Làm theo lời Bác dạy “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Trong buổi gặp gỡ, nói chuyện, giao nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Bác dạy không chỉ đối với Quân đội, mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân tộc và mãi mãi có ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc đối với các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Ngày 19-9-1954, lần đầu tiên Bác Hồ thăm khu Đền Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Bác đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (nay là Sư đoàn bộ binh 308, Quân đoàn 1) đang trên đường về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong ngày 19 tháng 9 năm 1954
Trong câu nói, Bác đã khằng định công ơn to lớn của các Vua Hùng, tổ tiên của chúng ta, người sáng lập nước ta và truyền lại cho con cháu muôn đời. Do đó, Bác đã khẳng định và tôn vinh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, vậy nên “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Đây là bổn phận, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những thế hệ con cháu ngày nay và mai sau.
Lịch sử hàng ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã phải chịu sự xâm lược, áp bức, đô hộ của giặc ngoại xâm. Nhưng với tinh thần yêu nước, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên, anh dũng, quật cường đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững và mở mang biên cương, bờ cõi đất nước. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh đó, dân tộc ta đã tạo nên truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường; với tinh thần khát khao độc lập, tự chủ; đã làm nên biết bao chiến công oai hùng, khẳng định chủ quyền và xây dựng nên bản sắc dân tộc.
Với Bác, “giữ nước” trước hết là quyết tâm chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của đất nước. Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, Bác từng nói: “… Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với Bác, “giữ nước” còn là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Làm theo lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng; sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go và giành nhiều thắng lợi vẻ vang, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững; tình hình chính trị ổn định và Việt Nam tích cực tham gia, hội nhập quốc tế. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tuy vậy, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn luôn âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Khắc ghi lời Bác căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, đối với cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ hiện đang công tác tại Học viện Lục quân anh hùng cần phát huy truyền thống yêu nước, những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ mọi mặt góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diễn “Mẫu mực tiêu biểu”, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Bên cạnh đó, phải tích cực đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; đấu tranh với “giặc nội xâm” như nạn tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Nhớ lời Bác dạy, cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống Học viện Lục quân anh hùng, lịch sử hào hùng của dân tôc, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh./.
N.D.H