Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.210
Tháng 04 : 65.393
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ “Học theo Bác” đến “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân mà còn để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội ta đã có một quá trình lịch sử, lâu dài. Điều đó được chứng minh ngay trong thời gian truyền bá Chủ nghĩa Mác vào Việt Nam để hình thành nên các tổ chức cộng sản, tiến hành thành lập Đảng và thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, vai trò của việc học tập theo Bác được thể hiện tập trung trong cuốn “Đường Kách mệnh” do “Bị áp bức dân tộc liên hiệp hội tuyên truyền bộ” ấn hành năm 1927. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ 23 điều về tư cách của một người cách mệnh. Trong đó, nhấn mạnh vai trò về mặt đạo đức của người làm cách mệnh với sự nghiệp cách mạng.

Đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, việc xây dựng và thực hiện đường lối cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện qua các văn kiện đã thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng và tiếp tục hoàn thiện ở Hội nghị BCHTƯ lần thứ 8 (5/1941). Chính vì vậy, cách mạng nước ta đã giành được thắng lợi vẻ vang, bảo vệ thành công thành quả của cách mạng Tháng Tám và giành được những thắng lợi quan trọng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi đất nước được độc lập, trong cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi” năm 1947 đồng chí Trường Chinh đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc. Cuốn sách này là tổng hợp một loạt bài đăng trên báo Sự thật - Cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng từ số 70 (4-3-1947) đến số 81 (1-8-1947) của Tổng Bí thư Trường Chinh được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản với nhan đề “Kháng chiến nhất định thắng lợi” nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày Nam Bộ kháng chiến. Trong tác phẩm, Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: “Dưới tay lái tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con tàu Việt Nam với đoàn thủy thủ dũng cảm của nó, nhất định sẽ tránh được mọi đá ghềnh, vượt cơn sóng cả để cập bến vinh quang”. Đây chính là khởi đầu cho việc học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại từ những năm đầu cách mạng.

Sau khi giành lại nền độc lập, trở thành Đảng cầm quyền xuất hiện một số tư tưởng quan liêu, cửa quyền hách dịch, xa rời quần chúng nhân dân dẫn đến nguy cơ rất lớn là mất đi sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản tháng 10/1947. Đây là tác phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất nhiều điểm không chỉ đảng viên mà cả quần chúng nhân dân cần học tập, sửa đổi để xứng đáng với con người mới, khi từ người dân nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước.

Nói về người đầu tiên đặt vấn đề phải học tập Hồ Chí Minh thì đó là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; điều đó được thể hiện cụ thể trong tác phẩm “Hồ Chí Minh - hình ảnh dân tộc” viết năm 1948. Trong tác phẩm này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì? Và đồng chí đã chỉ ra, đó là: học trung với nước, hiếu với dân; học đoàn kết toàn dân; học phấn đấu; học lý thuyết, phương pháp khoa học; học cần, kiệm, liêm, chính.

Nhưng vì điều kiện khách quan và chủ quan, phải tới Đại Hội 2 (2/1951) chúng ta mới đề cập đến trong văn kiện của Đảng. Cụ thể, Đồng chí Tôn Đức Thắng đã viết trong dự thảo nghị quyết: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chủ tịch”. Cũng từ Đại hội này, Đảng ta đã kêu gọi: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thẳng lợi hoàn toàn”.

Tới Đại hội 3/1960, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Báo cáo chính trị Đại hội III do đồng chí Lê Duẩn đọc tại đại hội đã viết: “Gần 50 năm qua, Đồng chí đã đem hết tinh thần và nghị lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng chí đã nêu gương chói lọi về sự trung thành vô hạn đối với lợi ích của giai cấp và của dân tộc; đã phát huy cao độ đạo đức cộng sản chủ nghĩa: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Đảng ta và nhân dân ta vô cùng tự hào về vị lãnh tụ của mình. Thay mặt cho toàn đảng và toàn dân, đại hội toàn quốc chúng ta một lần nữa tỏ lòng tin tưởng và biết ơn sâu sắc đối với Đồng chí Hồ Chí Minh, và kêu gọi tất cả đảng viên, cán bộ dốc lòng học tập gương sáng của Đồng chí, tiếp tục phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập thống nhất của Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân”.

Năm 1969, trong Điếu văn mà đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh có những câu: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng…”. Đây vừa là lời thề, vừa là sự thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong nỗ lực học tập và làm theo ý nguyện của Người trước khi mất.

Ngày 29/9/1969 Bộ Chính trị khóa III đã ra Chỉ thị 173 CT/TW về “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với mục đích: “làm tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng, ý chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn”. Những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội 4, Đảng ta đã tổng kết những kinh nghiệm và bài học quý báu để có được thắng lợi của thành quả cách mạng, trong đó có bài học “phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người đối với cách mạng Việt Nam.

Tại Đại hội 5 (3/1982), Đảng ta một lần nữa khẳng định vai trò to lớn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi, từ đó đưa ra một nhận thức mới là cần phải “xác định đầy đủ về học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), trong Diễn văn khai mạc, Đại hội đã bắt đầu nói đến “tư tưởng và đạo đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ rõ: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Thấy rõ giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là với tiến trình đổi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị Khóa VI ra Thông báo số 151-TB/TW về “Một số vấn đề liên quan đến Di chúc và Ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trong đó, Bộ Chính trị “yêu cầu các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên và nhân dân ta căn cứ vào Di chúc của Bác và lời thề thiêng liêng của chúng ta mà đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) thay mặt toàn đảng, toàn dân, toàn quân đã hứa với Bác để kiểm tra lại những việc chúng ta đang làm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và những nhiệm vụ công tác trước mắt, tức là làm tốt những điều Bác Hồ đã căn dặn để thỏa lòng mong ước của Bác và xứng đáng với Bác”.

Đặc biệt, từ sau Đại hội VII của Đảng (6/1991) việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991), lần đầu tiên Đảng nêu lên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991, tr.127).

Từ nhận thức đó của Đảng, giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã đi sâu nghiên cứu và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng tiếp cận nghiên cứu của mình. (Theo thống kê đã có hơn 60 định nghĩa khác nhau về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi nghiên cứu đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” thuộc Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước Tư tưởng Hồ Chí Minh (KX-02) đã đưa ra khái niệm như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận về con đường cách mạng Việt Nam: thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào cách mạng thế giới. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng mà cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người. Nói gọn lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là: độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; hay nói gọn hơn là: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H.1997, tr.77-78).

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001), trong Báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội này, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được định nghĩa gồm 9 vấn đề cơ bản: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng  lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.83-84). Đây là bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh với những nội dung, nguồn gốc lý luận và giá trị được xác định cụ thể.

Ngày 27/3/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, trong đó có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. Đồng thời, quyết định đưa Giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh vào các nhà trường trong cả nước, Chỉ thị đã khẳng định: “Cần sớm tổ chức biên soạn giáo trình và sách giáo khoa thống nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với từng cấp học, bậc học, thực hiện chế độ thi cử nghiêm túc. Chuẩn bị kỹ đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, sách báo, tài liệu, phim ảnh, tổ chức sinh hoạt ngoại khoá, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng, tiếp xúc nhân chứng lịch sử...., phục vụ cho việc dạy và học tư tưởng Hồ Chí Minh. Tìm nhiều hình thức khuyến khích, động viên, nâng cao chất lượng dạy và học tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường học.”

Thực hiện Kết luận số 39-KL/TW ngày 30/8/2005 của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX về: “Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về chủ đề này ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Đầu năm 2006, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức làm điểm Cuộc vận động tại 3 tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương và 3 đảng ủy ở Trung ương là Đảng ủy Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương và Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 07/11/2006, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mục đích: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với việc thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quả độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển). Đảng đã xác định khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh một cách khái quát như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.88). Có thể thấy, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình lâu dài, từ thấp đến cao, từ cụ thể đến khái quát. Hiện nay, chúng ta căn cứ vào những nội dung khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX và thứ XI của Đảng để nghiên cứu và học tập.

Đại hội Đảng lần thứ XI đã yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, có những đóng góp đáng khích lệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Chính vì vậy, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta đã khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm; với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành. Nghi quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Trong những năm tới đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết với mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW; Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị 05-CT/TW. Trong đó càng nhấn mạnh và gắn chặt hơn với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Như vậy, có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ, là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và những nhiệm vụ yêu cầu mới. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu thành ý chí, thành hành động thiết thực. Chúng ta nguyện không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong từng việc làm cụ thể, đoàn kết một lòng. Sớm đưa nước ta bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu./.

Đ.M.Đ


Tác giả: KMLNTTHCM. Đoàn Mạnh Đồng
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 15 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?