Một số biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng
An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân[1]. Giữ vững an ninh mạng không chỉ là chiến lược của quốc gia, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Đây cũng là ý nghĩa cốt lõi của việc “an ninh mạng vì dân, an ninh mạng phụ thuộc vào dân”. Bất cứ ai, dù ở vị trí hay công tác trong lĩnh vực nào, nếu sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam thì việc tuân thủ pháp luật Việt Nam là một lẽ tất yếu.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; không gian mạng (Khoản 3 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018: Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, gồm: mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian) cũng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế, tri thức; đồng thời, nó cũng làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn đó, không gian mạng cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, tác động trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Việc các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội, giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải, phát tán thông tin sai trái, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội không phải là chuyện mới cần phải bàn, mà phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự đấu tranh mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, phản bác lại những thông tin xấu độc, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Góp phần xây dựng môi trường không gian mạng văn hóa, lành mạnh, an toàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong những năm qua, lợi dụng danh nghĩa chống tham ô, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, “dân chủ”, “tự do tôn giáo”, “nhân quyền”…, một số tổ chức nước ngoài dưới danh nghĩa các tổ chức phi chính phủ (NGO), các đảng phái phản động như “Đảng Việt Tân”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Quỹ người Thượng”… tăng cường các hoạt động tiếp xúc, tài trợ, tập huấn, tư vấn hỗ trợ cho các hoạt động chống đối của các đối tượng dưới nhiều hình thức như: Du học, tập huấn các “kỹ năng chuyển hóa mềm”, “đấu tranh bất bạo động”, “bất tuân dân sự” ở nước ngoài hoặc dưới danh nghĩa một số dự án nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số trong nước…. Một số vụ việc phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện có sự chỉ đạo, hướng dẫn việc chế tạo vũ khí nóng, bom xăng, quả nổ qua mạng xã hội của các đối tượng ở nước ngoài (nhóm “Việt Nam chính phủ quốc gia lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu còn tài trợ, huấn luyện tổ chức khủng bố).
Với sự chống phá hằng ngày, hằng giờ của các đối tượng phản động bằng nhiều hình thức, hành động tinh vi, các đối tượng này lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” và các vấn đề xã hội khác nhằm gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc; lôi kéo, xúi giục nhiều người, làm cho họ dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng, đi chệch hướng, xa rời tôn chỉ của Đảng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đi đến những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”…. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch đẩy mạnh “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá nước ta trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Các quan điểm sai trái, thù địch sẽ tác động mạnh mẽ trong môi trường xã hội có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nó không những gây tác hại đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa tinh thần, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện tốt và hiệu quả việc đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, chống phá của các đối tượng phản động, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”; “Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường thực hiện các giải pháp mà các cấp, các ngành đã xác định; tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Để đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch một cách có hiệu quả, trước hết cần phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu có tính nguyên tắc và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp đổi mới, đối với việc hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định cụ thể: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, quán triệt, thực hiện đầy đủ những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về an toàn, an ninh mạng. Các cấp, các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; xây dựng môi trường không gian mạng văn hóa, lành mạnh, an toàn.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
Chúng ta khẳng định rằng, khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân trong xã hội có sự giác ngộ sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thì không chỉ mỗi người mà toàn xã hội sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tự ý thức trong việc nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của tư tưởng ngoại lai, vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đa dạng về hình thức, nội dung trên các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ thể hiện được vai trò là mũi nhọn xung kích, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng trong cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Bốn là, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp trong việc đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Để thực hiện hiệu quả biện pháp này, cần chủ động nghiên cứu dự báo, sớm phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi việc tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu độc, tài liệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Cùng với việc sớm phát hiện để kịp thời ngăn chặn, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các Ban Chỉ đạo về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các cơ quan báo chí, truyền thông, các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các lực lượng nòng cốt ở các bộ, ban, ngành và địa phương trong đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; bảo đảm các hoạt động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận theo đúng định hướng của Đảng, chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng về quan điểm chính trị, sâu sắc về lý luận khoa học. Đồng thời, huy động lực lượng rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài đẩy mạnh các biện pháp, hình thức đấu tranh, phản bác, đẩy lùi việc tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu độc, tài liệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Việc đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch./.
PT.
[1] Khoản 1 Điều 2 Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018.