• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.232
Tháng 05 : 26.017
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ, giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát huy tinh thần “Học không bao giờ cùng” trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Lời Bác Hồ dạy: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” [1] không chỉ là một phương châm sống, một triết lý giáo dục sâu sắc, mà còn là ngọn đuốc soi đường, là mệnh lệnh từ trái tim đối với người quân nhân cách mạng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Tại Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Lục quân, tinh thần ấy đã và đang được mỗi cán bộ, giảng viên thấm nhuần, phát huy mạnh mẽ trong từng bài giảng, từng công trình nghiên cứu khoa học.

Thực tiễn luôn vận động, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đòi hỏi những luận giải khoa học, những cơ sở lý luận vững chắc để định hướng hành động. Trong bối cảnh đó, tinh thần “học không bao giờ cùng” trở thành yêu cầu tự thân, cấp thiết đối với mỗi giảng viên. Chỉ có không ngừng học tập, cập nhật, nghiên cứu, họ mới có thể nắm bắt được bản chất của các vấn đề, làm chủ được kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng, làm phong phú thêm nội dung nghiên cứu, và quan trọng hơn cả là truyền được ngọn lửa đam mê, niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ học viên tại Học viện Lục quân. Biểu hiện cụ thể như sau:

Một là, cán bộ, giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát huy tinh thần học tập suốt đời của Bác được thể hiện rõ nét qua nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên luôn ý thức rằng, kiến thức lý luận chính trị phải gắn liền với hơi thở của cuộc sống. Do đó, bên cạnh việc nắm vững những nguyên lý cơ bản, các giảng viên thường xuyên nghiên cứu các văn kiện, nghị quyết mới của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và quốc tế để bổ sung, làm phong phú nội dung bài giảng. Các ví dụ minh họa được lựa chọn không chỉ từ lịch sử mà còn từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Các giảng viên đã tích cực, chủ động tìm tòi, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như nêu vấn đề, thảo luận nhóm, dạy học dựa trên dự án, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện trực quan sinh động. Điều này không chỉ giúp học viên chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện tư duy phản biện, khả năng làm việc độc lập và hợp tác. Quá trình chuẩn bị cho các phương pháp này đòi hỏi người giảng viên phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi, đó chính là biểu hiện sinh động của tinh thần “học mãi để tiến bộ mãi”.

Đồng thời, giảng viên không chỉ là người dạy mà còn là người học. Người chỉ rõ: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” [2]; Người còn nhắc nhở mọi người phải luôn luôn khiêm tốn học hỏi quần chúng, học hỏi những người xung quanh: “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [3]. Chính vì vậy, qua quá trình tương tác, trao đổi với học viên, những người đến từ nhiều vùng miền, đơn vị khác nhau trong toàn quân, mang theo những trải nghiệm thực tiễn phong phú, giúp cán bộ, giảng viên có thêm những góc nhìn mới, những chất liệu quý báu để “làm giàu” thêm bài giảng của mình. Thông qua các đợt đi thực tế tại đơn vị cơ sở cũng là dịp để giảng viên thu thập thông tin, kiểm nghiệm lý luận, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy cho phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, mỗi giảng viên đều xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Khoa và Học viện cũng tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các khóa học nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Nhiều giảng viên đã và đang theo học các chương trình đào tạo sau đại học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, góp phần nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, cán bộ, giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát huy tinh thần “Học không bao giờ cùng” trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của người giảng viên. Tại Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần “càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” của Bác là động lực thôi thúc các giảng viên dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Các giảng viên tích cực đăng ký và thực hiện các đề tài, chuyên đề khoa học các cấp (cấp Khoa, cấp Học viện, cấp Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị), tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mỗi công trình nghiên cứu khoa học hoàn thành không chỉ là đóng góp tri thức mà còn là một bước tiến trong quá trình tự học, tự hoàn thiện của người nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu khoa học được vận dụng để cập nhật, làm phong phú nội dung bài giảng, biên soạn sách, tài liệu tham khảo. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã cung cấp những luận cứ khoa học đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vai trò xung kích của đội ngũ giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khoa thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, hội thảo, tọa đàm để các giảng viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các giảng viên trẻ được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia nghiên cứu, được các giảng viên có kinh nghiệm dìu dắt. Việc tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài Học viện cũng là cơ hội để các giảng viên tiếp cận những tri thức mới, mở rộng tầm nhìn.

Thiếu tá, Ths Đoàn Mạnh Đồng, giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo khoa học Quốc gia tại Đại học Cửu Long

Từ việc xác định vấn đề nghiên cứu, xây dựng đề cương, thu thập tài liệu, xử lý thông tin, viết bản thảo, bảo vệ kết quả... mỗi khâu trong quá trình nghiên cứu khoa học đều đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi phương pháp luận, kỹ năng nghiên cứu. Sự khiêm tốn, cầu thị, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng đội, của các nhà khoa học là phẩm chất không thể thiếu của người làm nghiên cứu khoa học chân chính, và đó cũng chính là sự thể hiện của tinh thần “càng thấy càng phải học thêm”.

Việc thấm nhuần và phát huy tinh thần “Học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ cho Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao, thể hiện qua sự trưởng thành của các thế hệ học viên về bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận và niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao về giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện, cán bộ, giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tự học, tự rèn luyện theo tấm gương của Bác, biến quá trình học tập thành nhu cầu tự thân, thường xuyên và liên tục ở mỗi cá nhân. Song song đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học là yêu cầu cấp thiết, giúp tiếp cận nhanh chóng các phương pháp sư phạm và khoa học tiên tiến. Việc mở rộng hợp tác, giao lưu học thuật với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Học viện sẽ tạo môi trường thuận lợi để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ, xây dựng lực lượng nòng cốt, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo sự kế cận vững chắc. Quan trọng hơn cả, mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa phải gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân, đảm bảo tri thức được vận dụng hiệu quả, phục vụ thiết thực cho yêu cầu nhiệm vụ.

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), mỗi giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng thấm nhuần sâu sắc lời Người dạy “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Lời căn dặn ấy là kim chỉ nam, thôi thúc mọi người không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, lan tỏa sâu rộng tư tưởng và tấm gương học tập suốt đời của Bác, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Học viện, Quân đội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.61.

[2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.361.

[3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.98.

T.N.T


Tác giả: KMLNTTHCM. Trần Ngọc Thùy
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?