Kỷ niệm 79 năm Ngày Thành lập Binh chủng Công binh anh hùng (25/03/1946 - 25/03/2025)
Suốt chặng đường 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Công binh luôn được Đảng, Bác Hồ, Quân đội quan tâm xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Ngay từ buổi đầu Quân đội ta mới thành lập, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng Công binh phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34, quy định tổ chức Bộ Quốc phòng; trong các Cục chuyên môn có “Công chính giao thông cục”, tiền thân của Binh chủng Công binh ngày nay, đến năm 1965 phát triển thành Bộ Tư lệnh công binh. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mặc dù quân số ít, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng Bộ đội Công binh đã cùng với quân và dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm công binh, phá đồn bốt của địch trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến.
Lá cờ thêu bốn chữ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng bộ đội công binh
Để thực hiện tốt lời khen tặng của Bác Hồ, các đơn vị Công binh đã dấy lên phong trào thi đua mở đường tiến lên Điện Biên Phủ. Phong trào trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thôi thúc Bộ đội Công binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Còn mãi khắc ghi và đầy tự hào là hình ảnh các chiến sĩ công binh bất chấp hiểm nguy, can trường, gan góc dưới bom đạn của kẻ thù để làm đường, bắc cầu, ghép phà, xây dựng công sự trận địa, phá lô cốt địch; mưu trí, bền gan, quả cảm đào đường hầm sâu xuyên dưới hầm sở chỉ huy quân Pháp, đặt khối thuốc nổ gần 1.000 kg nhằm phá hủy hệ thống công sự, trận địa kiên cố của chúng trên đồi A1 và là hiệu lệnh cho tổng công kích. Trong khi đào hầm, các chiến sĩ công binh phải dùng cả ống thuốc tiêm để làm thước đo thăng bằng, dùng quạt nan để tạo dưỡng khí. Trong hầm thiếu ô-xy, nhiều chiến sĩ bị ngất xỉu, nhưng không ai nao núng tinh thần, tất cả đều quyết tâm đào xong đường hầm trong thời gian sớm nhất.
Trận đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh trên); Bác Hồ theo dõi trận đánh mở màn Chiến dịch Biên Giới (ảnh dưới)
Sau này, vào đầu năm 1966, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 239, 249 diễn tập bắc cầu phao qua sồng Hồng bằng khí tài hỗn hợp TPP và LPP tại bến Mễ Sở (Thường Tín, Hà Nội), chứng kiến cán bộ, chiến sĩ công binh dầm mình dưới nước bắc cầu phao trong điều kiện đêm tối, giá rét, trong thời gian ngắn chiếc cầu phao dài hơn 600m nối hai bờ Nam - Bắc sông Hồng hoàn thành. Bác đã cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi bộ qua cầu và dành thời gian trò chuyện với bộ đội, Bác ân cần căn dặn: “Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Mỗi ngày làm nhanh hơn một phút, ba phút, năm phút, dần dần rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt. Các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế, chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ lời căn dặn ấy, Binh chủng Công binh đã phát động phong trào thi đua rút ngắn thời gian mở đường, bắc cầu, bảo đảm vượt sông, xây dựng công sự trận địa trong các đơn vị, trên khắp các chiến trường chống Mỹ.
Đất nước thống nhất, Bộ đội Công binh tiếp tục là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom, mìn do chiến tranh để lại. Có thể khẳng định, Bộ đội Công binh là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, bởi sau những năm tháng chiến tranh, một lượng rất lớn bom đạn chưa nổ đang còn nằm sâu trong lòng đất. Những năm qua, Bộ đội Công binh đã cùng các địa phương tháo gỡ hàng vạn tấn bom, mìn, mang lại sự yên bình cho nhiều vùng đất rộng lớn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với nhiệm vụ trên, Bộ đội Công binh còn triển khai xây dựng, quản lý nhiều công trình phòng thủ, công trình chiến đấu trên khắp các vùng miền trong cả nước, từ đồng bằng, biên giới đến các vùng biển, đảo của Tổ quốc đều có dấu chân của những người lính Công binh anh hùng.
Bộ đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 13-12-2013, Binh chủng công binh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ hai.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh nói chung, cán bộ, giảng viên Khoa Công binh/Học viện Lục quân nói riêng đã và đang đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo lớp lớp cán bộ chỉ huy – tham mưu cấp lữ đoàn công binh cho toàn quân. Đây là những cán bộ nòng cốt của ngành, nhiều đồng chí phát triển lên cán bộ cấp cao của Đảng, nhà nước, quân đội và là người chỉ huy cao nhất của lực lượng công binh ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương.
Thành quả của lực lượng công binh đạt được, cũng là kết tinh của quá trình giáo dục đào tạo ở Học viện Lục quân đã đào tạo ra các thế hệ cán bộ có đủ đức, đủ tài để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Tự hào về truyền thống lực lượng công binh, chúng ta càng trân trọng và biết ơn đội ngũ cán bộ giảng viên ở Học viện Lục quân anh hùng và nguyện phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống Học viện Lục quân anh hùng./.
T.V.H