• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.294
Tháng 12 : 4.404
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong Kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược Đông Dương

Đoàn kết quốc tế là một vấn đề quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của các đảng mácxít vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình, tiến bộ xã hội. Từ khi ra đời và lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đoàn kết giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương để tạo nên sức mạnh tổng hợp chống kẻ thù chung. Liên minh chiến đấu đặc biệt của lực lượng vũ trang Việt Nam - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược Đông Dương đã tạo ra sức mạnh chiến lược có ý nghĩa quan trọng cho cả ba dân tộc trên con đường đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước; để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc ở mỗi nước trong tình hình hiện nay.

1. Liên minh Việt - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược gắn bó mật thiết với các cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và hòa chung với sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.  Đây là yêu cầu tất yếu khách quan tự trong trong lòng mỗi nước đặt ra. Ý thức được mối quan hệ hữu cơ đó, ngay từ đầu cuộc kháng chiến,  ngày 12/12/1946, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không chỉ đề cập tới những vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà còn nêu rõ chủ trương đoàn kết chiến đấu ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. “Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương” ngày 21/7/1945, và “Chỉ thị kháng chiến kiến quốc” ngày 19/12/1946, Đảng ta đã chỉ rõ: “Chúng ta hiện nay bị vây hãm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố cuộc cách mạng của mình”[1].

Quán triệt chỉ thị của Đảng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình chiến tranh, các lực lượng vũ trang nhân dân ta luôn đặt vấn đề đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và Campuchia thành một vấn đề lớn thuộc đường lối, chính sách của cách mạng, đồng thời hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của ta tới thắng lợi. Sự nghiệp đoàn kết, liên minh Việt Nam với Lào và Campuchia trải qua hai thời kỳ: Cùng có sự lãnh đạo của một Đảng - Đảng Cộng sản Đông Dương, hay sau này đặt dưới sự lãnh đạo của từng Đảng ở từng nước, nhưng đều nhất quán với vấn đề cơ bản, đó là sự lãnh đạo độc lập tự chủ của từng Đảng kết hợp với sự bàn bạc, thống nhất, phối hợp hành động giữa ba Đảng [2]. Phải giữ vững quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, nguyện vọng, trước hết là lợi ích chính đáng của nhau trong quan hệ giữa ba đảng, ba nước sau này: Thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh liên minh, tiêu biểu là liên minh quân sự, đấu tranh vũ trang bao gồm chiến lược chung, xác định mục tiêu, sử dụng lực lượng, phân chia chiến trường, phối hợp tác chiến [3].

Ngày 30/10/1945, Hiệp định liên minh quân sự giữa Chính phủ Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với Hiệp định thành lập Liên minh (Liên quân) Lào -Việt được ký kết. Cuối năm 1945, đại diện Chính phủ ta cùng với Ủy ban Cao Miên độc lập ký tuyên bố chung về Đoàn kết Việt - Lào - Campuchia chống Pháp. Đến đầu năm 1946, ở Đông Nam Campuchia, ta cùng lực lượng yêu nước Campuchia phát triển lực lượng vũ trang hỗn hợp, “Liên quân Việt- Lào- Campuchia” đứng chân hoạt động trên các tỉnh Prey Veng, Svay Rieng, Kandal và lan rộng ra các vùng khác. Từ năm 1947 - 1948 trở đi, những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động bên cạnh Liên quân Lào -Việt Nam, Campuchia -Việt Nam cùng với bộ đội giải phóng Ít-xa-la Lào và bộ đội Ít-xa-rắc Campuchia dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc giải phóng Campuchia và Chính phủ kháng chiến Lào. Tiêu biểu có chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954 , Thượng Lào (13/4- 18/5/1953), Trung Lào (12/1953- 4/1954), Hạ Lào (29/1-13/2/1954), Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (31/1- 4/1954), đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954)[4]. Đó là minh chứng rõ nhất của hình thức tổ chức lực lượng vũ trang hỗn hợp và thích hợp nhất trong việc liên minh, phối hợp tác chiến chống quân Pháp giữa ba nước trên chiến trường Đông Dương (1953 - 1954) [5].

Đường lối, chủ trương, chính sách đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia của Đảng ta là nhất quán và được thực hiện trọn vẹn cho đến ngày toàn thắng. Tiến hành chiến tranh xâm lược chống ba nước Đông Dương, thực dân Pháp đã mưu toan chia rẽ, cô lập từng nước để dễ bề thôn tính nên chúng đã đặt ba nước trong một chiến lược chung, trên một chiến trường thống nhất để tiến hành xâm lược, tuy mức độ, quy mô tiến hành chiến tranh, các biện pháp, thủ đoạn chiến lược, bước đi cụ thể của thực dân Pháp có khác nhau ở mỗi nước. Từ âm mưu, chủ trương của địch và diễn biến chiến tranh trên ba nước, Đảng ta đã sớm xác định: Đẩy mạnh kháng chiến trên cả ba nước, trên cơ sở cả Đông Dương là một chiến trường, chiến đấu theo một chiến lược chung, cùng đoàn kết, phối hợp, liên minh chiến đấu [6]. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, chiến cục Đông Xuân được triển khai trên cả ba chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân ta giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Cùng với thắng lợi to lớn ở Thượng-Trung-Hạ Lào, ở Đông Bắc Campuchia, thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường Việt Nam đã buộc đế quốc Pháp phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh xâm lược trên cả ba nước Đông Dương. Bài học trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chỉ rõ: đoàn kết liên minh đi đôi với tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ. Độc lập, tự chủ, tự cường nhưng phải biết đoàn kết, liên minh rộng rãi, nếu không ta sẽ bị cô lập, nền độc lập tự chủ bị đe dọa. Mặt khác, đoàn kết, liên minh rộng rãi nhưng lại phải giữ vững độc lập, tự chủ thì đoàn kết liên minh mới vững vàng, trong sáng và bền vững. Nhận thức này không chỉ nỗ lực thực hiện ở Việt Nam, mà còn đối với quân và dân hai nước bạn: Lào và Campuchia. Với phương châm thêm bạn, bớt thù, ra sức tuyên truyền cho bạn bè quốc tế hiểu rõ tính chất chính nghĩa các cuộc kháng chiến của ta và lên án tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và can thiệp Mỹ, Đảng và Chính phủ ta, một mặt hết sức coi trọng chiến lược liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương, mặt khác mở rộng hoạt động đối ngoại, ngoại giao với quốc tế để tăng cường sức mạnh cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và của cả ba nước Đông Dương.

2. Liên minh Việt - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ

Thực hiện mưu đồ thay chân thực dân Pháp, ngay sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược ba nước ở Đông Dương, thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Đế quốc Mỹ xem Việt Nam là trọng điểm, ra sức phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, từng bước tiến hành xâm lược miền Nam, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với Lào, chúng sử dụng lực lượng phản động Lào đánh phá lực lượng cách mạng Lào, ngăn cản việc thành lập chính phủ liên hiệp với mưu đồ nắm chính phủ Vương quốc Lào, ngăn cản phong trào cách mạng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Với Campuchia, một mặt chúng lôi kéo chính phủ, mặt khác ra sức uy hiếp, phá hoại nền trung lập tích cực của chính quyền Xihanúc, lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của mình, nhằm cô lập cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Đế quốc Mỹ đã triển khai các chủ trương chiến lược liên quan chặt chẽ với nhau: Một là, cùng lúc xâm nhập, xâm lược cả ba nước với các biện pháp chiến lược khác nhau tùy theo tình hình, đặc điểm của từng nước, với những thời gian thích hợp. Hai là, lợi dụng vấn đề khác biệt về dân tộc, tôn giáo, các mối quan hệ lịch sử để lại để ra sức chia rẽ, cô lập từng nước nhằm khuất phục, đè bẹp từng nước, tiến đến thống trị cả ba nước. Ba là, dùng lãnh thổ nước này làm bàn đạp để uy hiếp, xâm lược nước khác, ngăn cản sự chi viện, hỗ trợ, phối hợp lẫn nhau giữa ba nước Đông Dương. Những chủ trương chiến lược của đế quốc Mỹ được tiến hành đồng bộ, đan xen và thường xuyên được rút kinh nghiệm bổ sung cho phù hợp với thời gian, không gian ở từng nước, cũng như ba nước.

 Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cả ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đều giành được độc lập, chủ quyền và được thế giới thừa nhận về pháp lý, có đường lối chính sách riêng. Cuộc vận động cách mạng ở mỗi nước do từng đảng tiến hành theo cương lĩnh của mình với sự phối hợp chung giữa ba đảng. Đặc biệt, sau Hiệp định Giơnevơ, tuy nhân dân ba nước đều giành được thắng lợi, nhưng mức độ có khác nhau. Việt Nam giải phóng được một nửa, miền Bắc đi lên xã hội chủ nghĩa, có điều kiện xây dựng mối quan hệ rộng rãi với các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, xây dựng và phát triển toàn diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là tiền đề, là gốc rễ cho mọi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước sau này. Lào có vùng tập kết, đảng, lực lượng vũ trang và các tổ chức cách mạng được thừa nhận là một lực lượng, một đối trọng để tiến tới tổng tuyển cử, thành lập chính phủ liên hiệp. Campuchia lúc này được công nhận độc lập, nhưng đảng, lực lượng vũ trang và các tổ chức kháng chiến trước đây không được thừa nhận là một thực thể tồn tại độc lập. Do đó, tình hình Campuchia chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Như vậy, các nước trên bán đảo Đông Dương khi bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đều ở trong tình hình phức tạp hơn so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sự phối hợp chiến đấu của lực lượng vũ trang Việt - Lào - Campuchia trên chiến trường Đông Dương tiếp tục củng cố và dành được những thắng lợi mang tính bước ngoặt, tạo ra thế và lực chiến lược trên toàn bộ chiến trường, từng bước làm thay đổi cục diện chiến tranh. Tiêu biểu có Chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963) tại Mỹ Tho, đập tan chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xạ vận”, báo hiệu sự thất bại của “chiến tranh đặc biệt”. Chiến thắng Bình Giã (05/01/1965) tiêu diệt toàn bộ binh đoàn dự bị chiến lược của địch chi viện cơ động trên chiến trường Đông Dương. Cùng với chiến thắng Ba Gia (31/5/1965) và Đồng Xoài (12/6/1965) quân và dân miền đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ào ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam, Chiến thắng đường 9 Nam Lào (31/3/1971) và Đông Bắc Campuchia đã đánh bại 2 cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, “Đường 9 Nam Lào” (01/1971), Cánh đồng Chum - Mường Sủi (4/1972), Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng (11/1972) v.v…Kết quả chiến đấu đã làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và đồng minh ở chiến trường Đông Dương.

Giai đoạn 1954 - 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với hai đảng bạn lãnh đạo nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đảng ta đã lãnh đạo đoàn kết Việt Nam với Lào và Campuchia tạo nên khối liên minh vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung mũi nhọn tổng lực vào kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Đây là nguyên nhân cơ bản đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đánh giá: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”[7]. Đây cũng là quy luật tồn tại, phát triển của ba nước, là những kinh nghiệm quý của cách mạng ba nước trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phối hợp chiến lược của mỗi Đảng.

3. Một số kinh nghiệm góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia

Một là, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng về đoàn kết, liên minh giữa Việt Nam - Lào - Campuchia, nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Lịch sử đấu tranh của ba dân tộc, đặc biệt từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin về cho cách mạng ba nước Đông Dương và thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đã chứng minh rằng: đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc là một quy luật phát triển của cách mạng ba nước, là nhân tố cơ bản quyết định để đánh bại mọi kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho mỗi nuớc. Đảng Cộng sản Việt Nam và hai …….đảng Lào, Campuchia đã nhận thức sâu sắc quy luật này. Đồng thời khẳng định ý nghĩa của sự đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương và nghĩa vụ của mình đối với cách mạng hai nước anh em. Sự đoàn kết, liên minh của ba nước được vun đắp bằng công sức, xương máu của bao thế hệ, từ liên minh chính trị, quân sự tiến lên liên minh toàn diện, trở thành nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng ba nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đoàn kết, liên minh chiến đấu là thành quả vĩ đại của nhân dân ba nước Việt - Lào - Campuchia. Đây không phải chỉ là vấn đề thực tế đã có, mà Đảng ta xem đó là một nguyên tắc bất di bất dịch, là lẽ sống của cách mạng mỗi nước. Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982) khẳng định: “Quan hệ đặc biệt Việt - Lào - Campuchia là một quy luật phát triển của cách mạng ba nước, là điều có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của ba dân tộc”[8].

Đoàn Tùy viên Quân sự Campuchia tham quan học viên đào tạo chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành cấp trung, sư đoàn luyện tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp trên sa bàn

Hai là, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc xác định mục tiêu, lựa chọn hình thức, nội dung đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia.

Độc lập, tự chủ là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một đảng mácxít đối với phong trào cộng sản quốc tế, vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh đất nước mình và thực tiễn cách mạng thế giới. Kinh nghiệm và thực tiễn cách mạng của Đảng cho thấy, khi nào giữ vững được tinh thần độc lập, tự chủ, thì chúng ta có sáng tạo trong đường lối, chủ trương và nhất định thành công. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định rõ chủ trương: cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Đoàn kết ba nước Đông Dương, đoàn kết các dân tộc bị áp bức là một bộ phận trong chiến lược đoàn kết quốc tế của Đảng. Vì vậy, Đảng luôn thực hiện đoàn kết quốc tế, đoàn kết các nước láng giềng trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nguyên tắc của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Với nhận thức: “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em!”[9], phát huy truyền thống quý báu trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ của ba dân tộc, từ nhận thức đúng đắn về đoàn kết, liên minh giữa ba nước Đông Dương, Đảng chủ trương phải kiên trì và đẩy mạnh sự đoàn kết, liên minh với nhân dân hai nước Lào và Campuchia trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, đồng thời giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, cùng nhau đoàn kết, liên minh chống kẻ thù chung, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của ba dân tộc.

Ba là, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đấu tranh phòng, chống tư tưởng nước lớn, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lợi ích chính đáng của nhau.

Cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào và cách mạng Campuchia đều là bộ phận của cách mạng thế giới, đồng thời lại ở thế liên hoàn với nhau trên bán đảo Đông Dương. Trong khi giải quyết những nhiệm vụ cách mạng nước ta, Đảng phải luôn luôn tính đến lợi ích cách mạng thế giới mà gần gũi nhất là lợi ích của hai nước Lào và Campuchia. Mọi khuynh hướng ích kỷ dân tộc không những làm thiệt hại đến lợi ích chung mà còn làm thiệt hại đến chính lợi ích của dân tộc mình. Trong sự đoàn kết liên minh chiến đấu ba nước, chúng ta phải tính đến lợi ích chung của cách mạng thế giới, không tách rời và đối lập lợi ích riêng với lợi ích chung, lợi ích bộ phận với lợi ích của toàn thể. Chỉ có bảo đảm được sự thống nhất và hài hòa này thì mới giành được thắng lợi vững chắc. Trong suốt quá trình hoạt động, Đảng ta là một đảng theo chủ nghĩa quốc tế chân chính.

Từ lúc mới ra đời, Đảng đặt sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp chung của cách mạng ba nước trên bán đảo Đông Dương và sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản trên thế giới. Riêng đối với hai nước bạn Lào và Campuchia, chúng ta nhận thức rõ nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần giải thích rõ quan niệm về sự giúp đỡ này là: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”. Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo phù hợp với xu thế phát triển của thời đại nên luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Đảng ta là đảng cầm quyền, không những có trách nhiệm đối với dân tộc mà còn có nghĩa vụ quốc tế. Chủ nghĩa quốc tế vô sản đòi hỏi phải phát huy tính năng động chủ quan, đề ra chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu cụ thể của đất nước, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của liên minh ba nước cũng như sự nghiệp cách mạng thế giới.

Bốn là, duy trì phát triển liên minh Việt - Lào - Campuchia trong phát triển đất nước phồn vinh, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước là vấn đề chiến lược.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kinh nghiệm về đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong hai cuộc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị to lớn. Tuy nhiên, tình hình ba nước hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ nhân dân ba nước tiến hành kháng chiến, nhất là ở Campuchia. Thế giới đang vận động trong những mối quan hệ phức tạp, đầy mâu thuẫn và tác động qua lại lẫn nhau. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của cách mạng nước ta. “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”[10].

Học viên Việt Nam - Lào - Campuchia tham gia chương trình giao lưu tiếng Anh tại Học viện Lục quân

Phát huy truyền thống đoàn kết, phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung, hợp tác phát triển đất nước thời bình của Việt Nam - Lào - Campuchia. Cùng với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 3 Đảng, 3 nhà nước. Sáng 09/10/2024, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã có cuộc làm việc. Tại cuộc gặp, ba Thủ tướng nhấn mạnh truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam - Campuchia - Lào là tài sản quý giá, là nền tảng phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đoàn kết, gắn bó giữa ba nước. Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ hợp tác ba nước. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư có bước chuyển mạnh mẽ. Các chương trình giao lưu nhân dân ngày càng phong phú. Hợp tác kênh Đảng giữ vai trò nòng cốt, định hướng quan hệ phát triển trên các bình diện khác nhau. Quyết tâm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của mỗi nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kinh nghiệm về đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong hai cuộc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị to lớn. Tuy nhiên, tình hình ba nước hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ nhân dân ba nước tiến hành kháng chiến, nhất là ở Campuchia. Đòi hỏi Đảng ta phải biết vận dụng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử về phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, về đoàn kết Việt Nam với Lào và Campuchia, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Tài liệu tham khảo

[1] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. CTQG. H.1996. tr.363-365.

[2] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. tr.313-315.

[3] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. tr.365.

[4] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. tr.366.

[5] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. tr.367.

[6] Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1950). ST. H.1986. t.1, tr.193.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, t.37, tr.475.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, t.43, tr.144.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.10, tr.558.

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2016, tr.313- 314.

 


Tác giả: HQT. Lê Sĩ Tiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?