• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.268
Tháng 05 : 26.053
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cuốn sách hay như ông thầy dạy giỏi, đọc sách báo Đảng, rạng rỡ trí khôn” - giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục chính trị sâu sắc

Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam đã sớm hình thành và phát triển truyền thống hiếu học, coi trọng việc học hành, đọc sách để nên người, để góp ích cho đời.

Văn hóa đọc càng được nâng lên thành một phương thức bồi dưỡng nhân cách, trí tuệ, đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Truyền thống hiếu học, coi trọng việc đọc sách để góp ích cho đời đã được dân tộc ta hun đúc, phát huy mạnh mẽ trong suốt tiến trình cách mạng, đặc biệt là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Câu thành ngữ: “Cuốn sách hay như ông thầy dạy giỏi, Đọc sách báo Đảng, rạng rỡ trí khôn”, là một minh chứng cho điều đó. Câu thành ngữ trên là sự đúc kết ngắn gọn mà thâm thúy, thể hiện sâu sắc nhận thức về vai trò của sách vở, đặc biệt sách báo của Đảng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trí tuệ, nhận thức chính trị và phẩm chất đạo đức cho mỗi con người. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc nhìn nhận và vận dụng đúng đắn tư tưởng này càng trở nên cần thiết, đặc biệt trong môi trường giáo dục chính trị, quân sự và trong công tác xây dựng Đảng.

Chúng ta có thể hiểu rằng: “Cuốn sách hay như ông thầy dạy giỏi” là so sánh sách vở với người thầy, nhấn mạnh rằng một cuốn sách hay có thể truyền đạt kiến thức, định hướng suy nghĩ, rèn luyện nhân cách không kém gì một người thầy trực tiếp giảng dạy. “Đọc sách báo Đảng, rạng rỡ trí khôn” là khẳng định rằng khi con người đọc những tài liệu chính thống, có định hướng tư tưởng – như sách, báo của Đảng – thì trí tuệ được khai mở, tư duy được nâng cao, giúp họ nhận thức đúng đắn về xã hội, đất nước và vai trò của chính mình. Bên cạnh đó, câu thành ngữ truyền tải một thông điệp sâu sắc: sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là người bạn, người thầy; sách báo của Đảng chính là kim chỉ nam trong tư duy, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng. Trong đó, “rạng rỡ trí khôn” không đơn thuần là hiểu biết lý thuyết, mà là sự trưởng thành về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng.

Từ lâu, ông cha ta đã có câu “Không thầy đố mày làm nên”, để khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong việc khai mở trí tuệ, nuôi dưỡng đạo đức. Tuy nhiên, sách cũng được ví như người thầy thầm lặng nhưng kiên trì, tận tụy và vô cùng rộng mở. Một cuốn sách hay sẽ: truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu; cung cấp tri thức toàn diện, đa chiều; giúp rèn luyện phương pháp tư duy logic, phản biện, sáng tạo; góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống. Như vậy, một cuốn sách tốt cũng như một người thầy giỏi – có thể “dạy” bạn suốt đời, không gò bó trong không gian lớp học, không giới hạn bởi thời gian. Trong môi trường quân sự và chính trị, những cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận Mác - Lênin, lịch sử Đảng, gương cán bộ cách mạng… chính là những “người thầy” vô giá, giúp hình thành bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nước, trung thành và ý chí chiến đấu cho mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Đọc sách, báo Đảng không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là nhu cầu tự thân của những người có trách nhiệm với đất nước. Sách báo của Đảng là kết tinh trí tuệ tập thể, thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh thực tiễn cách mạng sinh động. Việc thường xuyên đọc và nghiên cứu sách báo Đảng giúp chúng ta nâng cao nhận thức chính trị, cập nhật thông tin chính thống, định hướng đúng đắn trước dòng chảy thông tin đa chiều. Đồng thời, giúp chúng ta hiểu rõ bản chất các vấn đề chính trị – xã hội, phân biệt đúng sai, thật - giả, góp phần củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vững vàng trước các luận điệu xuyên tạc, phản động.

Bên cạnh đó, đọc và nghiên cứu sách báo Đảng giúp chúng ta rèn luyện tư duy chiến lược và lý luận, mở rộng vốn hiểu biết về tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, vận hành xã hội. Người đọc có thể hiểu rõ quy luật phát triển, nguyên tắc lãnh đạo, điều hành nhà nước và tổ chức Đảng và tăng cường năng lực phân tích, đánh giá và phản biện. Đọc sách, báo Đảng thường xuyên sẽ góp phần cho chúng ta hoàn thiện nhân cách cách mạng thông qua việc nêu gương cán bộ gương mẫu, tinh thần dấn thân, hy sinh vì lợi ích chung. Từ đó, mỗi người đọc có cơ hội soi mình, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức, phong cách của người cán bộ, đảng viên mẫu mực.

Trong thời đại số, thực trạng văn hóa đọc của bạn đọc có xu hướng đọc nhanh, đọc lướt, tiếp cận thông tin qua mạng xã hội hơn là đọc sách nghiêm túc, có chiều sâu. Văn hóa đọc đang đối mặt với nhiều thách thức như: tỷ lệ người đọc sách chuyên sâu giảm mạnh, đặc biệt là sách lý luận, sách báo Đảng; nhiều cán bộ, đảng viên ngại đọc tài liệu chính trị, xem nhẹ việc học tập lý luận; có tình trạng đọc nhưng không hiểu sâu, không vận dụng được vào thực tiễn. Vì vậy, thành ngữ trên không chỉ là lời khẳng định giá trị sách báo Đảng, mà còn là lời cảnh tỉnh: nếu cán bộ, đảng viên quay lưng với sách, nhất là sách lý luận chính trị, thì sớm muộn cũng sẽ lệch lạc về tư tưởng, dễ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đối với các cơ sở đào tạo chính trị, quân sự trong toàn quân nói chung và Học viện Lục quân nói riêng, thành ngữ trên mang ý nghĩa phương pháp luận và hành động rõ ràng thông qua việc tổ chức học tập sách báo Đảng thành nền nếp, đưa sách báo Đảng vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa và phát động các phong trào đọc sách báo chính trị theo chuyên đề. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã chỉ đạo các khoa giảng viên, cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện tăng cường xây dựng tủ sách lý luận và tổ chức các hoạt động tìm hiểu sách tại thư viện. Đặc biệt, thư viện Học viện Lục quân luôn chủ động cập nhật tài liệu mới hàng tháng, tổ chức trưng bày sách báo Đảng theo chủ đề, tạo sự cuốn hút, đam mê tìm hiểu của các bạn đọc khi đến thư viện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, tra cứu, chia sẻ tài liệu tại thư viện Học viện Lục quân được triển khai rất nhanh chóng, tiện lợi. Hiểu rõ “Đọc sách là con đường ngắn nhất để trưởng thành”, thư viện Học viện Lục quân đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các đối tượng học viên, nhất là học viên đào tạo Sau đại học. Nhờ đó, đội ngũ học viên đã rèn luyện thói quen đọc sâu, đọc chọn lọc, ghi chép, phản biện lại nội dung đã đọc và biến tri thức thành hành động, từ đọc sách thành “làm theo sách”.

Thành ngữ “Cuốn sách hay như ông thầy dạy giỏi, Đọc sách báo Đảng, rạng rỡ trí khôn” là một sự đúc kết đầy trí tuệ và tâm huyết về giá trị của tri thức và tư tưởng chính trị. Nó không chỉ cổ vũ cho văn hóa đọc, mà còn đề cao trách nhiệm học tập, rèn luyện lý tưởng cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong môi trường quân đội, nơi đòi hỏi sự trung thành, bản lĩnh và trí tuệ cao. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với bối cảnh chuyển đổi số và đấu tranh tư tưởng phức tạp – việc duy trì và nâng cao văn hóa đọc, nhất là đọc sách báo Đảng, chính là một nhiệm vụ cấp thiết. Bởi lẽ, chỉ khi nào cán bộ, đảng viên xem việc đọc như một cách sống, thì khi đó tư tưởng mới vững, bản lĩnh mới mạnh và trí khôn mới thực sự “rạng rỡ”./.

N.T.C.P.D


Tác giả: HSDH. Ngô Trần Công Phương Duy
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?