Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 917
Tháng 07 : 49.446
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bàn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi cán bộ, giảng viên, công nhân viên, hạ sỹ quan, chiến sỹ (cán bộ, chiến sỹ).

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cơ quan, đơn vị trong Học viện nhằm làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ, từ đó tạo cho mọi người có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật. Đây là việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng. 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng được thể hiện cụ thể qua các vấn đề sau:

Một là, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân; vì vậy, thực hiện pháp luật là thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Phổ biến, giáo dục pháp luật tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị, hình thành ở mọi người những hiểu biết nhất định về chính trị đồng thời trong quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng có sự đan xen những nội dung, quan điểm pháp lý nhất định.

Hai là, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hình thành niềm tin pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sỹ

Với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của cán bộ, chiến sỹ. Trước hết, các hoạt động này tạo ra sự quan tâm đối với pháp luật, từ đó tạo dựng niềm tin vào pháp luật. Khi đã có niềm tin, cán bộ, chiến sỹ sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng các quy định của pháp luật. Không những thế, họ còn có ý thức phê phán, lên án những hành vi vi phạm, đi ngược lại với các quy định của pháp luật, từ đó biết cách áp dụng pháp luật một cách hữu hiệu trong cuộc sống.

Ba là, phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật

Việc thực thi và chấp hành pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của cán bộ, chiến sỹ. Pháp luật chỉ có thể có hiệu lực và đi vào cuộc sống khi nó được mọi cán bộ, chiến sỹ tự giác tuân thủ, chấp hành. Trong thực tế, không phải lúc nào việc chấp hành pháp luật cũng trở thành ý thức tự nguyện. Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật là hình thành ý thức pháp luật, góp phần giúp mỗi người nhận ra tính công bằng của pháp luật, chấp hành pháp luật trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của bản thân, mà không phải do miễn cưỡng phải chấp hành do lo sợ bị trừng phạt.

Tóm lại, phổ biến, giáo dục pháp luật tạo điều kiện cho việc nâng cao hiểu biết pháp luật, văn hóa pháp lý của cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, sự phát triển của văn hóa pháp lý cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị. Hiệu quả tác động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phụ thuộc vào sự gương mẫu chấp hành của cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị; phụ thuộc vào việc cơ quan, đơn vị thực thi đúng pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật. Bởi vậy, thực hiện nhiệm vụ nâng cao văn hóa pháp lý đòi hỏi không chỉ nâng cao trình độ văn hóa chung của cán bộ, chiến sỹ mà còn phải tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho độ ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật là do trình độ văn hóa pháp lý của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ còn thấp.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để mọi cán bộ, chiến sỹ được tham gia tích cực vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tăng cường dân chủ cũng có nghĩa là mở rộng sự tham gia của cán bộ, chiến sỹ vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, thực hiện quyền dân chủ trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị theo đúng quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy định của pháp luật.

Ở Khoa Hậu cần – Kỹ thuật, Chi ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư chi bộ lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Được thể hiện qua việc tổ chức cho cán bộ, giảng viên trong Khoa tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật do Học viện tổ chức; trực tiếp duy trì ngày pháp luật trong tháng để quán triệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Chi ủy, chỉ huy khoa và cán bộ bộ môn cùng toàn thể giảng viên trong khoa thường xuyên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân, gia đình thường xuyên chấp hành nghiêm mọi chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cùng với các quy định của Học viện và quy định ở khu dân cư./.

V.V.T

Tài liệu tham khảo: “Tài liệu kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân”, Bộ Quốc phòng, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2023.


Tác giả: KHCKT. Vũ Văn Thông
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?