Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 51
Tháng 04 : 59.929
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu tàu sân bay khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Tàu sân bay (aircraft carrier) là một loại tàu chiến được thiết kế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang vận hành các tàu có khả năng cơ bản mang theo máy bay, gồm các tàu chở máy bay trực thăng, tàu tác chiến thủy bộ và tàu có nóc phẳng truyền thống với các khoản đầu tư hàng tỷ USD cho các phương tiện chiến đấu này.

Australia

Từ khi tàu HMAS Melbourne được đưa ra khỏi trang bị vào năm 1982, Australia không còn có tàu sân bay chuyên dụng. Tuy nhiên, với hai tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng (LHD) lớp Canberra được hạ thủy vào tháng 11/2014 và 12/2015, đã đem lại cho Hải quân Hoàng gia Australia một khả năng tương tự. Mỗi tàu đều có thể chở được 4 tàu đổ bộ, 110 xe và 1000 quân ngoài trang thiết bị tiêu chuẩn của tàu và 8 máy bay trực thăng. Trên boong tàu có 6 sân đỗ cho trực thăng thích hợp với kích thước của máy bay trực thăng MRH-90, máy bay trực thăng vận tải MRH-90 và trực thăng tác chiến chống ngầm S-70B. 8 máy bay trực thăng có thể để vừa trong sân đỗ của nhà cất chứa máy bay và 10 chiếc khác có thể đỗ tại sân chứa xe hạng nhẹ, nếu cần.

 

 

Trung Quốc

Cùng với việc mở rộng đáng kể lực lượng hải quân (PLAN), Trung Quốc đã có sự tiến bộ vượt bậc trong phát triển các khả năng tàu sân bay. Trung Quốc đang có 3 tàu sân bay, dự đoán đến năm 2025 là 5 tàu và tăng lên đến 10 tàu vào năm 2049.

Năm 1998, Trung Quốc đã mua một tàu sân bay Varyag của Liên Xô (cũ) từ Ucraina. Sau hơn 10 năm cải tiến, tàu được đổi tên thành Liêu Ninh (Type 001) và đưa vào hoạt động tháng 9/2012. Tàu chở được 24 các máy bay tiêm kích J-15 được phát triển dựa trên Su-33 với công nghệ dốc chạy đà (ski-jump). Tàu cũng chở được nhiều kiểu máy bay trực thăng khác nhau như trực thăng vận tải đa dụng Z-18, các trực thăng tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ Z-8J/JH cùng với trực thăng tác chiến chống ngầm Z-18F và trực thăng cảnh báo sớm Z-18J.

Sau Type 001, công ty công nghiệp đóng tàu Đại Liên đã bắt đầu phát triển tàu sân bay Type 002, về cơ bản là một bản sao của tàu sân bay Liên Xô nhưng với lượng giãn nước lớn hơn, khả năng mang đến 36 máy bay tiêm kích J-15, ngoài ra còn chở được ít nhất là 5-6 máy bay trực thăng Z-9 và Z-18. Tàu Type 002 đã được hạ thủy vào tháng 4/2017 và đi vào hoạt động vào năm 2020.

Tàu Type 002 là một bước đệm để tiến tới đóng tàu sân bay lớn hơn Type 003 (trước đây gọi là Type 002), Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 3 trên thế giới, vận hành hệ thống cất cánh có sự hộ trợ từ máy phóng máy bay (catapult) nhưng là các tàu sân bay thu hồi máy bay bằng hệ thống bắt giữ (CATOBAR) sau Mỹ và Pháp. Type 003 bắt đầu được bắt đầu vào tháng 3/2017 tại xưởng đóng tàu Jiangnan Changxingdao ở Thượng Hải, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Type 003 có khả năng bảo đảm cho khoảng 40 máy bay cũng như vận hành máy bay cánh quạt, máy bay tiêm kích với đầy đủ vũ khí trang bị chiến đấu.

Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay Type 004 sử dụng năng lượng hạt nhân với hệ thống phóng máy bay điện từ. Dự kiến tàu có lượng giãn nước 100.000 tấn, chở được 70-100 máy bay (gồm J-15 và J-31, máy bay báo động sớm trên không, máy bay tác chiến chống ngầm, máy bay không người lái và máy bay trực thăng). Công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chịu trách nhiệm đóng tàu.

Ngoài các tàu sân bay chuyên dụng, Hải quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng đưa vào hoạt động các tàu chở trực thăng lớp Type 075, có lượng giãn nước đủ tải 40.000 tấn, chở được 30 máy bay trực thăng, kể cả các mẫu máy bay trực thăng tấn công. Tàu sân bay trực thăng Type 075 cũng khả năng triển khai tàu đổ bộ và binh sĩ.

Ấn Độ

Kể từ năm 1961, Ấn Độ đã vận hành các tàu sân bay với các tàu INS Vikrant và INS Viraat cho tới khi chúng được đưa ra khỏi trang bị vào năm 1997 và 2017. Hiện nay, tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ là tàu INS Vikramaditya được đưa hoạt động vào tháng 11/2013; đây là tàu sân bay lớp Kiev mang tên Đô đốc Gorshkov, được đưa ra khỏi trang bị Hải quân Nga vào năm 1996 và được Ấn Độ mua lại vào năm 2004. Tàu Vikramaditya đã được chuyển đổi thành một tàu sân bay thuần túy với một đường dốc chạy đà cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh được kìm giữ (STOBAR). Tàu có thể đảm bảo cho 34 máy bay gồm các máy bay MiG-29K chuyên dụng Hải quân, Sea King, Ka-31, Ka-28, Chetaks hoặc Dhruvs.

Năm 2020, Hải quân Ấn Độ bắt đầu vận hành tàu INS Vikrant, là tàu sân bay đóng trong nước đầu tiên của Ấn Độ hoàn thành vào cuối năm 2020. Tàu được lắp một đường dốc chạy đà (ski jump), có thể vận hành các máy bay như MiG-29K cùng các máy bay khác vì Hải quân Ấn Độ đang quan tâm đến mua sắm 57 máy bay tiêm kích mới. Khoảng 20 máy bay tiêm kích và 10 máy bay trực thăng dự kiến sẽ hoạt động được trên tàu sân bay này.

Mặc dù không có khả năng chở được nhiều máy bay nhưng tàu INS Jalashwa của Hải quân Ấn Độ, có thể chở được 6 máy bay trực thăng Sea King. INS Jalashwa là tàu đã qua sử dụng được mua từ Mỹ (tàu USS Trenton) vào năm 2005 và đưa vào hoạt động vào năm 2007, cùng với 6 máy bay trực thăng SH-3 Sea King. Tàu cũng chở được tới 4 tàu đổ bộ và 1000 quân. Trong thời gian tới, với nỗ lực tăng sức mạnh Không quân hải quân, Hải quân Ấn Độ đang tìm kiếm mua 4 tàu đổ bộ chở trực thăng với khoản ngân quỹ 3 tỷ USD. Các yêu cầu đưa ra là: các tàu cần có chiều dài 200 m và có khả năng chở được 6 xe tăng chủ lực, 20 xe chiến đấu bộ binh, 40 xe tải và 900 quân, 4 tàu đổ bộ và 12 máy bay trực thăng có trọng tải 15 tấn. Tất cả 4 tàu sẽ được đóng trong nước theo sáng kiến chế tạo tại Ấn Độ.

Nhật Bản

Tháng 12/2018, Nhật Bản công bố kế hoạch chuyển đổi các tàu chở máy bay trực thăng lớp Izumo để thích hợp với các máy bay tiêm kích F-35, điều này sẽ đem lại cho Nhật Bản khả năng tàu sân bay thực sự đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Nhật Bản đã đặt mua 42 máy bay F-35B và có kế hoạch tăng số máy bay cất - hạ cánh thông thường F-35A trong đơn đặt hàng lên tới 105 chiếc. Các đợt mua sắm sẽ kéo dài trong 10 năm tới, với 18 máy bay F-35B được mua và việc lắp đặt trang thiết bị cho các tàu chiến trong vòng 5 năm đầu tiên.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có 2 tàu lớp Izumo trong trang bị là JS Izumo và JS Kaga lần lượt được đưa vào hoạt động vào tháng 3/2015 và tháng 3/2017. Hiện nay, những tàu này được giao nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Tàu chở 7 trực thăng chống ngầm SH-60J/K và 2 trực thăng tìm kiếm và cứu nạn (trên các sân đỗ có thể có tới 5 máy bay trực thăng hoạt động đồng thời) nhưng tàu cũng có thể chở được 28 máy bay (kể cả kiểu máy bay trực thăng chống thủy lôi MCH-101 cũng như CH-47 Chinook và V-22 Osprey). Tàu cũng có thể chở được 50 xe và 400 quân.

Ngoài lớp tàu Izumo, Nhật Bản có một số tàu chở trực thăng. Hai tàu lớp Hyuga là JS Hyuga và JS Ise, hạ thủy vào năm 2007, 2009. Mỗi tàu có thể chở được 20 máy bay trực thăng, nhưng điển hình chỉ chở được 3 trực thăng SH-60J/K và 1 trực thăng MCH-101 để tác chiến chống ngầm. Hai tàu này hiện đang trang bị các máy bay MV-22 Ospreys của Mỹ và được sử dụng trong các nỗ lực cứu trợ thảm họa.

Hải quân Nhật Bản cũng trang bị 03 tàu lớp Izumi, ban đầu được sử dụng như tàu sân bay trực thăng, được đưa vào hoạt động trong các năm 1998 và 2003. Sân boong trên nóc tàu phẳng, có thể thích hợp với các xe, cũng như có thể chở được tới 8 máy bay trực thăng cho dù không có nhà cất chứa máy bay và có thể chở được hàng trăm quân và 10 xe tăng, 2 tàu đổ bộ đệm khí (LCAC).

New Zealand

Hải quân Hoàng gia New Zealand đang có trong trang bị tàu HMNZS Canterbury (hoạt động vào tháng 6/2007), được xếp vào loại tàu đa dụng với sân bay trên boong lớn và phẳng, cùng các trang thiết bị nhà chứa máy bay cho 4 máy bay trực thăng đa dụng NH90 TTH, SH-2G(I) Seasprite, được trang bị các tên lửa đối hạm Penguin. Ngoài chở máy bay, tàu Canterbury có thể chở được 2 tàu đổ bộ và 40 xe. HMNZS Canterbury cũng được sử dụng trong các chiến dịch cứu trợ thảm họa.

Singapore

Singapore hiện không có tàu sân bay riêng nhưng họ có 4 tàu đổ bộ lớp Endurance có thể đỗ được 2 máy bay trực thăng hạng trung (Super Pumas) trên boong và có không gian để máy bay. Tàu cũng có thể chở được 4 xuồng cao tốc dài 13m, 2 xuồng cao tốc đa dụng dài 25m, 18 xe tăng,  20 xe vận tải và 4 xuồng đổ bộ. Các tàu đốc đổ bộ Endurance được vào tháng 3/2000 và tháng 4/2012. Singapore đang có kế hoạch thay thế lớp tàu Endurance sau năm 2020 bằng các tàu đa nhiệm liên quân (JMMS).

Hàn Quốc

Hải quân Hàn Quốc cũng có trong trang bị những tàu có kích thước lớn, như các tàu tấn công thủy bộ lớp Dokdo. Mỗi tàu đều có thể chở được 15 máy bay trực thăng. Ngoài các máy bay trực thăng UH-1H, UH-60P và Super Lynx, các tàu Dokdo còn có thể chở theo xe tiến công thủy bộ và xuồng đổ bộ đệm khí (chở được 720 quân, 10 xe tăng, 10 xe tải, 7 xe tấn công thủy bộ, 3 pháo và 2 xuồng đổ đệm khí, 10 máy bay trực thăng khi không có xe nào trên boong). Theo kế hoạch 03 tàu sẽ được đóng nhưng do khó khăn về ngân sách nên chỉ đóng được 2 tàu; tàu đầu tiên ROKS Dokdo được đưa vào hoạt động tháng 7/2007 và tàu thứ 2 ROKS Marado được hạ thủy vào tháng 5/2018. Hàn Quốc đã quyết định đóng một tàu sân bay thứ ba (với tên gọi LPX II), dự kiến sẽ gia nhập Hải quân Hàn Quốc năm 2025.

Thái Lan

Năm 1997, Thái Lan trở thành nước Đông nam Á đầu tiên vận hành tàu sân bay chuyên dụng cho dù tàu này được hải quân xem là tàu chở trực thăng tuần tiễu xa bờ. Với lượng giãn nước 11.500 tấn, HTMS Chakri Naruebet là một trong những tàu chở máy bay nhỏ nhất thế giới, được trang bị nhẹ với súng máy 12,7mm và tên lửa Mistral để tự vệ. HTMS Chakri Naruebet được đóng bởi công ty Bazan Tây Ban Nha, dựa trên thiết kế của tàu Principe de Asturias và được lắp đặt một đường dốc chạy đà (ski-jump). Hiện nay, tàu chỉ vận hành các máy bay trực thăng, trên boong có không gian nhà chứa đủ chỗ cho 10 máy bay, phần lớn được sử dụng cho nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Như vậy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến trong thập kỷ tới sẽ có khoảng 6-7 tàu sân bay được đóng mới hoặc chuyển đổi để đưa vào hoạt động, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường đầu tư vào những phương tiện nhân bội sức mạnh này. Mặc dù tốn kém nhưng các tàu sân bay và tàu tác chiến thủy bộ sẽ đóng góp đáng kể vào cuộc chạy đua vũ trang hải quân trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khi những tranh chấp lãnh thổ nổi lên ở vùng biển phía Nam Trung Quốc (Biển Đông) và sự nổi lên của Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước đi theo hướng này./.


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?