Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, tiền đề cho cách mạng Việt Nam và mối quan hệ ngoại giao truyền thống, thủy chung, sâu sắc Việt Nam - Liên bang Nga
Sau khi chiếm được 11 nước châu Âu, với sức mạnh tăng lên gấp bội, vào lúc 03 giờ 30 phút ngày 22/6/1941, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô; mục tiêu quan trọng nhất là độc chiếm tài nguyên và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát-xít Đức đã tập trung trên mặt trận Xô - Đức tới 190 sư đoàn, 4.300 xe tăng - thiết giáp, 47.000 khẩu pháo, gần 5.000 máy bay, 192 tàu chiến. Để bảo vệ Tổ quốc, Liên Xô đã tổng động viên toàn bộ tiềm lực và thực hiện nhiều chiến dịch lớn (Chiến dịch Mát-xcơ-va từ 30/9/1941 đến 20/4/1942; Chiến dịch Cuốc-xcơ từ ngày 04/7 đến 13/8/1943; Chiến dịch Xta-lin-grát từ 17/7/1942 đến 02/02/1943; Chiến dịch Béc-lin từ 16/4 đến 08/5/1945; Chiến dịch Mãn Châu ở châu Á từ tháng 02 đến 9/1945), từng bước đánh bại và buộc phát xít Đức, Nhật phải đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới Thứ hai.
Chiến thắng phát xít là chiến thắng của nhân dân các nước đồng minh, nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, là chiến thắng của nhân dân Liên Xô vĩ đại. Họ không chỉ cùng các lực lượng dân chủ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít - kẻ thù chung đe dọa sự sống còn của toàn thể nhân loại; mà còn hậu thuẫn, tạo điều kiện khách quan để các dân tộc bị áp bức nói chung, nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam nói riêng giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập, tự do.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc toà nhà Đức quốc xã
Hòa mình trong cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Xô-viết và thế giới chống chủ nghĩa phát xít, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng bước chuyển hướng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, tay sai. Ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về nước, cùng Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chuẩn bị khởi nghĩa, thành lập Mặt trận Việt Minh, tổ chức lực lượng vũ trang huấn luyện quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng...
Khi quân Đồng minh chuyển sang phản công, tạo ra bước ngoặt lớn, giành thế chủ động trên chiến trường, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự báo: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!” và khẳng định: sau chiến thắng của quân Đồng minh, sẽ có sự giải giáp quân Nhật, Pháp sẽ trở lại Đông Dương sau khi quân Nhật đầu hàng; cuộc tổng khởi nghĩa của chúng ta phải nổ ra giữa thời điểm Nhật đầu hàng, Pháp chưa kịp quay lại, quân Đồng minh chưa kịp đến, ta đứng trên tư thế người chủ mới để làm việc với Đồng minh. Đảng Cộng sản Đông Dương đã cụ thể hóa bằng đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo, từng bước tạo thế, lực và thời cơ mới, tiền đề vững chắc để dân tộc ta tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, 25 triệu đồng bào cả nước đã nhất tề vùng lên giành chính quyền nhanh chóng và ít đổ máu nhất. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam không chỉ chấm dứt ách thống trị gần trăm năm của thực dân và ngàn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà còn góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phát xít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945
Tám mươi năm đã trôi qua, chiến thắng phát xít vẫn là dấu son chói lọi trong lịch sử nhân loại; không chỉ cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục giành thắng lợi, mà còn tạo ra những nhân tố thời đại để có thể loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người.
Trong chiến tranh giải phóng Liên Xô giúp đỡ Việt Nam cả về vũ khí trang bị và con người
Ngày nay thế giới đã và đang bước vào thời kỳ của các mối quan hệ song phương, đa phương với mong muốn cùng tồn tại và phát triển. Chủ nghĩa phát xít không còn tồn tại, nhưng chưa phải đã hoàn toàn bị diệt vong, bởi sự tồn tại của chạy đua vũ trang, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, xung đột vũ trang, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, biên giới, hải đảo... Vì thế, bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với cách mạng Việt Nam.
Tổng thống Putin thăm Việt Nam năm 2001
Trong suốt quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây (Liên bang Nga ngày nay) luôn dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình. Sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu của Liên Xô trong nhiều thập niên là yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Theo tiến trình lịch sử cách mạng, tình hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô ngày càng trở nên sâu sắc.
Sự kiện được coi là dấu mốc đầu tiên của sự phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 3/2001). Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga (Nga là nước đầu tiên mà Việt Nam ký tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược). Tuyên bố chung xác định khung khổ pháp lý mới cho hợp tác Việt Nam - Nga trên cơ sở tin cậy, hợp tác chặt chẽ và lâu dài. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2012), hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Nga phát triển toàn diện và sâu sắc hơn. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, toàn diện không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập niên, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc. Thực tiễn đã chứng minh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đã tạo nền tảng quan trọng để hai nước triển khai những bước đi cụ thể, đa dạng về hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, từ kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến hợp tác giữa các địa phương và đối ngoại Nhân dân, cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường niên.
Đối với Việt Nam, Nga luôn là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự chân thành, tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị giữa hai nước là tài sản quý báu giữa hai dân tộc. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đóng vai trò hết sức quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt coi trọng, mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga nhằm nâng cao sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và phối hợp tại các diễn đàn quốc tế vì lợi ích chính đáng của mỗi nước, vì hòa bình và hợp tác quốc tế. Việt Nam ủng hộ sự đóng góp tích cực của Nga đối với hòa bình, an ninh, hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự phát triển của quan hệ Nga - ASEAN.
Đại diện QĐND Việt Nam chuẩn bị tham gia Lễ duyệt binh tại Quảng trưởng Đỏ 9/5/2025
Nhìn lại chặng đường đã qua và tự hào với những thành quả to lớn đã đạt được, cũng như với quyết tâm và nỗ lực của hai nước, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phồn vinh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.