Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.421
Tháng 07 : 49.950
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (06/01/1946)

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới - dân chủ xã hội chủ nghĩa, là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử mang tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội của Nhân dân ta.

Ngay sau khi mới thành lập, Chính quyền Cách mạng của Nhân dân Việt Nam phải đối mặt với một tình thế hết sức hiểm nghèo.

Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước Độc lập và Tự do. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời, song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trái lại, các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc.

Dưới danh nghĩa quân Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, quân đội một số nước đế quốc đã kéo vào nước ta, gần 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16 và hàng vạn quân Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16.

Núp dưới bóng quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng.

Ngày 03/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống ...”

Ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tổng tuyển cử là dịp để toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đề có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, dân chủ, đoàn kết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh công dân số 1 bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa 1

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Người, ngày 06/01/1946, trong không khí phấn khởi, với tinh thần yêu nước nồng nàn, khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa, Nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cuộc bỏ phiếu tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở các cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Chỉ tính riêng những người làm công tác vận động, đã có hơn bốn chục cán bộ hy sinh anh dũng. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là “lá phiếu máu” vì nó thấm máu của những chiến sỹ đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa 1 

Trong đợt bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tính hợp pháp, dân chủ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trải qua 78 năm hình thành và phát triển, với 15 cuộc bầu cử, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tích nổi bật trong trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và cử tri, góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


Tác giả: KPB. Nguyễn Văn Trường
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?