Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 989
Tháng 07 : 49.518
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không bản hùng ca bất diệt thời đại Hồ Chí Minh

Cách đây 51 năm (tháng 12/1972), cả thế giới chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” của không quân chiến lược Mỹ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Sự kiện này đã từng làm chấn động dư luận thế giới. Chiến thắng “12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không” là minh chứng hùng hồn cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản hùng ca bất diệt thời đại Hồ Chí Minh.

Sau khi Hội nghị Paris rơi vào bế tắc và đổ vỡ, đế quốc Mỹ mở Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II (cứu bóng trước khung thành) hay chúng ta còn được biết đến là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Chiến dịch diễn ra từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972. Đây là chiến dịch cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam, để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trước nguy cơ phá sản; nhằm đưa Miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”, buộc chúng ta phải chấp nhận những điều khoản có lợi về phía Mỹ đã đưa ra trong Hiệp định Paris.

Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay B-52, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở Miền Bắc. Đây không chỉ là những cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam mà còn là một trong những cuộc tập kích đường không có quy mô và cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh tính đến thời điểm đó. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến năm 1971.

Sớm dự đoán được ý đồ của Mỹ, từ năm 1967 Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn gì B-52 cũng đưa ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ tầm nhìn chiến lược ấy của Đảng và Bác Hồ, bộ đội phòng không-không quân và quân, dân Thủ đô sớm có quyết tâm chiến đấu, chuẩn bị mọi tình huống và kế hoạch tác chiến để đối phó khi B-52 đánh phá. Tập trung cao nhất lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải phòng; đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ. Sử dụng các đơn vị tên lửa phòng không tập trung hoả lực tiêu diệt B-52; các đơn vị pháo phòng không tập trung đánh máy bay cường kích, bổ nhào và bay thấp bảo vệ các mục tiêu trọng điểm và trận địa tên lửa; không quân sử dụng lực lượng nhỏ, bí mật, bất ngờ đánh từ bên sườn, phía sau và chặn đánh B-52 ngoài vùng hỏa lực tên lửa và pháo phòng không; các đơn vị ra-đa kịp thời phát hiện mục tiêu từ xa, thông báo nhanh, chuẩn xác; các đơn vị dân quân, tự vệ tập trung đánh máy bay bay thấp, theo dõi bắt phi công nhảy dù.

Từ việc tạo lập thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, có trọng điểm; hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ,  vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các phương pháp tác chiến, hình thức chiến thuật; tổ chức, sử dụng và bố trí các lực lượng phòng không, không quân hợp lý… ngày 18 tháng 12 năm 1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo. Đặc biệt trong trận then chốt quyết định đêm ngày 26 tháng 12, chúng ta đã bắn rơi 8 máy bay B-52. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B-52 của Mỹ làm nên chiến thắng lẫy lừng. Giới phân tích cho rằng, nếu tốc độ B-52 bị bắn rơi được duy trì như vậy thì chỉ trong vòng vài tháng không quân Mỹ sẽ mất sạch B-52. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đến ngày 30 tháng 12, Mỹ thừa nhận thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội, buộc chúng phải kết thúc chiến dịch không điều kiện, chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27 tháng 12 năm 1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết; Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết không dính lứu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ về nước.

Ảnh: Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội năm 1972

Thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa to lớn và một số bài học kinh nghiệm quý báu.

Một là, đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh của địch, bảo đảm sự chủ động về mọi mặt để đối phó thắng lợi khi tình huống xảy ra.

Hai là, kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng tinh thần chủ động, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, toàn dân ta.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến đấu, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân, trong đó lấy lực lượng phòng không - không quân làm nòng cốt.

Bốn là, tận dụng sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Đã 51 năm trôi qua nhưng âm hưởng bản hùng ca bất diệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng mãi. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không những thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ kính yêu mà còn thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

N.Đ.T


Tác giả: KQC. Nguyễn Đức Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?