Bản hùng ca bất diệt của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định (tên thành lập là Đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, phiên hiệu F.100) có nhiệm vụ thường xuyên tổ chức các trận đánh đạt được hiệu quả cao nhằm diệt các sinh lực quan trọng, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh và phá hoại các kho tàng của Mỹ - Ngụy. Cán bộ, chiến sĩ biệt động trực tiếp và bí mật tiến hành chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kể cả lực lượng biệt động được bố trí sẵn trong thành phố, để có thể cùng một lúc tập kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não cấp Trung ương của Mỹ - Ngụy tại Sài Gòn - Gia Định và ngoại ô khi có thời cơ chiến lược.
Cách đây vừa tròn 57 năm, đúng vào Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế, nhiều thị xã, thị trấn và căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy. Đó là cuộc tiến công bất ngờ, đồng loạt, mạnh mẽ như một đòn sét đánh đối với quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, làm choáng váng nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới, báo hiệu nguy cơ thất bại ê chề của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Góp phần không nhỏ vào chiến công vang dội này, các cán bộ, chiến sĩ của Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, với súng AK, B-40 và bộc phá đã đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập và hàng chục vị trí then chốt của Mỹ - Ngụy.
Trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ
Đội hình chiến đấu là Đội 11 do đồng chí Ba Đen phụ trách chung và Út Nhỏ, đội trưởng trinh sát bộ binh làm đội trưởng. Lúc 1 giờ 45 phút sáng ngày 31-1, Đội chia làm 4 mũi, theo thứ tự các mũi tiến công cổng chính, cổng đường Mạc Đĩnh Chi, dãy nhà công nhân viên và mũi 4 là mũi chính đánh thẳng vào khu nhà chính của Tòa Đại sứ. Các chiến sĩ nhanh chóng tiêu diệt các ổ chiến đấu của địch, đánh chiếm tầng trệt, lầu 1, rồi lầu 2 tòa nhà, thu được một số súng đạn và bắt được một số tù binh. Để cứu nguy cho vị trí quan trọng này, tiểu đoàn quân cảnh Mỹ kéo đến tiếp viện, vây quanh Đại sứ quán, dùng hỏa lực bắn thẳng vào các rào sắt quanh tòa nhà. Ngoài ra, Mỹ điều thêm một đơn vị thuộc Sư đoàn dù đổ xuống sân thượng tòa nhà, dùng hỏa lực và vũ khí hóa học đánh xuống. Trận đánh không cân sức diễn ra gay go, quyết liệt, địch bao vây bốn phía, dưới đánh lên, trên đánh xuống, xịt hơi ngạt, phía trước và sau thì dùng hỏa lực bắn vào. Các chiến sĩ biệt động vừa anh dũng chiến đấu, giành giật với địch vừa cố gắng tiết kiệm đạn dược để duy trì trận đánh càng lâu càng tốt nhằm chờ lực lượng chi viện đến. Đến 9 giờ sáng, toàn đội chỉ còn một mình chỉ huy trưởng Ba Đen bị thương và bị bắt. Sau 7 giờ chiếm giữ sứ quán Mỹ, nơi được đối phương canh phòng cẩn mật nhất, Đội biệt động 11 đã tiêu diệt 27 tên địch, làm bị thương 124 tên. Đồng chí Ba Đen bị địch đem đi thẩm vấn liên tục từ Nha cảnh sát đô thành đến Trung tâm Việt - Mỹ rồi Tổng nha cảnh sát, An ninh quân đội, Trung ương tình báo số 3 Bạch Đằng… Đến tháng 7 năm 1969, chúng đưa anh vào trại giam Biên Hòa sau đó đày ra đảo Phú Quốc. Anh được trao trả năm 1974.
Những hình ảnh về cuộc tấn công Đại sứ quán Mỹ trên tạp chí Life tháng 2/1968
Trận đánh Đài Phát thanh Sài Gòn
12 chiến sĩ thuộc Cụm biệt động 345 tiến quân bằng hai hướng: mũi 1 xung phong vào cửa chính, chiếm lĩnh khu vực phát song; mũi 2 nổ súng vào lô cốt trại an ninh quân đội ngụy, kiềm chế cho bộ phận ở hướng 1 đánh chiếm mục tiêu. Mũi 1 đến cửa chính lúc 1 giờ 59 phút đã nổ súng tiêu diệt lính gác cổng, chiếm giữ đài. Quân địch phản kích quyết liệt, dùng hỏa lực pháo của xe tăng bắn vào đội hình của ta bên trong Đài. Khi không còn đạn và lựu đạn chiến đấu, các chiến sĩ đã dùng khối thuốc nổ 20kg đã chuẩn bị sẵn để quyết tử và hủy luôn đài phát thanh của ngụy. Lúc bấy giờ là 6 giờ sáng ngày 31/01/1968, mùng 2 Tết, 10 đồng chí anh dũng hi sinh.
Trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy
Khoảng 1 giờ 50 phút sáng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, Đội biệt động 3 gồm 16 chiến sĩ do đồng chí Bảy Lốp chỉ huy, cơ động trên hai ô tô đến tiếp cận mục tiêu tại cổng chính, diệt lính gác, lao ngay vào bên trong. Khối thuốc nổ 20kg đầu tiên đã phá sập lô cốt tiền tiêu làm hiệu lệnh cho toàn đội xung phong đánh chiếm mục tiêu. Sau những giây phút bàng hoàng vì bị tấn công bất ngờ, bọn địch trong căn cứ liều chết chống trả quyết liệt, bắn đạn xối xả. Cuộc chiến đến 6 giờ sáng thì 14 chiến sĩ ta hy sinh. Các chiến sĩ biệt động Đội 3 đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng chứ không chịu đầu hàng quân giặc.
Trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy
Tại Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn, Cụm biệt động 69 do đồng chí Ba Phong làm chỉ huy trưởng, theo kế hoạch chiến đấu ban đầu tiến công vào Bộ Tổng tham mưu ngụy và cổng Phi Long (Khu vực cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất). Nhưng do một kho vũ khí cất giữ lâu ngày, không bảo quản kỹ nên không dùng được, cuối cùng chỉ tập trung vũ khí và lực lượng vào mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cụm chia thành hai cụm (đồng chí Tám Bền và Ba Tâm phụ trách) tiến công cổng số 5 bằng xe Jeep và xe vận tải nhẹ. Hai bên chiến đấu giằng co nhau tại cổng số 5 rất ác liệt. Từ 2 giờ đến sáng, xác địch nằm chết ngổn ngang, bên ta có đồng chí hi sinh, có đồng chí bị thương. Sau đó, địch phản kích từ bên trong, đẩy quân ta ra ngoài. Từng tổ bám sát nhau mà chiến đấu, một bộ phận buộc phải rời khỏi trận địa, một số khác trụ lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới sa vào tay địch. Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên, hỏng 2 xe bọc thép.
Trận đánh vào Dinh Độc Lập
Đúng 1 giờ 30 phút, Đội 5 gồm 15 chiến sĩ xuất phát từ nhà số 287/70 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) tới cổng ở đường Nguyễn Du với ý định đánh sập cổng để tiến vào bên trong. Bằng một loạt AK, đồng chí Công hạ ngay hai tên gác cổng, đồng chí Hòa ôm bộc phá lao vào cặp rào cửa giựt nụ xòe nhưng bộc phá không nổ. Lúc này địch đã phát hiện và tập trung hỏa lực chống trả ác liệt. Đội lập tức chuyển phương án hai, phá cổng nhỏ xông vào trong, chiếm được hai tầng trệt của hai dãy nhà lữ đoàn phòng vệ. Sau những giờ phút giằng co quyết liệt giữa ta và địch, Đội biệt động 5 đã bắn cháy nhiều xe chở lính Mỹ và lính ngụy. Sau đó Đội rút vào cố thủ và tiếp tục chiến đấu trong tòa nhà 56 Thủ Khoa Huân, rồi tòa nhà 108 Gia Long cho đến khi bị bắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 1-2. Trong khi đó, địch chết và bị thương gần 100 tên (có một số lính Mỹ), 3 xe Jeep bị phá hủy.
Năm đội biệt động với 88 đồng chí trực tiếp cầm súng chiến đấu anh dũng trong lòng địch. Với số lượng vũ khí ít ỏi, vũ khí bộ binh nhẹ, phải đánh trả máy bay, thiết giáp và chống chọi với số quân địch nhiều gấp mấy chục lần, nhưng vẫn ngoan cường bám trụ, đánh đến viên đạn cuối cùng và chiến sĩ cuối cùng. Trong số 88 chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ quả cảm đó, 60 chiến sĩ biệt động đã hy sinh, 12 người bị địch bắt, nhưng lực lượng biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột nhập, đánh chiếm vị trí được phân công. Các đồng chí đã ngã xuống nhưng tiếng nổ rền vang của bộc phá thực sự là âm vang lời thề hùng hồn với núi sông và các thế hệ mai sau: không có gì quý hơn độc lập, tự do!
Các trận đánh vào cơ quan trọng yếu của Mỹ - Ngụy do Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thực hiện đã trở thành bản hùng ca bất diệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm và ý chí kiên cường vì độc lập, tự do. Để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, mỗi dịp lễ, Tết, Học viện Lục quân đều tổ chức dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, với sự tham gia của cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng. Bên cạnh đó, Học viện còn đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền về các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc thông qua nhiều hình thức như phổ biến kiến thức qua thông tin thời sự, báo chí, mạng xã hội. Những trận đánh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn chứa đựng nhiều bài học quý giá về chiến thuật và nghệ thuật quân sự. Vì vậy, các nhà khoa học, chuyên gia quân sự, cán bộ, giảng viên, học viên trong Học viện cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích để làm giàu thêm nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Quốc phòng (2008), Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
2. Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu)* (2015), Biệt động Sài Gòn, Nhà xuất bản trẻ.
4.https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/ly-luan-thuc-tien/biet-dong-sai-gon-cu-dam-thep-xuan-mau-than-1968-bai-1-doi-quan-chien-dau-trong-long-dich-72807.
5.https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/biet-dong-sai-gon-gia-dinh-trong-tong-tien-cong-va-noi-day-tet-mau-than-1968-763483.
(*) Đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) là Phó Tư lệnh Phân khu 6 nội thành Sài Gòn - Gia Định năm 1968 - 1972, kiêm Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động.
Đ.T.N