• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.660
Tháng 05 : 14.048
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài học về chủ động xây dựng lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh đã khẳng định vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Qua đó, rút ra nhiều bài học quý cần được tiếp tục kế thừa, phát triển; trong đó có bài học về chủ động xây dựng lực lượng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của Chiến dịch.

Nhận rõ vai trò của pháo binh trong tác chiến, cùng với xây dựng các đại đoàn chủ lực, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo xây dựng lực lượng pháo binh, nhất là pháo binh xe kéo; từ chỗ sử dụng các khẩu đội, trung đội pháo mang vác đánh độc lập, tiến lên sử dụng tập trung nhiều tiểu đoàn, trung đoàn pháo xe kéo, đánh hiệp đồng binh chủng.

Rút kinh nghiệm từ Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Bộ Tổng Tư lệnh nhận thấy, cần phải có một lực lượng pháo binh đủ mạnh, thêm các loại trọng pháo có tầm bắn xa, uy lực lớn để chi viện có hiệu quả cho các binh đoàn chủ lực đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đầu năm 1950, trong chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị bạn giúp ta trang bị vũ khí cho một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh.

Bước vào Chiến cục Đông Xuân 1953-1954, lực lượng pháo binh có thêm Trung đoàn Pháo binh 45 xe kéo, trang bị 24 khẩu pháo lựu 105mm. Cuối tháng 11 năm 1953, Trung đoàn 367 pháo cao xạ 37mm từ Trung Quốc trở về nước tham gia chiến đấu. Cho đến lúc này, khả năng pháo binh và pháo phòng không Quân đội ta đã lớn mạnh vượt bậc, đủ sức tham gia những chiến dịch lớn.

Sơ đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh được huy động với mức cao nhất, ngoài pháo binh trong biên chế của các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), có Đại đoàn Công - Pháo 351 (1 trung đoàn pháo lựu 105mm, 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 5 đại đội súng cối 120mm, 1 trung đoàn công binh công trình, 4 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm); tổng số 261 khẩu; tính về số lượng ta hơn địch (tỷ lệ 2,1/1). Riêng trận then chốt mở đầu tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã huy động 100% pháo xe kéo, hơn 70% sơn pháo và 80% súng cối 120mm (tỉ lệ ta hơn địch 10/1). Cùng với việc tập trung lực lượng, tạo ưu thế hơn địch, các đơn vị pháo binh luôn chú trọng giáo dục chính trị, xây dựng ý chí chiến đấu, rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật và năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ kỹ, chiến thuật cho người chỉ huy và phân đội. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Pháo binh luôn có ý chí quyết tâm cao, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ; tuyệt đối tin tưởng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, kéo pháo vào, kéo pháo ra để bố trí phù hợp với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, giữ được bí mật, bất ngờ, tạo thuận lợi cho Chiến dịch.

“Kỳ tích” kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong điều kiện pháo, đạn của ta có hạn, vấn đề cung cấp từ hậu phương gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ; Bộ đội Pháo binh đã có nhiều biện pháp tự bổ sung cho mình; nét đặc sắc nhất là lấy pháo, đạn của địch trang bị cho ta để đánh địch. Chủ động rút cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn pháo binh cùng bộ binh đoạt dù tiếp tế của địch, thu khí tài, đạn pháo về cho đơn vị (ta đã thu được 5.000 viên đạn pháo lựu 105mm); sau khi đánh chiếm trung tâm đề kháng Độc Lập, thu được 3 khẩu cối 120mm, ta nhanh chóng thành lập đơn vị mới và đưa vào chiến đấu.

Lấy đạn pháo của địch để đánh địch

Trong đợt 2 chiến dịch ta đã được tăng cường thêm 1 đại đội sơn pháo 75mm (3 khẩu) điều từ hậu phương lên. Bước vào đợt 3, Bộ Tư lệnh đã kịp thời rút cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị chiến đấu xây dựng tiểu đoàn ĐKZ75mm để làm nhiệm vụ đánh xe tăng và diệt hỏa điểm địch; đồng thời đưa tiểu đoàn pháo phản lực H-6 vào chiến đấu, tăng thêm sức mạnh hỏa lực pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta. Trong chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, lực lượng pháo binh đóng góp một phần quan trọng. Để bảo đảm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ đội Pháo binh đã không ngừng lớn mạnh, có bước phát triển vượt bậc. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, với sự chuẩn bị chu đáo cả về con người, vũ khí, trang bị và từng bước hoàn thiện cách đánh, qua 3 đợt của chiến dịch, Bộ đội Pháo binh đã có đóng góp xuất sắc góp phần đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong giai đoạn cách mạng mới, những bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Để pháo binh luôn là hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội, cần tập trung xây dựng lực lượng pháo binh ba thứ quân vững mạnh. Với pháo binh - tên lửa chiến lược, chiến dịch, tập trung xây dựng các lữ đoàn hiện đại, có khả năng cơ động cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Với pháo binh bộ đội địa phương, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phương án tác chiến trên từng hướng, địa bàn, khu vực phòng thủ. Pháo binh dân quân tự vệ, xây dựng vững mạnh, rộng khắp, tổ chức, trang bị phù hợp với đặc điểm, điều kiện và khả năng từng địa phương.

Đội ngũ cán bộ pháo binh các cấp nói chung, cán bộ lữ đoàn và cơ quan pháo binh sư đoàn nói riêng giữ vai trò quyết định đến chất lượng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị pháo binh trong toàn quân. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của Khoa Pháo binh Học viện Lục quân; mỗi cán bộ, giảng viên cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đó để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, hướng dẫn tập bài, luyện tập, đạo diễn diễn tập; chú trọng rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật cho học viên; nâng cao hơn nữa chất lương đào tạo nói chung, các lớp chuyên ngành pháo binh nói riêng, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, học viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao, xứng đáng với truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của Bộ đội Pháo binh anh hùng./.

N.V.H


Tác giả: KPB. Nguyễn Văn Hùng
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?