Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân năm 2024 - 2025
Hiện nay, theo thông tin dự báo khí tượng thủy văn, mùa Đông - Xuân năm 2024 - 2025 đã có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng La Nina xuất hiện sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn. Thời tiết khu vực Đà Lạt năm nay mùa đông dự báo sẽ đến sớm và rét hơn, thời gian kéo dài hơn. Với đặc điểm thời tiết, khí hậu như trên, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm xuất hiện và dễ lây lan thành dịch.
Các dịch bệnh truyền nhiễm như: Nhiễm vi rút đường hô hấp cấp, Covid-19, Nhiễm khuẫn não mô cầu (NMC), Cúm, Bạch hầu, Quai bị, Thủy đậu... thường bùng phát vào thời điểm này. Học viện có các đối tượng cán bộ, học viên đi công tác, tranh thủ ở các vùng miền khắp cả nước nên nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao. Ngoài ra, còn nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội mùa Đông - Xuân năm 2024 - 2025, Ban Quân y đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện tốt các nội dung sau:
* Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường hô hấp
- Phòng, chống Cúm, nhiễm Virus hô hấp cấp, Sốt phát ban, Thuỷ đậu, Quai bị...Bảo đảm nơi ăn, nghỉ thông thoáng, phơi nắng toàn bộ quần áo, chăn, màn, chiếu khi thời tiết thuận lợi. Khi có người bệnh mắc bệnh lây truyền theo đường hô hấp, có nguy cơ thành dịch cần báo ngay với cơ quan quân y để tổ chức phun khử trùng không khí trong nhà (phòng ngủ, nơi hội họp) bằng dung dịch Chloramin B nồng độ 0,1% Chlo hoạt tính). Hạn chế hội họp, tập trung đông người nếu không cần thiết. Thực hiện cách ly người bệnh triệt để và sử dụng khẩu trang thường xuyên.
- Phòng, chống Nhiễm khuẩn NMC: Những trường hợp sốt trên 38°C phải chuyển về tuyến bệnh xá (không được để điều trị tại tuyến quân y cơ sở). Những trường hợp nghi ngờ hoặc tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc diễn biến nhanh, mặc dù chưa chẩn đoán được, bệnh xá cần sớm sử dụng kháng sinh phổ rộng đường tiêm và chuyển ngay về bệnh viện cao nhất, gần nhất, có thể chuyển vượt tuyến tùy theo từng trường hợp cụ thể.
* Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 86/CT-BQP ngày 29/12/2022 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong Quân đội trong tình hình mới, Quyết định số 4673/QĐ-BQP ngày 22/10/2019 của Bộ Quốc phòng về thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong Bộ Quốc phòng và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Các đơn vị chủ động phối hợp cùng cơ quan Quân nhu thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung của đơn vị. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm thực 3 bước và lưu nghiệm mẫu thức ăn hàng ngày. Nghiêm cấm ăn các món từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua...). Không sử dụng thực phẩm đã bị ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Đảm bảo ăn chín, uống chín, đặc biệt lưu ý thực phẩm đông lạnh, phải rã đông hoàn toàn trước khi chế biến. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nhà ăn nhà bếp, rác thải sau khi sơ chế phải thu gom vào thùng kín (có nắp đậy) và xử lý hàng ngày. Thường xuyên tổ chức diệt ruồi, muỗi và côn trùng khác. Không sử dụng đồ uống có chứa cồn không rõ nguồn gốc trong các buổi liên hoan, tránh ngộ độc Methanol, Aldehyde.
* Đối với dịch bệnh lây truyền do muỗi đốt
Bệnh Sốt xuất huyết Dengue và Bệnh Sốt rét: Tổ chức quán triệt Bộ đội khi đi công tác, luyện tập dã ngoại tại địa phương có bệnh sốt xuất huyết và bệnh sốt rét lưu hành cần chủ động các biện pháp phòng, chống; tổ chức phun, tẩm màn bằng hóa chất theo quy định; thực hiện tốt các biện pháp cá nhân phòng chống muỗi đốt (ngủ màn, mặc quần áo dài, xoa kem...) diệt lăng quăng/bọ gậy, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…
* Phòng, chống dịch bệnh mới nổi, tái nổi
- Bệnh Đậu mùa khỉ: Bệnh do vi rút Đậu mùa khỉ gây ra; thuộc chi Orthopoxvirus trong họ vi rút Poxviridae. Bệnh có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh). Ngoài ra, có thể lây nhiễm qua ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn, ga, gối, nệm, khăn mặt, quân áo,...); lây từ mẹ sang thai nhi.
- Bệnh Whitmore: Bệnh Whitmore (hay còn gọi Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm ở người và động vật do vi khuẩn Brukholderia pseudomallei gây ra, sống trong đất, nước và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da, niêm mạc bị tổn thương khi tiếp xúc. Các đường lây truyền khác như hô hấp, tiêu hóa. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (40 - 60% số ca mắc), dễ tái phát. Hiện chưa có văc xin phòng bệnh. Thời gian ủ bệnh khó xác định, trung bình từ 01 đến 21 ngày và có thể dài hơn.
- Bệnh do vi rút Marburg: Bệnh do vi rút Marburg là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm nhóm A, tỷ lệ tử vong từ 25% - 90%. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hay động vật nhiễm vi rút (Dơi được xác định là nguồn truyền nhiễm ở động vật) hoặc thông qua các dụng cụ, đồ vật ô nhiễm trong khi giết mổ động vật. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
* Biện pháp chung
- Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cho mọi quân nhân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh mùa Đông - Xuân nói riêng. Mọi cán bộ, nhân viên chủ động cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm chắc tình hình dịch bệnh tại địa phương để chủ động phòng chống cho bản thân và gia đình, không để dịch lây lan vào đơn vị. Chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch không đặc hiệu như: Nhỏ dung dịch tỏi, súc miệng nước muối hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng, phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng... Chủ động giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, xuất huyết, phát ban...) có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả, hạn chế dịch lây lan.
- Đối với quân y tuyến cơ sở: Thường xuyên bám sát bộ độ, chủ động giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch, nhanh chóng báo cáo về Ban Quân y để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống.
Trên cơ sở hướng dẫn này, đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt đến mọi cán bộ, nhân viên, học viên, HSQ-BS và người lao động biết để chủ động phòng chống cho bản thân, gia đình và không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị./.