• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.079
Tháng 12 : 4.189
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ thành quả cách mạng - bài học từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga

Nhắc tới thế kỷ XX, nhân loại hôm nay và mai sau chắc chắn sẽ không bao giờ quên một trong những đặc điểm nổi bật của thế kỷ này là chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng đã trở thành hiện thực với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) vĩ đại.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động đã có Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một Tổ quốc thực sự của mình. Với việc bảo vệ vững chắc thành quả sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, để từ đó trong một thời gian không dài, từ một nước tư bản trung bình, Liên Xô đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, là lực lượng chủ yếu cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, tạo điều kiện cho một loạt nước Ðông Âu và châu Á, sau đó là Mỹ La-tinh tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn quá trình bảo vệ thành quả cách mạng sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những bài học quý giá cơ bản sau:

Một là, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa là tất yếu, khách quan.

V.I.Lênin đã chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội không thể đồng thời thắng lợi trong tất cả các nước. Trước hết, giành thắng lợi trong một nước, hoặc trong một số nước, trong khi các nước khác, trong một thời gian dài nào đó, vẫn còn là những nước tư sản hay tiền tư sản. Tình trạng đó không chỉ gây ra những va chạm, mà còn làm cho giai cấp tư sản các nước khác trực tiếp muốn tiêu diệt giai cấp vô sản chiến thắng của nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, V.I.Lênin khẳng định: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”[1].

Lãnh tụ V.I.Lênin diễn thuyết ở Quảng trường Đỏ, Moscow năm 1917.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời ở một nước và tồn tại bên cạnh nhiều nước tư bản mạnh, các thế lực phản động trong nước đã cấu kết với giai cấp tư sản nước ngoài hòng đập tan Nhà nước Xô viết non trẻ, phục hồi chế độ tư bản. Hành động đó đã chứng minh sự đúng đắn của luận điểm cho rằng: “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[2]. Vì vậy, vấn đề bảo vệ thành quả cách mạng – bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan của cách mạng vô sản, là một trong những quy luật chung của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh tổng hợp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Trong điều kiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng –  bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chủ yếu phải chống lại sự tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động mưu toan lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa thì lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng phải là lực lượng của quần chúng lao động, của công – nông – binh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự tổ chức, quản lý của Chính quyền Xô viết. Thực tiễn sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin và những người Bônsêvích Nga đã quan tâm đến việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước Xô viết trong công cuộc phòng thủ đất nước, đồng thời, đã nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử: “Nước mạnh là khi nào quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hành động một cách có ý thức”[3]. Sức mạnh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ chính sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là sự giác ngộ của quần chúng nhân dân về tính tất yếu, về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống yên bình của chính họ.

Ba là, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn bó chặt chẽ với xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Chính quyền Xô viết do V.I.Lênin đứng đầu đã khẩn trương bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước, bằng việc ban hành hai sắc lệnh: Sắc lệnh về hoà bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Đồng thời với công cuộc xây dựng đất nước, ngay sau khi cách mạng thành công, thì việc bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Chính quyền Xô viết non trẻ, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc cũng được đặt ra một cách trực tiếp. V.I.Lênin viết: “Một khi chúng ta đã bắt tay vào công cuộc hoà bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình ra để tiến hành công cuộc đó không ngừng. Đồng thời,…hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo con ngươi trong mắt mình”[4].

Như vậy, cùng với việc tổ chức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một nhiệm vụ tất yếu, rất quan trọng là phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chống mọi âm mưu và hành động can thiệp, xâm lược, lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch. Đây là sự phản ánh cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp để giải quyết mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được đặt ra sau Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bốn là, chăm lo xây dựng quân đội kiểu mới –  lực lượng nòng cốt trong bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Theo V.I.Lênin, muốn bảo vệ được thành quả cách mạng phải có một đội quân kiên cường, vững mạnh để đảm bảo chủ quyền toàn vẹn cho quần chúng lao động và trừ bỏ mọi khả năng phục hồi chính quyền của bọn bóc lột. Vì vậy, Hồng quân xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân được thành lập. Hồng quân xã hội chủ nghĩa – quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, “đạo quân đó có nhiệm vụ bảo vệ những thành quả của cách mạng, chính quyền nhân dân của chúng ta, các Xô viết đại biểu công nông binh, toàn bộ chế độ mới thực sự dân chủ, chống tất cả mọi kẻ thù của nhân dân đang dùng đủ mọi cách để bóp chết cách mạng”[5]. Chú trọng xây dựng Hồng quân Công nông hùng mạnh không phải chỉ trong quá trình chiến tranh, mà ngay sau khi đánh bại hoàn toàn sự can thiệp của bọn đế quốc và thanh toán xong bọn Bạch vệ, đất nước chuyển sang thời kỳ hòa bình xây dựng. Vì vậy, “phải giữ cho Hồng quân của chúng ta trong thế sẵn sàng chiến đấu và tăng cường năng lực chiến đấu của Hồng quân lên”[6]. Xây dựng Hồng quân theo hướng một quân đội kiểu mới – cách mạng, chính quy, hiện đại.

Thực hiện chăm lo xây dựng quân đội kiểu mới – lực lượng nòng cốt trong bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa – Đảng Bônsêvích Nga (sau này là viết Đảng Cộng sản Liên Xô) và Nhà nước Xô viết đã tập trung các biện pháp phát triển nhanh chóng lực lượng Hồng quân, từ chỗ chỉ có khoảng 30 vạn người lúc mới thành lập, đến cuối năm 1918 đã nâng lên hơn một triệu người với các binh chủng: Bộ binh, kỵ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, không quân. Đồng thời, hệ thống các trường quân sự cũng được phát triển mạnh mẽ; đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ quân đội, trong đó nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc về quân sự và chính trị của các lực lượng vũ trang Xô viết, đóng góp quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần to lớn cứu nhân dân nhiều nước thoát khỏi họa diệt chủng của chủ nghĩa phát xít.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi, nhân loại đã chứng kiến biết bao sự biến cố thăng trầm. Nhưng những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga nói chung, bài học về bảo vệ thành quả cách mạng sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng vẫn tiếp tục toả sáng, soi rọi sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức nói chung, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng./.

Tài liệu tham khảo

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb CTQG, H. 2006, tr.165-166.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, H. 2005, tr.145.

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 23.

[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 368.

[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, H. 2005, tr.258.

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb CTQG, H. 2005, tr.159.


Tác giả: KMLNTTHCM. Trần Đình Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?