Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc Quy định số 37-QĐ/TW, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Những điều đảng viên không được làm”
Ngày 25/10/2021, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (khóa XIII) ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều Đảng viên không được làm” (3) (sau đây gọi là Quy định số 37), nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa XIII
Thế nhưng, với thái độ hằn học, dã tâm thâm độc, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã đưa ra những lời lẽ xuyên tạc, với thủ đoạn “kẻ tung, người hứng”. Một số đài báo nước ngoài và các trang mạng xã hội, như: “Việt Tân”, “Việt Nam thời báo”, “Tiếng dân”… đã dùng những luận điệu dối trá để dẫn dắt dư luận rằng: “Quy định số 37 là không cần thiết, lấn sân sang cơ quan hành pháp; vì những điều trong Quy định số 37 pháp luật cũng cấm rồi, chỉ những đảng viên đứng trên pháp luật, nằm ngoài pháp luật thì mới cần quy định này”. Thực chất, những luận điệu xuyên tạc trên nhằm mục đích hạ thấp vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của Quy định số 37; phủ nhận những thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo ra tình trạng “tự diễn biến tư tưởng” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân; đồng thời, gây dư luận tiêu cực để hạ thấp uy tín của Đảng với động cơ đen tối, nhằm chống phá Đảng ta. Do đó, chúng ta cần khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc Đảng ta ban hành Quy định số 37 về “Những điều đảng viên không được làm” là rất cần thiết, mang tính cấp bách bởi một số lý do sau đây:
Thứ nhất, quy định về kỷ luật Đảng là công việc hệ trọng, nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng; góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng ngừa “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (4).
Thứ hai, sau 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 về “Những điều đảng viên không được làm” (2) đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng và việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, một số nội dung trong Quy định số 47 đã xuất hiện những bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên hiện nay. Chính vì vậy, việc Đảng ta ban hành Quy định số 37 thay thế Quy định số 47 là để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ ba, Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) được ban hành chính là cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”…
Như vậy, việc Đảng ta ban hành Quy định số 37 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những luận điệu bóp méo sự thật của các thế lực thù địch cho rằng: “Đảng đang suy yếu và rệu rã nên phải ban hành Quy định số 37”.
Ngoài những luận điệu chống phá trên, các thế lực thù địch còn công kích, xuyên tạc vào một số điểm mới bổ sung trong Quy định. Đáng chú ý, tại Điều 3 đã quy định: “Cấm đảng viên phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”. Các thế lực thù địch cho rằng: “việc Đảng ta bổ sung điều này chứng tỏ Đảng đang đứng bên bờ suy vong, chế độ sắp suy tàn do sự tha hóa biến chất của cán bộ, đảng viên”. Điển hình như đối tượng Nguyễn Huy Vũ cố tình suy diễn rằng: “mục đích duy nhất hiện nay của đảng viên chỉ vì lợi ích vật chất và địa vị; đã qua rồi cái thời mà người ta tham gia vào Đảng Cộng sản vì lý tưởng thơ ngây”. Đây là những luận điệu phản động, thù địch, nhằm ý đồ quy chụp, phủ nhận bản chất cách mạng của Đảng ta. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, nên mỗi quần chúng ưu tú khi vào Đảng đều phải phấn đấu, rèn luyện vì mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định, trung thành với nền tảng tư tưởng, chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Vì vậy, việc bổ sung, phát triển quy định trên là yêu cầu, đòi hỏi khách quan trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị.
Trong Điều 9 của Quy định số 37, Đảng ta cấm: “… đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Bằng sự suy diễn vô căn cứ, nhìn nhận vấn đề phiến diện, các thế lực thù địch cho rằng: “việc cấm đảng viên mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài là vi phạm quyền công dân mà Hiến pháp Việt Nam đã quy định”; chúng viện dẫn một số vụ tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên để đánh đồng hiện tượng tham nhũng là bản chất của chế độ ta, nên Đảng mới bổ sung điều cấm này vào Quy định. Chúng ta thấy rõ, luận điệu trên của các thế lực thù địch đã cố tình lờ câu cuối của điều này, đó là: “trái quy định của pháp luật, trái quy định của Đảng” để công kích, chống phá.
Tại Điều 1, Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Đảng viên làm kinh tế tư nhân” đã nêu rõ: “Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải trực tiếp tham gia lao động; có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm…” (1). Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng ta là động viên, khuyến khích mọi công dân Việt Nam; trong đó, có đội ngũ đảng viên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, làm giàu đúng pháp luật. Hơn nữa, trong thực tế, chỉ những đảng viên tha hóa, thiếu niềm tin, thiếu trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân mới nhập quốc tịch nước ngoài; những đảng viên chuyển tiền ra nước ngoài là biểu hiện cho sự suy thoái, phải làm như vậy để che đậy tài sản làm ăn phi pháp. Vì thế, đây là điều cấm thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Có thể khẳng định, Quy định số 37 ra đời được ví như “chiếc gương” để mỗi tổ chức đảng, đảng viên “tự soi, tự sửa”, không để mình bị tha hóa, biến chất. Thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm trong Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) sẽ góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Để phòng, chống, đấu tranh có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; trước hết, mỗi cơ quan, đơn vị cần quản lý, nắm chắc tình hình hoạt động trên các trang mạng xã hội; chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa với những luồng dư luận trái chiều. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị nắm chắc và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 37, gắn với vạch trần tính chất nguy hiểm của chiêu trò thổi phồng mặt trái, khuyết điểm mà các thế lực thù địch đang tiến hành, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam nói chung, chống phá Đảng ta nói riêng.
Đối với mỗi cá nhân, nhất là những người tham gia mạng xã hội cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không “nối giáo cho giặc”. Trước mọi thông tin cần có nhãn quan chính trị rõ ràng; nhìn nhận vấn đề phải khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển; phân tích thông tin một cách đa chiều, tìm ra bản chất của vấn đề, tránh mắc mưu địch. Khi tiếp cận thông tin, cần phải phân biệt được: đâu là thông tin chính thống; đâu là những thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động; tuyệt đối không chia sẻ những thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội; kiên quyết phê phán, đấu tranh để bảo vệ cái đúng, loại trừ cái sai trái, tiêu cực. Đó chính là biện pháp hữu hiệu để mỗi cán bộ, đảng viên tự miễn dịch trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch.
N.T.H
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 về “Đảng viên làm kinh tế tư nhân”, Hà Nội, 2006.
2. Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 về “Những điều đảng viên không được làm”, Hà Nội, 2011.
3. Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về “Những điều đảng viên không được làm”, Hà Nội, 2021.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.260.