Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Tháng 04 : 48.187
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những trở ngại khiến bạn gặp khó khăn khi học ngoại ngữ

Học ngoại ngữ là cả một quá trình rèn luyện và gặp không ít khó khăn. Không kiên trì, ngại nghe, ngại nói, không có phương pháp học linh hoạt và mặc cảm về bản thân…là những khó khăn gây trở ngại cho việc học ngoại ngữ của bạn.

Tư tưởng “cả thèm chóng chán”

Học ngoại ngữ không phải là công việc tẻ nhạt, song cũng không thể coi nó là một trò chơi hấp dẫn từ đầu đến cuối. Đối với học ngoại ngữ, ngữ pháp cần được giải thích kĩ càng và bài tập thực hành cần phải làm thường xuyên, liên tục. Người học rất cần thử sức mình bằng cách tự học. Ngoài ra cũng nên tìm một giáo viên có nhiều kinh nghiệm để có thể bày tỏ nguyện vọng của mình.

 

Các chuyên gia tâm lí cho rằng

Người học đừng bao giờ ảo tưởng vào một phương pháp siêu việt, nhờ nó ngoại ngữ tự động chảy vào đầu mình mà hãy tìm một phương pháp tốt nhất, phù hợp với tính cách của mình.

Những yếu tố như kiên nhẫn, cố gắng liên tục, duy trì tính kỉ luật cao, bao giờ cũng rất cần thiết.

Nếu như người học mắc bệnh “cả thèm chóng chán” thì không thể đạt tới mục tiêu đề ra. Ai đó đã nói câu: “Đối với một nữ diễn viên balê tồi thì cái gấu váy cũng là vật cản”. Câu nói này cũng có thể đúng với người học ngoại ngữ. Một khi không dám khắc phục khó khăn nhỏ mà chỉ lo bới lông tìm vết trong những nguyên nhân vụn vặt, thất bại là điều không tránh khỏi. Nên quan trọng nhất là xem lại động cơ học tập của mình và tạo ra hứng thú học hành.

Ngại nói

Việc một người có thể viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, ghép một động từ, hoặc hoàn thành một bài kiểm tra từ vựng không hoàn toàn quan trọng. Để học tiến bộ và có thể thực sự sử dụng ngoại ngữ, chúng ta cần phải nói chuyện.Nói chuyện bằng tiếng nước ngoài là một việc vô cùng khó khăn. Đặc biệt là đối với những người cầu toàn, luôn sợ bị người khác chê cười và sợ bị người khác hiểu lầm.

Bạn đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện mình nói như thế nào.

Đừng sợ mắc lỗi ngôn ngữ. Những lỗi về ngôn ngữ, ngữ điệu…của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều nếu bạn thường xuyên luyện nói và giao tiếp với mọi người xung quanh.

Bạn có thể sửa phát âm và ngữ điệu bằng cách:

Nghe nhiều lần, tự mình ghi âm lại và so sánh với cách phát âm gốc.

Không có gì phải mặc cảm với cách phát âm và ngữ điệu của mình khi có vấn đề. Ngữ điệu chuẩn, đó là kết quả của một quá trình lâu dài, nó có thể xuất hiện ở cuối chặng đường.

Không nghe đủ

Cũng như trẻ sơ sinh học để sản xuất ngôn ngữ bằng cách nghe và bắt chước âm thanh, người học ngoại ngữ cần phải luyện nghe để học. Điều này có thể củng cố vốn từ vựng và cấu trúc, đồng thời giúp học viên thấy được các thành phần trong ngôn ngữ.

Nghe là kỹ năng giao tiếp mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày nhưng sẽ có khó khăn khi thực hành kỹ năng nghe, trừ khi bạn sống ở nước ngoài hoặc tham dự các lớp học ngoại ngữ. Vậy giải pháp là thế nào? Bạn có thể tìm các bài hát, chương trình TV và các bộ phim nói bằng ngôn ngữ mà bạn đang học và lắng nghe, càng thường xuyên càng tốt.

Thiếu tò mò

Trong việc học ngoại ngữ, thái độ có thể là một yếu tố quan trọng trong việc một học viên tiến bộ như thế nào.Nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học về thái độ trong việc học ngoại ngữ cho thấy những người có thành kiến về nền văn hóa liên quan đến ngoại ngữ mà họ theo học thì thường kém trong việc học ngoại ngữ đó, ngay cả khi họ học trong nhiều năm như là một môn học bắt buộc.

Trong khi đó, một người học quan tâm về nền văn hóa liên quan đến ngoại ngữ mình học thì sẽ thành công hơn trong việc học ngoại ngữ. Những học viên tò mò về văn hóa sẽ dễ tiếp thu ngôn ngữ và cởi mở hơn với việc hình thành các mối quan hệ với người bản xứ.

Suy nghĩ cứng nhắc

Trong quá trình học ngoại ngữ, học viên sẽ gặp phải từ mới hàng ngày. Những học viên có thói quen hễ cứ nhìn thấy một từ mới là tra nghĩa từ trong từ điển thay vì đoán ý nghĩa từ ngữ cảnh có thể cảm thấy căng thẳng và mất phương hướng. Cuối cùng, họ có thể sao nhãng việc học ngoại ngữ vì thất vọng. Đó là một lối suy nghĩ khó phá vỡ, nhưng những bài tập nhỏ có thể giúp bạn dần thay đổi lối suy nghĩ này. Hãy tìm một bài hát hoặc văn bản trong ngoại ngữ mà bạn đang học và thực hành việc đoán ý chính, ngay cả khi có một vài từ bạn chưa biết.

Áp dụng một phương pháp học duy nhất

Một số học viên thoải mái nhất với kỹ năng nghe và nhắc lại. Một số người khác thì cần cuốn sách giáo khoa ngữ pháp để tìm hiểu ý nghĩa của tiếng nước ngoài. Mỗi phương pháp tiếp cận đều tốt, nhưng sẽ là một sai lầm khi bạn chỉ dựa vào một phương pháp.

Người học ngoại ngữ cần sử dụng nhiều phương pháp để thực hành các kỹ năng khác nhau và xem những khái niệm được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, sự đa dạng có thể tránh cho người học không bị mắc kẹt trong một lối mòn của việc học.

Khi lựa chọn một lớp học, học viên nên tìm kiếm một khóa học trong đó bạn có thể thực hành cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (đọc, viết, nghe và nói). Để tự học, hãy thử kết hợp dùng sách giáo khoa, các bài học âm thanh, và các ứng dụng học ngoại ngữ.

Mặc cảm về tuổi tác

Học ngoại ngữ ở bất cứ độ tuổi nào cũng không là quá muộn. Chỉ cần có ý chí là hoàn toàn có khả năng làm chủ các thứ tiếng. Nếu ai có mặc cảm về tuổi tác thì hãy chọn cho mình một lớp học mà học viên có lứa tuổi tương đương.

Đừng quá tập trung vào vấn đề tuổi tác

Đừng đi học ngoại ngữ với một tham vọng lớn. Hãy cố gắng coi việc làm này là một trò chơi và khai thác thật nhiều niềm vui từ đó

Hãy tìm kiếm phương pháp phù hợp với mình nhất và kiểm tra xem khi nào bạn nhớ được nhanh nhất. Nếu bạn là người có kĩ năng nghe tốt hơn các kĩ năng khác thì các cuộc thảo luận, đàm thoại sẽ tốt hơn đối với bạn.

Sốt ruột vì không thấy mình tiến bộ

Học ngoại ngữ 2 năm đã thấy sốt ruột thì đó là một sai lầm. Đơn giản học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài. Để nắm được một ngoại ngữ ở trình độ đọc báo thoải mái hoặc hiểu các đoạn đối thoại trong phim, người học cần nhiều thời gian hơn thế. Vì vậy:

Đừng vội đổ lỗi cho năng khiếu ngoại ngữ của mình.

Đừng gói gọn việc học trong những giờ lên lớp và đừng vội từ bỏ đọc sách.

Không nên đặt cho mình một “mức xà” quá cao.

Chủ nghĩa cầu toàn là cái cần khắc phục.

Sự chăm chỉ và ý chí sắt đá cần hơn bao giờ hết.

Đừng quá tập trung vào hiệu quả vì ở giai đoạn đầu học tập, sự tiến bộ thường là nhanh nhất, còn giai đoạn sau đó, với thời gian –sẽ chậm dần.

Xác định tư tưởng rằng “Mọi thứ đều cần phải có thời gian!”

Thanh Loan sưu tầm, tổng hợp./.)


Tác giả: KTHNN. Nguyễn Thị Thanh Loan
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?