Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.848
Tháng 03 : 68.184
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu giá trị lịch sử và hiện thực của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương Đảng đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Tuy văn phong giản dị, ngắn gọn, với 318 từ, nhưng nội dung Chỉ thị rất đầy đủ, là một văn kiện mang tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng. Trong đó, Chỉ thị vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, bản chất cách mạng, chức năng của quân đội kiểu mới và chỉ ra nghệ thuật tác chiến của đội quân. Đây là những tư tưởng cơ bản, cốt lõi nhất, không chỉ có tác dụng chỉ đạo, định hướng việc xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lúc bấy giờ, mà còn nguyên giá trị trong định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

1. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Mở đầu Chỉ thị viết: “Tên, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”1. Tư tưởng trên là sự kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội; truyền thống đấu tranh của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Vì vậy, tư tưởng này không chỉ là vấn đề văn hóa, khoa học mà còn phản ánh bản chất giai cấp và quy định phương hướng chiến lược của Quân đội, của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Do vậy, cần thấy rõ bản chất cách mạng của Quân đội, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt.

Ảnh tư liệu Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng Chiến lược “Diễn biến hoà bình” với âm mưu, thủ đoạn thâm độc và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Luận điểm “chính trị trọng hơn quân sự” tiếp tục khẳng định giá trị trong xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở; làm cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, cần chăm lo xây dựng và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, nâng cao giác ngộ chính trị, làm cho mọi quân nhân nhận thức đúng về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ; đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.

NTO - Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - “Cương  lĩnh” chính trị-quân sự của quân đội cách mạng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22-12-1944). Ảnh: Tư liệu TTXVN

2. Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân

Chỉ thị đã nêu: “Về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”2. Đây là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh”. Đồng thời, là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Ăng - ghen, Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, xây dựng “quân đội thường trực”. Theo Bác, lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát triển và từng bước hoàn chỉnh theo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam: từ đội quân nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã lớn mạnh đến Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân, Quân giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” ngày nay.

4. Tư tưởng kháng chiến toàn dân

Dân tộc ta đã sớm có ý thức đoàn kết chiến đấu để dựng nước và giữ nước, gắn bó Nước với Nhà: “Nước mất thì nhà tan”. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì toàn dân đứng lên đánh giặc. Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc và vận dụng nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề phải dựa vào dân, có dân là có tất cả, Người chỉ rõ: Bạo lực cách mạng phải là bạo lực của đông đảo quần chúng, “vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”3. Quan điểm này được cụ thể hóa trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”4. Dựa vào nhân dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân là nội dung cốt lõi, nổi bật nhất của chiến tranh cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân đứng lên giành được độc lập, tự do; phát động toàn dân đánh địch một cách toàn diện trên cả ba vùng chiến lược, tạo sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng chính trị quần chúng, từng bước thắng lợi tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

5. Tư tưởng về “nghệ thuật tác chiến”

Kế thừa truyền thống trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chỉ thị đã chỉ ra nghệ thuật tác chiến cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật chỉ đạo tác chiến đó trong điều kiện thực tiễn là nhân tố quan trọng, làm cho Đội luôn bảo toàn lực lượng và ngày càng lớn mạnh.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, nếu kẻ thù phát động chiến tranh xâm lược nước ta, chúng vẫn chiếm ưu thế về lực lượng, vũ khí trang bị. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới; phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, vận dụng sáng tạo tư tưởng: “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, thực hiện kết hợp chặt chẽ phòng tránh và đánh trả; hoạt động chiến đấu của nhân dân mà lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt với các trận chiến đấu của các đơn vị chủ lực; các lực lượng, các quy mô, vận dụng nhiều cách đánh, bằng các loại vũ khí, trang bị; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao... tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.

Đối với Học viện Lục quân, những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong Chỉ thị đã định hướng chiến lược trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Học viện luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng, những tư tưởng, quan điểm cơ bản trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nắm vững phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho toàn quân. Trong đó, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức về quan điểm xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, lấy vững mạnh về chính trị làm nền tảng; giáo dục về đường lối quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, huấn luyện và bồi dưỡng cho các thế hệ học viên giỏi về quân sự, làm tốt công tác đảng, công tác chính trị, phương pháp và tác phong công tác tốt, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Hơn 76 năm qua, Học viện đã đào tạo được hàng vạn cán bộ quân sự cho toàn quân và hai nước bạn Lào, Campuchia, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm tới, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Học viện tiếp tục có sự phát triển, đặt ra yêu cầu cao về chất lượng đào tạo cán bộ. Những tư tưởng cơ bản trong Chỉ thị là tài sản quý giá, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong điều kiện mới nhằm xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”.

Trải qua 78 năm, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539.

2, 3. Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.539.

4. Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.539, 540.

     L.H.T


Tác giả: HSDH. Lê Hữu Tuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 152 trong 33 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?