Các Mác - những phát kiến vĩ đại và giá trị tư tưởng trường tồn
Các Mác (Karl Marx) là một trong những nhà tư tưởng thiên tài của thời đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới. Nhân loại luôn biết ơn những thiên tài và Các Mác là một thiên tài kiệt xuất vượt thời gian mà đến nay vẫn chưa thể đánh giá hết về ông, không một nhân vật lịch sử nào lại có ảnh hưởng lớn đến thế giới trong suốt gần 200 năm như ông.
Các Mác (1818 - 1883)
Các Mác sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 tại thành phố Trier, trên bờ sông Mozel, một nhánh của sông Rhein thuộc Trier là một thành phố cổ của Đức thời Trung cổ. Cuộc đời của Các Mác không có nhiều sự kiện cá nhân, nhưng ông đã cùng với Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Giữa thế kỷ XIX, cả châu Âu đang chìm đắm trong thời kỳ tăng tốc đầy hỗn loạn và ngổn ngang đầy dấu ấn của cách mạng công nghiệp, đi kèm với đó là nỗi thống khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động của các dân tộc bị áp bức; hậu quả của quá trình vơ vét bóc lột và thắt lưng buộc bụng của giai cấp tư sản thống trị. Các Mác đã quan sát cuộc cách mạng Pháp năm 1848 và coi Công xã Paris là một kiểu mẫu của một xã hội tương lai.
Năm mười hai tuổi (1830), Các Mác vào học ở một trường trung học tại Trier (Đức), ông học giỏi và đặc biệt nổi bật trên các lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. Mùa thu năm 1835, Các Mác tốt nghiệp trung học, sau đó ông vào trường Đại học Tổng hợp Bonn để học luật. Hai tháng sau, theo lời khuyên của cha, Mác chuyển tới theo học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin, trong thời gian này Các Mác đặc biệt rất ưa thích môn Triết học.
Đặc biệt, khi ông tiếp cận với những tác phẩm Triết thuyết của Hegel tại đế quốc Phổ, thời kỳ này Triết học là một môn khoa học nghiên cứu về chính trị cho tầng lớp cai trị, trong khi bên ngoài xã hội người dân không được phép tham dự vào các vấn đề của giới chức cầm quyền. Các Mác đã tham gia vào nhóm các sinh viên, giáo sư cấp tiến, nghiêng về “Cánh tả” và thường hay có thái độ chỉ trích gay gắt cách quản trị xã hội của chính quyền Phổ.
Mác trở thành tiến sĩ Triết học tại Đại học London năm 1841 khi mới 23 tuổi và có ý định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Tuy nhiên, do có tư tưởng cấp tiến nên Mác đã không thể thực hiện được mong muốn, ông quay sang viết báo và tham gia cộng tác với nhiều tòa soạn uy tín thời giấy giờ. Trong đó, có tạp chí Sông Ranh (Rhein) và trở thành Tổng biên tập tờ Báo Mới tỉnh Ranh, cơ quan thông tấn của phái dân chủ. Đây cũng là những năm tháng Mác làm quen với cô gái trẻ có tên là Jenny, con nhà quý tộc Phổ (Prussia), mặc cho cả hai bên gia đình đều phản đối, nhưng Mác và Jenny vẫn quyết định tiến tới hôn nhân.
Những tư tưởng tiến bộ và các bài báo công kích chính quyền đã khiến Các Mác phải cùng vợ chuyển đến Paris, tại đây ông đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Đó là sự thật đơn giản nhất từng bị tầng tầng lớp lớp các luồng tư tưởng của giai cấp thống trị cố tình che giấu. Theo Các Mác thì con người trước hết cần phải có nhu cầu cơm ăn, áo mặc và nhà ở; rồi mới đi đến chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo hay bất cứ thứ gì khác. Từ thực tiễn cuộc sống, Các Mác đã có một phát kiến vĩ đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đó là giá trị thặng dư.
Các Mác đã tìm ra thứ quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó tạo ra với việc phát hiện ra khái niệm giá trị thặng dư, ngay lập tức trở thành thứ ánh sáng soi tỏ mọi vấn đề trong lĩnh vực này, điều mà trước đây các ngành kinh tế học tư sản cũng như những triết gia hay các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa đều mò mẩm lần tìm trong đường hầm không lối thoát.
Các Mác là con người của khoa học, nghiên cứu khoa học đối với ông là động lực lịch sử của một lực lượng cách mạng. Vì thế, ông cũng chính là một nhà cách mạng đã bóc trần bản chất xã hội tư bản và các thiết chế nhà nước do tư bản dựng nên. Qua đó, ông tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà chính Các Mác là người đầu tiên đã đem lại cho giai cấp vô sản ý thức về địa vị của bản thân cũng như điều kiện để giải phóng chính mình.
Đấu tranh là hành động tự nhiên của Các Mác và ông đã đấu tranh một cách say sưa kiên cường để có kết quả, chính Ăngghen đã phải khẳng định đó là nguyên nhân vì sao Các Mác đã trở thành người bị giới chức tư sản căm ghét, ruồng bỏ và vu khống nhiều nhất. Trong thời đại ông, các chính phủ độc tài chuyên chế lẫn cộng hòa đều tìm cách trục xuất ông, giới tư sản cả bảo thủ lẫn dân chủ đều thi nhau nguyền rủa ông nhưng, Các Mác đã bỏ xa một bên tất cả những thứ đó và coi đó như là thứ vật cản vướng chân trên con đường đấu tranh của mình.
Paris hoa lệ thời điểm đó là trung tâm hoạt động của nhiều nhà cách mạng mang tư tưởng tìm đến từ Đức, Anh, Ba Lan, Italia… và tại đây Các Mác đã gặp Ăngghen, người bạn cùng chí hướng. Mặc dù là nơi đất khách quê người, nhưng mọi động thái của Mác đều nằm trong tầm theo dõi của mật vụ Phổ. Năm 1845, chính quyền Đức vận động người Pháp trục xuất Mác khỏi Paris, vợ chồng ông lại chuyển đến sống tại Brúc-xen (Bỉ). Tại đây, một trong các văn kiện chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên phạm vi thế giới đã ra đời, đó là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Lịch sử xã hội loại người tồn tại từ trước đến ngày nay là lịch sử đấu tranh giai cấp giữa nô lệ và quý tộc, giữa nông nô và chủ đất; giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản với nhau. Nói tóm lại, đó là cuộc đấu giữa những kẻ chuyên áp bức bóc lột và những người bị áp bức bóc lột; luôn luôn đối kháng với nhau và tiến hành đấu tranh không khoan nhượng; lúc công khai và có lúc âm ỉ kéo dài, một cuộc đấu tranh bao giờ dừng lại và thường kết thúc bằng một cuộc cách mạng cải tạo xã hội hoặc bằng sự diệt vong của một trong hai giai cấp đấu tranh với nhau.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, khái niệm giai cấp và đấu tranh giai cấp đã ra đời. Quá trình nghiên cứu và phân tích một cách khoa học của Các Mác và Ăngghen. Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đánh dấu xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội khoa học và sự tàn lụi tất yếu của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xem là ngọn cờ giải phóng nhân loại, trước cuộc cách mạng vô sản, các giai cấp thống trị đã phải run sợ bởi sự vùng lên đấu tranh của công nhân, giai cấp không mất mát gì ngoài xiềng xích và gông cùm. Họ đã có cả một thế giới để giành lấy, Mác kêu gọi giai cấp công nhân trên toàn thế giới hãy đoàn kết lại, đứng lên đấu tranh. Tiếng vang của tác phẩm vĩ đại này đã bay xa và tạo ảnh hưởng sâu sắc đến toàn xã hội châu Âu thời bấy giờ. Cuối năm đó, ở Mỹ xuất hiện hàng loạt cuộc phản kháng và nổi dậy, cả châu Âu rung chuyển trước các cuộc cách mạng tư sản nổ ra mãnh mẽ tại Ý, Pháp và cả nước Đức, song tất cả đều thất bại.
Chính quyền Bỉ lo sợ trước sức mạnh của trào lưu cách mạng mới và Các Mác tiếp tục bị trục xuất khỏi nước này. Trong thực tế, tư tưởng của Mác là những học thuyết kế thừa các hệ tư tưởng được hình thành trong Thế kỷ 19, bao gồm triết học cổ điển Đức, học thuyết về kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh hay chủ nghĩa xã hội học Pháp. Các Mác đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh hơn quan điểm của xã hội thời bây giờ, ông đưa ra lời tiên tri về những biến cố rộng lớn của xã hội; về vận mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và tương lai của chủ nghĩa tư bản, tương lai của xã hội loài người.
Thông qua ấn phẩm này, Các Mác nổi tiếng là một người phát ngôn của đường lối dân chủ cấp tiến, Các Mác tán thành quan điểm của Hêghen về sự phát triển của lịch sử loài người, song ông lại cho rằng vật chất mới đóng vai trò chính yếu trong quá trình lịch sử chứ không phải là yếu tố tinh thần. Các cuộc cách mạng tại châu Âu bất thành, mùa Hè năm 1849 Các Mác tới Luân Đôn, khi mới 31 tuổi.
Nhưng cũng từ những năm tháng vật lộn trong khốn khó ấy cuốn Tư bản luận ra đời, đây là công trình nghiên cứu vĩ đại được soạn thảo trong suốt 18 năm ròng làm việc cật lực không ngưng nghỉ của Các Mác ở nước Anh. Nơi chế độ tư bản đang phát triển, tồn tại một xã hội ẩn chứa nhiều bất công và ngang trái. Các Mác đã trình bày các sự kiện xã hội một cách sát thực trong cuốn tư bản luận, cuộc sống cùng cực khốn khổ của những người cần lao, nơi những đàn bà bị thuần hóa như con vật, lao động khổ sai cùng cực trong các nhà máy, công trường và hầm mỏ, bệnh tật và kiệt sức bởi giới chủ cho đến giọt mồ hôi cuối cùng.
Ngày 14 tháng 3 năm 1883, Các Mác đã qua đời, ông yên nghỉ tại nghĩa trang Highgate thuộc thành phố Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Các Mác đã rời xa, nhưng hệ thống những học thuyết về triết học, lịch sử và kinh tế chính trị… dựa trên các tác phẩm của Các Mác và Ăngghen đã hình thành nên chủ nghĩa Mác, đó chính là nền móng của sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người trên phạm vi toàn thế giới.
Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt chuổi thời kỳ mò mẫm trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột để tìm ra con đường giải phóng cho mình. Sau này, Lênin đã kế thừa sự nghiệp của Các Mác và Ph.Ăngghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, ông đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin hoàn chỉnh hơn. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công mở ra chân trời vinh quang, thời đại mới trong lịch sử phát triển của loài người.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn, luôn luôn kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện, hoàn cành mới. Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin giữa Mạc Tư Khoa. Chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03 tháng 02 năm1930, bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Luôn kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc; độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược; hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, đối với dân tộc Việt Nam, cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Các Mác luôn được trân trọng nhất; di sản quý báu, gắn liền với con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển Đất nước ta. Kỷ niệm 207 năm Ngày sinh Các Mác là dịp để chúng ta cùng nhận thức rõ hơn và biết ơn những cống hiến vĩ đại của Mác; nhận thức sâu sắc giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin để luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với từng điều kiện, từng hoàn cảnh. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, Đảng ta mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần.
Tài liệu tham khảo:
- V.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nôi năm 2005.
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội năm 2021.