng với vai trò lãnh đạo. Việc tổ chức, tinh giản, thay đổi cơ cấu là quá trình tất yếu của bất kỳ hệ thống quản lý hiện đại nào.
Tỉnh Gia Lai và Bình Định được sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai mới
Thứ ba, những kết quả tích cực từ cải cách bộ máy chính quyền địa phương
Công cuộc cải cách bộ máy chính quyền địa phương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Một là, giảm đầu mối, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách: nhiều địa phương đã tinh giản hàng ngàn biên chế, giảm chi phí hành chính, tạo điều kiện tăng chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước: cơ quan quản lý gọn hơn, đầu mối ít hơn giúp nâng cao tính phối hợp, rút ngắn thời gian xử lý công việc, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Ba là, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền cơ sở: một số nhiệm vụ được chuyển giao về cấp xã, phường, tăng tính chủ động và phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Bốn là, tăng sự hài lòng của người dân: nhiều mô hình cải cách giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công, tạo niềm tin cho người dân vào bộ máy chính quyền.
Thứ tư, bảo vệ đường lối của Đảng - nhiệm vụ của toàn xã hội.
Trước sự chống phá ngày càng tinh vi, đa dạng về hình thức, chúng ta cần có biện pháp kiên quyết, kiên trì và đồng bộ để phản bác, ngăn chặn hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch: Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng bản chất, mục tiêu, ý nghĩa của công cuộc cải cách bộ máy chính quyền địa phương. Hai là, nâng cao năng lực đấu tranh trên không gian mạng, phát hiện và xử lý nhanh chóng các thông tin xuyên tạc, vu khống, gây nhiễu loạn dư luận. Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm soát quyền lực, công khai minh bạch thông tin cải cách để nhân dân giám sát. Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, đội ngũ báo chí, trí thức trong việc tuyên truyền, phản bác luận điệu thù địch.
Cải cách, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái đều là sự phủ nhận thành tựu và cố tình gây chia rẽ lòng tin nhân dân với Đảng, Nhà nước. Việc kiên quyết, kiên trì phản bác các quan điểm đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước./.
VXT