Nâng cao sức đề kháng của đội ngũ giảng viên Học viện Lục quân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tác động của Cuộc cách mạng 4.0
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định, đấu tranh phòng, chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân.
Trong đó, đội ngũ giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội là một trong những lực lượng có vai trò nòng cốt, trực tiếp. Trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ giảng viên các nhà trường, học viện trong toàn quân nói chung và Học viện Lục quân nói riêng cần phải nâng cao “sức đề kháng” để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất là trong tình hình mới hiện nay. Bởi nếu không có “sức đề kháng” tốt thì họ có thể sẽ dễ bị “nhiễm” những thông tin xấu, độc; rồi từ đó có thể “lây nhiễm” cho nhiều người khác. Trái lại, nếu “sức đề kháng” tốt thì bản thân đã “miễn nhiễm” rồi, đồng thời còn có thể tác động đến người khác để họ không bị “nhiễm bệnh” và dần “miễn nhiễm” với các loại thông tin xấu, độc.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” với nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực. Trong đó, tập trung vào công tác giáo dục lý luận chính trị; tổ chức học tập, sinh hoạt Đảng; tăng cường các hoạt động thông tin thời sự, thông tin khoa học quân sự... nhằm giúp đội ngũ giảng viên trong toàn Học viện nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhận diện rõ nét các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị và “sức đề kháng” của đội ngũ giảng viên. Nhờ đó, tập thể các khoa giảng viên đã xây dựng nên một môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh; nội bộ đoàn kết, thống nhất cao; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, luôn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho mọi cá nhân và cả tập thể. Mỗi giảng viên thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng miễn nhiễm với những luồng thông tin độc hại, để luôn nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường, tăng cường bảo vệ và thường xuyên phản bác những thông tin xấu, độc; luôn luôn cảnh giác, nhạy bén kịp thời nhận thức được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để kịp thời phê phán, phản bác, đấu tranh, không chia sẻ, hưởng ứng những vấn đề có tính nhạy cảm trên các trang mạng xã hội; phản ứng nhanh, linh hoạt, chia sẻ, giải thích cho mọi người hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng để cùng tham gia lật mặt và đấu tranh ngăn chặn. Trong thời gian tới, để tạo “sức đề kháng” cho đội ngũ giảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để giảng viên, đảng viên được học các lớp lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết, thông tin thời sự… Đồng thời, được tiếp cận các tài liệu nghiên cứu, tham khảo, nhất là các tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của giảng viên, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi, tư tưởng chính trị, các dấu hiệu suy thoái về đạo đức, phẩm chất, lối sống… để có biện pháp xử lý, tìm hiểu rõ nguyên nhân; động viên, khích lệ về mặt tinh thần; uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời; không để xảy ra dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, tăng cường hoạt động của lực lượng 47 ở từng Khoa giảng viên, viết bài đăng trên trang thông tin điện tử, trang “Đàn bên súng”, truyền thanh nội bộ của Học viện Lục quân; tổ chức nhiều hơn các hoạt động như tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo khoa học… để qua đó, đội ngũ giảng viên kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin chính thống; mặt khác, thông qua các hoạt động này còn là để nâng cao nhận thức chính trị, gương mẫu, vững vàng trong mọi tình huống. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, bảo đảm tốt hơn các phương tiện phục vụ đấu tranh, nhất là đấu tranh trên không gian mạng; khuyến khích, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến; đồng thời, đấu tranh và xử lý nghiêm túc các vi phạm khi tham gia mạng Internet và các trang mạng xã hội khác.
Thứ ba, bản thân từng giảng viên phải không ngừng tu dưỡng, xây dựng lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Cần thấy được rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng giảng viên phải là công việc thường xuyên, liên tục và đi trước một bước, bởi lẽ giảng viên có làm tốt khâu này thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền đối với học viên và nhân dân. Chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải “đi trước, đón đầu”; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá.
Giảng viên cần phải có thói quen tự giác nghiên cứu lý luận, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tổng kết thực tiễn để nâng cao nhận thức. Tăng cường viết bài đấu tranh phản bác trước những quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc… xem đó là công việc cần thiết, thường xuyên. Hiện nay, cán bộ, giảng viên không còn xa lạ với các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tik tok, blog… Nhưng thay vì sử dụng các trang mạng đó để giải trí, cập nhật thông tin thì đội ngũ giảng viên còn có thể phản bác lại những luận điệu sai trái. Khi tham gia mạng xã hội phải đề cao ý thức, trách nhiệm, thiết thực, lành mạnh; bình tĩnh chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi bình luận, tán đồng, chia sẻ. Không lưu trữ, cung cấp, đăng tải, tán đồng, chia sẻ, phát tán những thông tin xấu, độc, giả mạo, xuyên tạc, vu khống,… trên không gian mạng. Từng cán bộ, giảng viên cần nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu, tích cực tham gia vào sự nghiệp này bằng những việc làm cụ thể, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào của cán bộ, giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội.
“Sức đề kháng” của mỗi giảng viên chắc chắn được củng cố, bồi đắp từ bản thân của chính họ; đây là yếu tố rất quan trọng, bởi từ lý tưởng, niềm tin, đạo đức cách mạng, nền tảng giáo dục, truyền thống gia đình, quan điểm sống… là những điều mang tính căn cơ để hình thành nên năng lực và phẩm chất cách mạng của người đó. Tuy nhiên, các yếu tố khác như sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, việc thường xuyên được rèn luyện chuyên môn và đạo đức cách mạng, được làm việc và sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh, tích cực, được thuyết phục và truyền cảm hứng từ người đứng đầu… cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Điều này tương tự như đặt một người khỏe mạnh vào một môi trường độc hại, bệnh tật thì rất có thể người đó cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, dần nhiễm bệnh. Do vậy, để nâng cao “sức đề kháng” phải thực hiện song hành cả yếu tố cá nhân và tập thể, cả yếu tố nội tại bên trong và môi trường bên ngoài của tất cả các cán bộ, giảng viên./.
Đ.Đ.T