Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 622
Tháng 05 : 18.308
Tháng trước : 74.174
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị của Tuyên ngôn độc lập đối với cách mạng Việt Nam

“Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới là một văn kiện chính trị - pháp lý có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đến nay, đã 75 năm trôi qua nhưng văn kiện lịch sử ấy còn nguyên giá trị, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc hiện nay.

1. “Tuyên ngôn độc lập” phản ánh ý chí, khát vọng và khẳng định nền độc lập dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm đã minh chứng cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết, giá trị cốt lõi, xuyên suốt đó là nền độc lập dân tộc Việt Nam. Bởi vì, ngay từ thuở bình minh dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải chịu ách xâm lược của các thế lực ngoại bang. Do đó, để có được nền độc lập dân tộc, các thế hệ “con Rồng, cháu Tiên” luôn kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Ý chí khát vọng được độc lập, đã được thể hiện ở nhiều áng văn thơ, được xem như những bản tuyên ngôn, được đúc kết bởi ý chí của những bậc anh hùng hòa quyện vào ý chí của cả dân tộc như: “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn... Đến “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự tiếp tục và nâng tầm khát vọng và ý chí thiêng liêng ấy của dân tộc ta trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập là quyền tất yếu của tất cả các dân tộc trên thế giới, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đồng thời, Người khẳng định một cách đanh thép rằng, các thế lực đế quốc, phong kiến không có bất cứ một căn cứ pháp lý và thực tiễn nào để chà đạp lên khát vọng thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, một sự thật hiển nhiên diễn ra trên thực tế là “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Trong khi đó, phát xít Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh, vua Bảo Đại - chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam cũng đã thoái vị. Vì lẽ đó, dân tộc ta phải được tự do, dân tộc ta phải được độc lập. Nếu không công nhận sự thật hiển nhiên đó, thì chính những thế lực đế quốc, thực dân đã làm trái với những tuyên ngôn mà các thế hệ cha, ông của họ đã từng hùng hồn tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền tự do, bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”. Suy rộng ra “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (1). Trên thực tế, quyền của mỗi cá nhân con người không bao giờ tách rời mà luôn hoà quyện với quyền của quốc gia - dân tộc. Các quyền này là lẽ tự nhiên, vì thế, thực dân Pháp tiến hành xâm lược, áp đặt ách thống trị lên dân tộc Việt Nam hơn tám mươi năm qua là đi ngược lại lẽ tự nhiên. Từ đó, Người khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập” (2). Đến đây, ý chí khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực đó là một nền độc lập dân tộc thực sự, độc lập hoàn toàn. Nghĩa là, nền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trên thực tế. Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập” (3). Bản chất của nền độc lập dân tộc thực sự, hoàn toàn là: dân tộc có đầy đủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh , toàn vẹn lãnh thổ; độc lập dân tộc phải được thực hiện một cách triệt để và phải vì hạnh phúc của nhân dân. Đây chính là giá trị đích thực của độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn, vì theo Người “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (4) .

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN).

2. “Tuyên ngôn độc lập” là một cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Không chỉ khẳng định nền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam mà “Tuyên ngôn độc lập” còn phản ánh bước ngoặt con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam đó là giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngay từ năm 1930, khi Đảng ta ra đời đã xác định tiến trình cách mạng Việt Nam “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (5). Có nghĩa là cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Do đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, giành độc lập dân tộc, “Tuyên ngôn độc lập” được công bố, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thực sự là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam trên con đường phát triển tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” (6). Đồng thời, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám được khẳng định trong Tuyên ngôn là cơ sở thực tiễn quan trọng, là tiền đề có ý nghĩa quyết định đến thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định, giành chính quyền mới chỉ là bước đầu của cách mạng, sử dụng chính quyền của giai cấp vô sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới là nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, những nội dung trong “Tuyên ngôn độc lập” phản ánh bước ngoặt trong con đường phát triển tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội” (7). Đồng thời, “Tuyên ngôn độc lập” là bản anh hùng ca trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nếu các cuộc kháng chiến chống quân Tống ở thế kỷ thứ XI và chống Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII là bản anh hùng ca bất hủ, là sự thể hiện sâu sắc và rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta và tài thao lược của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, thì “Tuyên ngôn độc lập” là kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta và là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca mở đầu cho một kỷ nguyên mới của dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

3. Tuyên ngôn độc lập là ngọn đuốc soi đường sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo, biên giới đất liền ở nhiều nơi giữa các nước, nhất là trên Biển Đông như hiện nay, những tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trước hết, phải kiên định lập trường trước sau như một trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu chủ yếu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đó là sự kế thừa và tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (8).

Quán triệt tinh thần độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta xác định mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta” (9).  Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hiện nay không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, lòng đất của Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, an ninh phi truyền thống, xử lý có hiệu quả mọi tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, an ninh phi truyền thống và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia - dân tộc bên ngoài biên giới. Vận dụng những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nhất là về mối quan hệ giữa hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Theo đó, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (10).

Như vậy, “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ phản ánh ý chí khát vọng tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử mấy nghìn năm lịch sử mà còn là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, là ngọn đuốc soi đường sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

( 1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.1.

 (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.

(3)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.

(4)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.64.

(5)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1.

(6)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.1.

 (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216.

(8)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.

(9)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 81-82.

(10)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 83-84.


Tác giả: HSDH. Nguyễn Sỹ Họa
Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 18 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?