Đại tướng Văn Tiến Dũng - từ một thợ may đến vị tướng của sự thần tốc
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng Tư lịch sử, ngày mà 50 năm về trước toàn miền Nam đang rung chuyển bởi những chiến dịch quân sự lớn chưa từng có trong lịch sử quân sự Việt Nam; kết hợp tổng tiến công và nổi dậy với mục tiêu cao nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một hành trình lịch sử đầy những cảm xúc, nơi câu chuyện về tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm sắt đá và tài năng quân sự kiệt suất được khắc họa một cách chân thực nhất về chân dung của một vị tướng huyền thoại, người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ góp phần tạo nên mùa Xuân đại thắng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, cái tên đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam, giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975.
Đại tướng Văn Tiến Dũng
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hoạch định chiến lược thì Đại tướng Văn Tiến Dũng chính là người đóng vai trò thực thi, biến ý định chiến lược ấy thành hiện thực trên chiến trường, ông là Tư lệnh của Chiến dịch Hồ Chí Minh, người đã trực tiếp chỉ huy năm cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Con đường từ một thợ may đến một vị Đại tướng lừng danh hiếm thấy.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, sinh ngày 02 tháng 5 năm 1917 ở làng Cổ Nhuế ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nghèo khó, ông từng kiếm sống bằng nghề thợ may, nhưng tình yêu quê hương đất nước đã thôi thúc ông sớm tham gia cách mạng từ năm 1936. Năm 1945 ông tham gia quân đội và nhanh chóng trở thành một trong những chỉ huy xuất sắc của Quân đội ta.
Lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ đã phải lăn lộn làm nghề thợ may để kiếm sống và phụ giúp gia đình, nhưng tâm trí ông không dừng lại ở những đường kim, mũi chỉ. Ông thường xuyên lén đọc sách, báo cách mạng, nghe những câu chuyện về phong trào đấu tranh của nhân dân ta khắp mọi miền từ những người “Việt Minh” đi qua làng. Từ đó, trong ông giấc mơ về một đất nước tự do không ngừng rực cháy và chờ đợi để tỏa sáng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn Tiến Dũng đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, nhưng tài năng của ông thực sự tỏa sáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1953, ông chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội ta và sau được phong hàm Đại tướng vào năm 1959 ở vào tuổi 42; một vị tướng trẻ tuổi và đầy tài năng trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng của mùa Xuân.
Khi gia nhập quân đội, Văn Tiến Dũng luôn nổi tiếng với tính cách khiêm nhường, gần gũi và thân tình. Đại tướng thường xuyên đến với các đơn vị thuộc quyền, xuống từng đơn vị để cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bộ đội; luôn lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ về gia đình, những khó khăn trên thực tế chiến trường. Có lần ông đã tự tay vá lại áo cho một chiến sĩ trẻ bị rách trong lúc hành quân, chính sự giản dị, gần gũi và chân tình ấy đã giúp ông xây dựng được niềm tin và tinh thần quyết chiến, quyết thắng mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ dưới quyền.
Phong cách hào sảng và kiên trung ấy đã sớm hun đúc nên một Văn Tiến Dũng không chỉ giỏi về chiến trận, mà còn là một người lãnh đạo hết sức gần gũi và đầy yêu thương trong lòng mỗi cán binh. Mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong những ngày tháng tư lịch sử ấy đã tái hiện và khắc họa một cách chân thực nhất về hình ảnh của một vị tướng chiến trận, nhân cách có một không hai trong lòng người dân Việt Nam.
Sau những thắng lợi liên tiếp tại Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định, sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, một vinh dự to lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm, ông sớm hiểu rằng thời gian chính là yếu tố quyết định sống còn trong lúc này. Bởi thực tế, nếu để kẻ thù có thời gian củng cố lực lượng, bổ sung phương tiện và vãn hồi được thế và lực thì cơ hội giành chiến thắng sẽ ít đi hoặc kéo dài. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo các cánh quân “ thần tốc”, “táo bạo” tiến vào Sài Gòn.
Tiến vào Sài Gòn, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo các đơn vị vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và loại hình tác chiến; kết hợp tổng tiến công và nổi dậy; thực hiện tiến công kiên quyết, táo bạo thọc sâu, vu hồi hiểm yếu và đột phá mãnh liệt vòng ngoài. Cùng lúc năm cánh quân đồng loại tiến công từ nhiều hướng, đồng thời đánh chiếm nhiều khu vực mục tiêu khắp Đông, Tây, Nam, Bắc và Tây Bắc. Các cánh quân của ta đều được chỉ huy bởi những vị tướng tài năng và đức độ như Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh và Trần Văn Trà.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các cánh quân của ta đồng loạt xung phong, tiến như cuồng phong vũ bão, cuốn đi tất cả những gì ngăn cản nó trên đường tiến quân. Mọi tuyến phòng thủ của kẻ địch lần lượt bị san phẳng, Xuân Lộc, Đồng Dù lần lượt thất thủ. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
Chúng ta hãy thử hình dung cảnh tượng kiêu hùng khi năm cánh quân như những mũi lao sắc bén tiến thẳng vào Sài Gòn, tiếng động cơ xe tăng gầm rú, tiếng pháo rền vang ngút trời và tiếng bước chân rầm rập thần tốc, hòa quyện tiếng hò reo cổ động của nhân dân Sài Thành, tạo nên một bản giao hưởng của chiến thắng và hạnh phúc. Tại cầu Sài Gòn những trận đánh vẫn tiếp diễn ác liệt, khói, lửa ngập trời nhưng quân ta vẫn anh dũng tiến bước, đẩy quân địch vào thế hoàn toàn tuyệt vọng.
Trên đường phố Sài Gòn, nhân dân đổ ra đường reo hò chào đón quân giải phóng, tay vẫy những cờ, hoa trong niềm hân hoan. Và rồi vào đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập giữa tiếng hô vang Việt Nam Hồ Chí Minh của các chiến sĩ và người dân, đó là khoảnh khắc lịch sử, giây phút mà hàng triệu trái tim người Việt Nam đã chờ đợi suốt hơn 20 năm chiến đấu gian khổ.
Sau chiến thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết hồi ký “Đại Thắng mùa Xuân” một tác phẩm quý giá ghi lại chi tiết quá trình chuẩn bị và thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong sách, ông kể về những ngày đêm căng thẳng tại sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, về những cuộc họp kéo dài thâu đêm suốt sáng để bàn kế sách, về sự phối hợp ăn ý giữa các cánh quân và sự hỗ trợ to lớn của nhân dân ta khắp mọi miền đất nước.
Đại tướng viết “Chiến thắng này không chỉ là của quân đội mà là của toàn dân tộc, từ những người lính trên chiến trường đến những người mẹ, người chị ở hậu phương âm thầm tiếp sức bằng những hạt gạo, từng manh áo…”. Đại tướng Văn Tiến Dũng không chỉ là một vị tướng giỏi về chiến thuật mà còn là một nhà lãnh đạo biết học hỏi từ thực tiễn, ông luôn nhấn mạnh rằng sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam nằm ở sự đoàn kết và ý chí quyết thắng.
Tinh thần “Thần tốc” của ông đã trở thành bài học lớn cho các thế hệ sau này, nó không chỉ trong quân sự mà còn trong mọi lĩnh vực đòi hỏi sự quyết đoán và nhạy bén, yếu tố “Thần tốc” trong chiến dịch Hồ Chí Minh là chìa khóa dẫn đến thành công. Đại tướng Văn Tiến Dũng ra lệnh cho các cánh quân tiến công không ngừng nghỉ, liên tục tạo áp lực khiến kẻ địch nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bộ binh cơ động nhanh, với xe tăng đột phá tốc lực, pháo binh yểm trợ chính xác và lực lượng địa phương hỗ trợ kịp thời.
Trong những ngày cuối của chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng liên tục điều chỉnh kế hoạch dựa trên tình hình thực tế chiến trường và đưa ra những mệnh lệnh kịp thời để tận dụng tối đa mọi lợi thế của sự thần tốc đã khiến đối phương không kịp trở tay, không có cơ hội phản ứng, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối và hạnh phúc vỡ òa trong niềm hân hoan kiêu hãnh.
Hy vọng rằng qua câu chuyện về Đại tướng Văn Tiến Dũng và chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào hơn về lịch sử Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé đã làm nên kỳ tích vĩ đại khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục. Hôm nay, giữa mùa Xuân đại thắng, trong niềm vui chung của đất nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực, đổi mới và chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV thành công.
Tiếp bước cha anh, đồng hành cùng non sông đất nước, lớp cán bộ giảng viên trẻ Học viện Lục quân hôm nay nói chung và Khoa Trinh sát nói riêng tiếp tục phấn đấu vươn lên, tích cực học tập và tự giác rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm trong điều kiện mới. Để mãi xứng đáng với truyền thống, lòng kiêu hãnh của thế hệ cha anh và mãi tự hào về họ; những người viết sử đã viết nên trang trang sử riêng của thời đại mình, giàu sự tích và đẫm màu huyền thoại, không thẹn với tiền nhân và hậu thế./.
Tài liệu tham khảo:
- Mùa xuân đại thắng, Hồi ký Đại tướng Văn tiến Dũng, Nxb Quân đội Nhân dân, năm 1977.
- Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000.