Tính đúng đắn của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Khi nói về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Đây là sự khái quát, hình tượng hoá và nâng tầm, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Mặc dù, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc hòng làm méo mó, phủ định và đi đến bác bỏ trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Nhưng xét cả về mặt lý luận và thực tiễn đều bác bỏ mọi hành vi xuyên tạc của chúng.
Về mặt lý luận, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sự kế thừa, phát huy những tư tưởng tiến bộ trong truyền thống ngoại giao của dân tộc Việt Nam; vận dụng đúng đắn và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Đó là, tư tưởng ngoại giao luôn giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, đồng thời nêu cao tinh thần hữu nghị, hoà hiếu, khoan dung, chủ động, khôn khéo, linh hoạt trong giải quyết các mối quan hệ; ngoại giao rộng mở, tiếp thu tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại. Những tư tưởng đó được đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và đã thể hiện rõ tính đúng đắn khi ông cha ta đã giữ vững được nền độc lập, tự chủ trước các thế lực bành trướng phương Bắc.
Bên cạnh đó, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” còn là sự vận dụng và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đối ngoại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cuộc cách mạng vô sản mang tính quốc tế; vì vậy tất yếu phải đoàn kết giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, bóc lột trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Do đó, nêu cao mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế trên nguyên tắc hoà bình, hữu nghị, bình đẳng, đoàn kết, cùng có lợi là yêu cầu tất yếu của các dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc
Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam (12/2023)
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng ngoại giao truyền thống của dân tộc cũng như quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ đó Người nêu lên những quan điểm đúng đắn về đối ngoại là: Độc lập dân tộc, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, ngoại giao tâm công, ngoại giao hoà hiếu với các dân tộc khác, nắm vững thời cơ giành thắng lợi từng bước… Đặc biệt là quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong quan hệ quốc tế, giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời hết sức mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, thiên biến vạn hoá phù hợp với từng vấn đề, bối cảnh và thời điểm cụ thể.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là cơ sở trực tiếp để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và đem lại những thành tựu to lớn của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam suốt hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn sinh động để Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát thành trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Đây là sự hình tượng hoá, lấy hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam là “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để mô tả về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. “Gốc vững” là sự kiên định về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây chính là việc quán triệt tư tưởng “dĩ bất biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dù bất cứ lý do gì thì chúng ta cũng không bao giờ từ bỏ mục tiêu cao cả của cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. “Thân chắc” là việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao chắc chắn, lấy thực lực đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng kết hợp với xu thế, sức mạnh thời đại để không ngừng nâng tầm uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. “Cành uyển chuyển” là khi xử lý các tình huống, các mối quan hệ phải thật sự linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với đặc điểm tình hình, với từng đối tác, từng trường hợp cụ thể, không dập khuôn, máy móc. Thực hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ứng xử hài hoà, linh hoạt nhưng phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, góp phần vào mục tiêu chung của nhân loại, của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thực tiễn những thành tựu to lớn của công tác đối ngoại qua gần 40 năm đổi mới đã minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Với việc nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại” chúng ta đã thoát ra khỏi thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế cả trên bình diện song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia (mới đây nhất là việc thiết lập quan hệ với Malawi, ngày 23/9/2024); trong đó, Việt Nam có quan hệ đặc biệt với 3 nước là Lào, Campuchia và Cuba; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (21/11/2024); quan hệ đối tác chiến lược với 10 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Về đối ngoại Đảng và Quốc hội chúng ta cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Quốc hội nước ta cũng có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Trên bình diện đa phương, nước ta là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), v.v..
Về đối ngoại quốc phòng: Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với trên 100 quốc gia; trong đó có quan hệ với 05 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn; thiết lập tùy viên quốc phòng tại 33 quốc gia, kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc; có 52 quốc gia đặt tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự tại Việt Nam. Nước ta cũng là thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng, như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, v.v.. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy, những thành tựu to lớn của đất nước ta trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho tính đúng đắn của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Từ đó mà thế và lực của đất nước không ngừng được nâng lên, đúng như nhận định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.
T.N.T