Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.063
Tháng 04 : 61.941
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: “các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và xây dựng tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Trong Hiến pháp 2013 có một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn thực hiện Công ước chống tra tấn, các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cùng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân, được coi là một bước tiến nữa của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

1. Bối cảnh ra đời ra đời của Công ước Chống tra tấn

Năm 1946, các quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc nhất trí thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ghi nhận các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục… Trên cơ sở Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế cũng được ban hành, trong đó có ghi nhận quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người như Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Công ước của Châu Âu về nhân quyền năm 1950…

Đến năm 1966, Liên Hiệp quốc thông qua 02 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người là Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục được nhắc lại tại Điều 7 Công ước ICCPR.

Nhận thức được tầm quan trọng của quyền không bị tra tấn hay ngược đãi ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua một văn kiện riêng về quyền này với tên gọi “Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”  (sau đây gọi là Tuyên bố về chống tra tấn). Ngay sau khi thông qua Tuyên bố về chống tra tấn, ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua Nghị quyết số 3453 (XXX) yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền (Commission on Human Rights)  tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến “tra tấn” và thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chống tra tấn. Hai năm sau đó, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết số 36/62 yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền xây dựng dự thảo Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi là Công ước Chống tra tấn) trên cơ sở các nguyên tắc đã được quy định bởi Tuyên bố về chống tra tấn.

Để thực hiện các Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, hai Nhóm làm việc đặc biệt đã được thành lập để thảo luận và xây dựng dự thảo Công ước Chống tra tấn. Dự thảo Công ước Chống tra tấn được giới thiệu lần đầu bởi Thụy Điển và được gửi để Nhóm làm việc thứ hai xem xét, thảo luận vào năm 1978. Dự thảo Công ước Chống tra tấn này tiếp tục được Nhóm công tác sử dụng để thảo luận, chuyển tới các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc và đệ trình lên Hội đồng kinh tế, văn hoá và xã hội Liên Hiệp quốc (ECOSOC) để lấy ý kiến. Ngày 24/5/1984, Hội đồng ECOSOC đã chấp thuận cho phép trình dự thảo Công ước Chống tra tấn lên Đại hội đồng Liên Hiệp quốc để chờ thông qua.

Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Công ước được để mở cho các quốc gia tham gia ký kết.

Ngày 26/6/1987, sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn của quốc gia thứ 20, Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực theo quy định của khoản 1 Điều 27 Công ước. Đến nay, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên. Liên Hiệp quốc chọn ngày có hiệu lực của Công ước là ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn hàng năm.

Trong quá trình thực thi Công ước, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc cũng thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Chống tra tấn ngày 18/12/2002 (viết tắt là OPCAT) theo Nghị quyết số 57/199. Nghị định thư OPCAT có hiệu lực từ ngày 22/6/2006 thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế phòng ngừa tra tấn thông qua các chuyến thăm của các cơ quan quốc tế độc lập, các tổ chức trong nước đối với các cơ sở giam giữ. Nghị định thư OPCAT cũng thành lập một tiểu ban về phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác để thực hiện các chuyến thăm và hỗ trợ các quốc gia thành viên và các thể chế quốc gia trong thực hiện các hoạt động tương tự trong phạm vi quốc gia.

2. Ý nghĩa và nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn

Công ước Chống tra tấn là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên Hiệp quốc. Tính đến hết tháng 6/2019, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên, trong đó có 06 quốc gia ASEAN (bao gồm Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Việt Nam). Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.

Việc Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.

Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.

3. Sự tham gia của Việt Nam

Ngày 07/11/2013, đại diện của Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống tra tấn tại New York, Mỹ.

Ngày 28/11/2014, với 100% số đại biểu tán thành, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước Chống tra tấn. Ngày 05/02/2015, Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên Hiệp quốc.

Về bảo lưu: Tại thời điểm phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Ủy ban Chống tra tấn trong việc điều tra tình huống tra tấn diễn ra trên diện rộng tại quốc gia thành viên (Điều 20) và bảo lưu khoản 1 Điều 30 Công ước Chống tra tấn về giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện, giải thích quy định Công ước Chống tra tấn.

Bên cạnh đó, Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để thực hiện dẫn độ đối với các tội phạm được quy định tại Điều 4 Công ước. Việc dẫn độ các tội phạm này sẽ được quyết định dựa trên cơ sở các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên và nguyên tắc có đi có lại; đồng thời việc thực hiện dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Ngay sau khi phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn. Trong giai đoạn từ năm 2015-2017, trên cơ sở quy định tại Điều 19 Công ước và Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất của Việt Nam. Ngày 20/7/2017, Việt Nam chính thức gửi Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất tới Ủy ban Chống tra tấn.

Ngày 10-11/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất.

Ngày 28/12/2018, Ủy ban Chống tra tấn đã gửi các khuyến nghị của Ủy ban tới Việt Nam. Hiện nay, các Bộ, ngành của Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu, xem xét tổ chức thực hiện các khuyến nghị này.

4. Nội dung trọng tâm của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

Tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn; đảm bảo các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Phòng, chống các hành vi tra tấn liên quan đến các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự; thực thi nghiêm minh các quy định của Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người và phù hợp với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; các quy định pháp luật về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống tra tấn; các quy định pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế.

Việc Quốc hội xem xét phê chuẩn Công ước chống tra tấn, các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo... được coi là một bước tiến nữa của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn, mà việc thực hiện Công ước sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Và đây chính là điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt hơn bản Hiến pháp với những quy định tiến bộ về bảo vệ quyền con người.

5. Việc tuyên truyền và thực hiện Công ước Chống tra tấn trong Quân đội trong thời gian qua

Trên cơ sở Nghị quyết số 83/2014/QH13 của Quốc hội ban hành, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 3603/QĐ-BQP, ngày 04/9/2015 về xây dựng kế hoạch cùng đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn triển khai trong toàn quân. Bộ Quốc phòng xác định, đây là dịp, điều kiện thuận lợi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong Quân đội, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác điều tra, được giao nhiệm vụ điều tra, kiểm soát, xét xử, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Bộ Quốc phòng đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, 90% quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng cùng 100% người trực tiếp làm công tác điều tra, người làm công tác kiểm soát, xét xử, tạm giam, tạm giữ, thi hành án và thực hiện hoạt động xử lý, tạm giam, tạm giữ, thi hành án và thực hiện hoạt động xử lý vi phạm hành chính được phổ biến, nâng cao nhạn thức về nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn. Với nhiều biện pháp đồng bộ như triển khai các Đề án nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, đơn vị quân đội, cán bộ, nhân dân khu vực đóng quân, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa; phổ biến tài liệu đến cấp đại đội và tương đương; tổ chức sân khấu hóa; rút kinh nhiệm trong toàn quân... công tác tuyên truyền về nội dung Công ước đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức năng lực hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội. Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giao dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân...; đặc biệt là Thông tư số 192/2016/TT-BQP, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết nhiều nội dung các hành vi làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; làm nhục, hành hung đồng đội; đồng thời đưa ra hình thức xử phạt nghiêm minh. Việc thực hiện tuyên truyền và thực hiện Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với nội bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, ngăn ngừa hiện tượng vi phạm khi thực thi công vụ trong điều tra, kiểm soát, xét hỏi...; ngăn ngừa hiện tượng quân phiệt bằng lời nói, hành động tại các cơ quan, đơn vị, tăng cường nhận thức, giảm thiểu các hiện tượng vi phạm kỷ luật, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, tăng sức mạnh trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ. Đây được xem là nội dung quan trọng để cụ thể hóa pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động quân sự, tăng hiệu quả thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật mà Nhà nước ban hành, phù hợp với cam kết thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam, nhất là với nội dung Công ước Chống tra tấn./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 15 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?