Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 613
Tháng 07 : 49.142
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh hùng A Lăng Bhuôch

Anh hùng, liệt sĩ dù trong thời chiến hay thời bình đều là những tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, lối sống, họ đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với thế hệ của chúng tôi ngày hôm nay, các anh hùng, liệt sĩ là nguồn cảm hứng vô hạn để chúng tôi nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, noi gương truyền thống cha anh. Trong số rất nhiều người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Việt Nam, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc đôi nét về người anh hùng khiếm thị A Lăng Bhuôch, người đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, về nghị lực phi thường “tàn nhưng không phế”.

A Lăng Bhuôch sinh năm 1931, ở làg A Rứt, xã A Vương, huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang), tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ của ông chịu nhiều thiệt thòi. Năm ông lên 9 tuổi, hai mắt bị đau kéo dài, ông được thầy lang nhỏ một loại nước dã từ loại rễ cây rừng, nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng, đôi mắt cứ mờ dần cho đến khi ông vĩnh viễn không còn được thấy ánh sáng. Khi giặc Mỹ dùng máy bay oanh tạc, tàn phá bản làng, ông và đồng bào của mình phải chạy vào rừng lánh nạn. Khi biết dân làng mình gùi đạn, lương thực cho bộ đội đánh giặc, ông cũng háo hức muốn được tham gia, nhưng mọi người đều tỏ ra lo ngại cho một người mù hai mắt như ông khó có thể đảm đương công việc nặng nhọc này, nhất là phải lội suối, leo đèo. A lăng Bhuôch đã khảng khái mà nói: cái mắt mình chết, nhưng mình không chết. Ngày với mình cũng là đêm thôi, mình còn gùi được cả ban đêm nữa. Không cho mình đi, nếu giặc đến nó có tha cho người mù như mình không? Chính lý lẽ đó mà ông đã thuyết phục được mọi người để cùng tham gia đoàn dân công tải đạn.

Những ngày đầu chưa quen, ông vác hàng nặng 30kg, không theo kịp mọi người, nhưng ông không bỏ cuộc. Với sự trợ giúp duy nhất của cây gậy gỗ trong tay, gùi hàng trên lưng ông đã hòa mình cùng hàng trăm đồng bào các dân tộc vượt suối, băng đèo vận chuyển hàng hóa, lương thực từ trạm A Rớt, xã A Nông (Tây Giang) về các hướng theo yêu cầu chiến đấu của bộ đội. Đến năm 1963, ông bắt đầu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, súng đạn. Thời gian này, ông phục vụ liên tục tại tuyến hành lang trong suốt 13 tháng. Cuối năm 1966, ông được điều động vào Đoàn Trường Sơn thuộc Quân khu 5, phục vụ tại kho vũ khí số 13. Năm 1967, ông được điều về Trạm kho 31 tại hang Khỉ, ranh giới giữa huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trên cung đường này, ông đã gắn bó 3 năm, liên tục tham gia gùi, cõng rất nhiều chuyến hàng (trung bình mỗi chuyến từ 50 đến 80kg vũ khí hoặc lương thực được vận chuyển trên đôi vai người “lính mù” gày gò nhưng ý chí phi thường ấy). Ông từng gùi 2 đầu đạn tên lửa điều khiển A12, nặng gần 100kg, ông được ghi nhận thành tích, tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn Miền và được báo cáo điển hình tại nhiều đơn vị quân đội.

Từ năm 1958 đến 1972, ông đã vận chuyển được khoảng 180 tấn hàng hóa các loại (trong đó có khoảng 120 tấn vũ khí). Một con số ấn tượng, nói lên bao khát khao cháy bỏng của ông được đóng góp công sức cùng đồng bào và bộ đội đánh giặc. Mắt ông tuy mù, nhưng những viên đạn ông đã tiếp vận cho bộ đội đã vạch đường chính xác tiêu diệt quân thù. Để ghi nhận những công lao phi thường của ông, ngày 26 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1096/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí A Lăng Bhuôch vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí A Lăng Bhuôch vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Người anh hùng ấy đã để lại tuổi trẻ của mình trên các cung đường vận tải, khi về già dù bệnh tật, đi lại khó khăn ông vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan, khí chất bất khuất của người cựu dân công, người con của buôn làng A Rứt. Khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn mang theo 2 kỷ vật gắn bó với ông trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất đó là cây gậy gỗ và cây đàn Tâm Brê đã mòn bóng theo thời gian. Với ông, gậy là “con mắt” rò đường, đàn Tâm Brê là tâm tình, là linh hồn của người Cơ Tu. Sau này, hai kỷ vật đó đã được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là hình ảnh sống động của người anh hùng huyền thoại, phi thường mà mỗi bước chân của ông vẫn còn như “in dấu” trên những cung đường tải đạn giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Trái tim của Anh hùng A Lăng Bhuôch đã ngừng đập vào một ngày cuối Xuân năm 2016, những bước chân đầy nghị lực của ông đã dừng lại, nhưng ngọn lửa và lòng nhiệt huyết mà ông để lại cho đời sẽ cháy mãi, truyền khát vọng cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

T.T.T


Tác giả: KCD. Trịnh Tiến Thành
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?