Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 143
Tháng 04 : 48.288
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới kỷ niệm 74 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2020)

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống anh hùng bất khuất của những người Việt Nam yêu nước; cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức lực, trí tuệ của người Việt Nam với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; đồng thời, là bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát về tư tưởng, quan điểm, đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đánh giặc lâu dài, tự lực, tự cường và nhất định giành thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mới ra đời thì ngày 23/ 9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, đây là màn mở đầu của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2 của thực dân Pháp. Ngọn lửa chiến tranh nhanh chóng lan rộng khắp vùng Nam Bộ và Nam Trung bộ. Cùng thời gian đó, 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào miền Bắc, kéo theo bè lũ tay sai phản động hòng bóp chết nền Dân chủ Cộng hòa mới thành lập của chúng ta. Trước tình hình nguy ngập của vận nước, Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 25/11/1945) chỉ ra kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nước Việt Nam cần hòa bình để kiến thiết đất nước, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì để giải quyết mối quan hệ bang giao hòa bình và hợp tác với Chính phủ Pháp. Việt Nam đã phải nhân nhượng khi kí Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.

Hiệp định Sơ bộ vừa được kí kết đã bị thực dân Pháp phản bội. Quân Pháp tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung  Bộ, chúng trắng trợn phá hoại làm cho các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp không đạt được kết quả. Chúng tự lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị” ngày 01/6/1946 và liên tiếp tổ chức các cuộc hành binh lấn chiếm ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ nhằm tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam thống nhất.

Đầu tháng 2/1946, tình hình càng nghiêm trọng hơn, thực dân Pháp tăng thêm quân, chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng và Hải Dương, đưa thêm viện binh đến Hải Phòng mở rộng đánh chiếm Đồ Sơn và liên tiếp gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích quân ta tại Hà Nội.

Trước tình hình đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì tìm cách duy trì hòa bình, tránh chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ lập trường của Việt Nam rằng: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình… Chúng tôi không muốn chiến tranh… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm... Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm và cuộc chiến tranh sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy. Cả nước Pháp và nước Việt Nam đều không phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại và nếu phải kiến thiết trên một đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”.

Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi đến các nước thành viên của Liên hợp quốc nêu rõ thiện chí hòa bình và ý chí quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và để “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”. Song, mọi cố gắng của chúng ta đều vô hiệu, quân đội Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi ở Hà Nội, chúng cho xe phá các công sự của ta và gây ra nhiều vụ tàn sát đẫm máu.

Ngày 18/12/1946, tướng Mooclie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính và ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại vật trên đường phố, để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an tại Hà Nội. Chúng tuyên bố, các yêu cầu trên nếu không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng ngày 20/12/1946, chúng sẽ chuyển sang hành động. Tình thế khẩn cấp đòi hỏi phải có một sự lựa chọn lịch sử, một quyết định chiến lược để xoay chuyển vận mệnh đất nước. Độc lập, tự do hay nô lệ. Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại kiếp nô lệ. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ nhất định không chịu mất độc lập, tự do. Phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do ấy.

Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng bằng Chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc đã được phát ra, đèn điện toàn thành phố vụt tắt, quân dân Thủ đô đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc, bầu trời Hà Nội rền vang tiếng súng, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được truyền đi khắp cả nước. Người kêu gọi:

“Hỡi đồng bào toàn quốc.

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

Đáp Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân cả nước, muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

Những ngày cuối tháng 12 năm 1946, hàng vạn đồng bào ta đã tản cư ra vùng ven đô, nơi địch tấn công dữ dội. Nhân dân vùng ven đô đã nhường nhà cửa, đồ dùng gia đình, sẵn sàng đón tiếp đồng bào về tản cư. Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo tăng cường củng cố lực lượng vũ trang, thành lập các đội “cảm tử” và tổ chức các trận địa phòng ngự, đào hàng trăm công sự chiến đấu. Mọi công việc tổ chức trận địa, chuẩn bị chiến đấu đã cơ bản hoàn thành…

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, thúc giục cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí sẵn có, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; thể hiện quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định giành thắng lợi. Hiện nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, đặc biệt bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mặc dù đã 74 năm trôi qua, nhưng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vang mãi đến hôm nay như bản hùng ca bất diệt của cả dân tộc, phát huy truyền thống của những người Việt Nam yêu nước; cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức lực, trí tuệ của người Việt Nam với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Âm vang của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. 

Toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên và chiến sỹ Học viện Lục quân hôm nay luôn nhận thức sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không ngừng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đó cũng chính là hành động thiết thực góp phần xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện.

L.T.B


Tác giả: KCHTM. Lê Thanh Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?