Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 73
Tháng 04 : 72.856
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một số chứng “bệnh” mà mọi người dễ mắc phải và những bài thuốc cơ bản để phòng, chữa “bệnh”

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những chứng bệnh mà con người dễ mắc phải, trong đó có những cán bộ, đảng viên. Những chứng bệnh đó vừa làm cho người bệnh không có một tâm hồn lành mạnh, trong sáng, vừa góp phần không nhỏ phá hoại sự nghiệp cách mạng. Do vậy, việc phát hiện, đấu tranh ngăn ngừa, và chữa những loại bệnh đó chẳng những cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta, mà còn rất thiết thực trong công cuộc chống những hiện tượng tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Bài trước, tác giả đã cung cấp để hiểu thêm về một số loại bệnh mà mọi người dễ mắc phải, nhất là những cán bộ, đảng viên, được Hồ Chí Minh chỉ ra  từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Trong mục: “Những khuyết điểm sai lầm”, vừa khái quát, vừa có tính khơi gợi để chỉ ra các loại bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh liệt kê một số loại bệnh, bao gồm tám loại cơ bản đó là: bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh thiếu kỷ luật; bệnh hẹp hòi; bệnh óc địa phương; bệnh óc lãnh tụ.

Ngoài những bệnh kể trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những loại bệnh khác. Chúng có liên quan rất phức tạp với các bệnh trên, đồng thời cũng để giúp cho sự hình dung đầy đủ hơn. Người viết:

Thứ nhất, bệnh “hữu danh vô thực”. Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch.

Thứ hai, bệnh kéo bè kéo cánh. Đây cũng là một loại bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Bởi vì, nó làm Đảng mất nhân tài và không thực hiện được đầy đủ chính sách của mình; làm mất sự thân ái đoàn kết giữa đồng chí; gây ra những mối nghi ngờ lẫn nhau.

Thứ ba, bệnh “cận thị”. Là bệnh không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỷ mỉ, vụn vặt… Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn…

Thứ tư, bệnh “cá nhân”. Loại bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mười triệu chứng. Sau đó, Người khẳng định và kết luận: “Những bệnh tật đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để. Đảng xa rời quần chúng. Mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, lợi ích Đảng và dân tộc xuống dưới. Những người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của chính mình. Bao giờ cũng quang minh chính trực, ham sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc quần chúng, giữ gìn kỷ luật, kiên quyết chống bệnh “cá nhân”.

/upload/61311/20231006/grab29bfdUntitled8.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đơn vị bảo vệ cơ quan Trung ương tại Việt Bắc năm 1954

Thứ năm, bệnh lười biếng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Kết quả nhỏ là nghị quyết đầy túi áo, thông báo đầy túi quần. Kết quả nặng là phá hoại tổ chức Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đến khắp thân thể thì người mạnh khỏe. Mạch máu dừng lại ở đâu, không chạy thì ch đó sẽ tê liệt, sinh bệnh.

Thứ sáu, bệnh tị nạnh. Cái gì cũng muốn “bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra triệu chứng của nó là: Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Về chứng bệnh này, hiện nay chúng ta phải nên coi xem người ta có làm và thực sự làm nặng hay không!

Thứ bảy, bệnh xu nịnh, a dua. Có người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm không có khí khái.

Để chỉ ra một trong những nguyên nhân của việc phát sinh những chứng bệnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì dân mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Nói hẹp lại, đối với một con người, nếu không tự soi, tự sửa, giương giương tự đắc thì không hỏng trước cũng hỏng sau.

Tất cả những triệu chứng trên, thâu tóm lại thì đó quả là những thứ bệnh hoạn và người nào mắc phải một trong những thứ bệnh đó thì phải gọi là người bệnh. Có người bệnh nhẹ, có người bệnh nặng. Nếu người nào mắc phải nhiều, thậm chí tất cả các bệnh đó và mắc lâu dài thì có thể gọi là đa chứng nan y mãn tính, có nguy cơ hết thuốc cứu chữa!

Từ đó, có bệnh thì phải chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh nặng, không chết cũng lê lết quả dưa. (bài sau tác giả xin cung cấp tiếp những “bài thuốc” cơ bản để phòng, chữa các loại “bệnh”)./.

VXT


Tác giả: CTD. Võ Xuân Tân
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?