• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.197
Tháng 12 : 4.307
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị hòa bình của Hiệp định Paris năm 1973

Sau gần 5 năm đàm phán, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đã ghi dấu mốc quan trọng về nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, đặc biệt là giá trị hòa bình do Hiệp định mang lại đối với cách mạng Việt Nam và nhân dân toàn thế giới.

Trở lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược những năm 70 của thế kỷ XX, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, nhất là sách lược “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa nhu, vừa cương” trên bàn đàm phán, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong quá trình đàm phán với đế quốc Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở nước ta. Hiệp định Paris được ký kết đã đi vào lịch sử, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, đúc kết nên những bài học quý báu, nhất là trên lĩnh vực ngoại giao, sớm xây dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trong quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, qua đó đã lan tỏa giá trị hòa bình không chỉ đối với Việt Nam, mà còn ảnh hưởng trên phạm vi thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/01/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp).

Vào năm 1968, mặc dù chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng Cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo điều kiện cho Đảng ta chủ trương tiến hành đàm phán và ký kết một hiệp định với Mỹ và các bên có liên quan về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vì vậy, ngày 03/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ để xác định việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm đi tới giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam. Với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, đế quốc Mỹ luôn tìm mọi cách để trì hoãn cuộc đàm phán, nhưng khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, chấm dứt chiến tranh để “hai bên đều bớt hy sinh, đổ máu” và xử lý khôn khéo, chính phủ ta đã đề xuất đàm phán tại thủ đô Paris của Pháp, đây là một đề xuất hợp tình, hợp lý, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán trong thế bị động từ tháng 5/1968. Đây là kết quả bước đầu để cách mạng nước ta hướng tới thực hiện giá trị hòa bình của Hiệp định Paris.

Quá trình đàm phán để đi đến ký kết hiệp định Paris là quá trình đấu tranh kiền trì, khôn khéo, bền bỉ và là cuộc “cân não” giữa một bên là đại diện cho chính nghĩa, ý chí, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta với một bên là nhà cầm quyền Mỹ vô cùng hiếu chiến, ngoan cố, tráo trở và lật lọng. Bằng chứng là, một mặt Mỹ chấp nhận đàm phán với ta, nhưng mặt khác chúng tiếp tục gia tăng các chiến lược quân sự, leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút quân “nhỏ giọt”, kéo dài chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, lừa gạt dư luận Mỹ và thế giới, nhằm tạo ra nhằm tạo ra một thế mạnh trên bàn đàm phán, hòng áp đặt những điều kiện bất lợi cho ta trong quá trình đàm phán. Nhưng giá trị của hòa bình, của chính nghĩa đã từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đàm phán, như: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp toàn bộ 10 điểm nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết và không điều kiện quân Mỹ cùng chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam tự quyết định chế độ chính trị của mình. Cùng với đó là đề nghị 7 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, tạo nên sức mạnh của Việt Nam trên tất cả các mặt trận, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao, trực tiếp là trên bàn đàm phán. Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam gửi cho Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”, nhưng phía Mỹ đã tráo trở và lật lọng, viện dẫn lý do là chính quyền Sài Gòn đòi sửa bản dự thảo, làm cho cuộc đàm phán tưởng chừng rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, thất bại thảm hại của Mỹ trong 72 ngày đem trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã làm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lực lượng ngụy quyền hiếu chiến bị giáng một đòn chí mạng về quân sự và phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng như ngay trong nước Mỹ, buộc chúng tiếp tục phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Với mục tiêu lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh và thắng lợi to lớn về quân sự, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững những nội dung của dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” và buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/01/1973. Việc ký kết Hiệp định Paris không chỉ góp phần vào thắng lợi của đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Đảng ta, mà còn thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam “trong danh dự”, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris được ký kết là nguồn cổ vũ, động viên toàn dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến, thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những giá trị hòa bình trong Hiệp định Paris không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, mà còn tạo điều kiện để tăng cường tình đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trên bàn đàm phán Paris và lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ngay ở nước Mỹ, phong trào chống chiến tranh Việt Nam đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia với các khẩu hiệu đấu tranh đều đòi nhà cầm quyền Mỹ phải rút nhanh và rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đây là cơ sở để phát huy sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai giành thắng lợi hoàn toàn, thực hiện giá trị hòa bình thực sự cho nhân dân Việt Nam.

Mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết cách đây 51 năm, nhưng những bài học kinh nghiệm về ngoại giao và giá trị hòa bình vẫn vẹn nguyên tính thời sự đối với việc xác định và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”, “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”(1) để phát triển đất nước. Đặc biệt, kế thừa và phát huy giá trị hòa bình trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris năm 1973, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, xây dựng trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” - “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tinh thần, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam (2), nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

--------------------

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.161-162.

(2). Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.184.


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Sỹ Họa
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?