• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.231
Tháng 12 : 41.195
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trục lợi tiền, đánh bóng tên tuổi trong thiên tai, dịch bệnh - hành vi đáng lên án

Con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần “tương thân tương ái”. Mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh, những sự cố gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người thì tinh thần tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng lại càng được nhân lên mạnh mẽ.

Thông qua hoạt động từ thiện xã hội, các tổ chức và cá nhân đã chung tay cùng Đảng, Nhà nước giải quyết từng bước những khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về vật chất và tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, đây là hành vi cần xã hội nghiêm túc lên án, nghiêm trị theo pháp luật.

Trong những năm qua, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút sự tham gia tích cực, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, sẻ chia giúp đỡ với những khó khăn mất mát của đồng bào ta. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong thời gian qua ngoài giá trị bằng vật chất to lớn, còn phản ánh về mặt tinh thần, cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời truyền cảm hứng của lòng yêu nước, sự đoàn kết thương yêu nhau trong nhân dân, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết tương trợ, giúp đỡ quý báu, truyền thống đạo lý của dân tộc hàng ngàn năm nay.

Gần đây nhất, trước những thiệt hại lớn kể cả về con người và tài sản do cơn bão Yagi, lũ lụt, sạt lở xảy ra ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, người dân cả nước đã chung tay cùng lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bị thiệt hại cứu trợ, giúp đỡ bà con. Bên cạnh tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” và tình đồng bào đang được khơi dậy khắp mọi nơi thì cũng đã xuất hiện những việc làm, biểu hiện tham lam, ích kỷ, trục lợi trong thiên tai, dịch bệnh. Dễ thấy trong những ngày vừa qua là việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đó; mạo danh cơ quan, tổ chức để kêu gọi ủng hộ; nhân cơ hội để đánh bóng hình ảnh, tên tuổi... Điển hình như các đối tượng lập website giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh; website, trang thông tin lấy danh nghĩa là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai; chỉnh sửa số tiền ủng hộ để “làm màu”...

Website, trang thông tin lấy danh nghĩa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai

Nhận diện một số hoạt động lợi dụng từ thiện để trục lợi

Một là, tạo lập trang trên các nền tảng mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook, Tiktok), sau đó đăng tải bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng những bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, dẫn nguồn trên Fanpage, Facebook, Tiktok rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết đã có công văn gửi Cục An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để phối hợp điều tra làm rõ về những trang tin giả mạo. Phía Cục An toàn thông tin cũng cho biết hiện tồn tại hơn 2.000 Fanpage lấy tên Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương và phía Cục cũng đang tiếp tục liên hệ với các đơn vị chủ quản để xác minh những Fanpage này.

Ngày 29/9/2024 vừa qua, cơ quan điều tra Công an Thừa Thiên Huế thông báo đang tiếp tục đấu tranh mở rộng làm rõ thêm những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Trung Thành (Sinh năm: 1984, trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Đối tượng Thành đã lập tài khoản Facebook “Mái ấm tình thương”, câu lạc bộ “Từ Tâm” giả mạo nhà sư để đăng tải các hội nhóm kêu gọi tiền ủng hộ để chiếm đoạt, tiêu sài. Bên cạnh đó, Thành còn lập nhiều tài khoản khác hoặc đăng trên trang Facebook “Hội đồng hương Nghệ An sống tại miền Trung”… những thông tin về những mảnh đời bất hạnh kêu gọi cộng đồng mạng chung tay ủng hộ. Từ tháng 02/2023 đến tháng 02/2024, cơ quan điều tra xác nhận bước đầu đối tượng Thành đã chiếm đoạt gần 500 triệu đồng, trong khi vẫn còn nhiều bị hại chưa biết hoặc không trình báo công an.  

Hai là, lợi dụng tình hình dịch bệnh, thiên tai để kêu gọi từ thiện.

Ngày 23/5/2021, Phòng Cảnh hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ đối tượng Lại Xuân Đạt (28 tuổi, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về việc đăng lên tài khoản xã hội, nói dối về hoàn cảnh khó khăn, để lừa đảo người hảo tâm gửi tiền cho mình. Đạt có hành vi lừa đảo, bằng thủ đoạn lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp xảy ra tại địa bàn các Khu Công nghiệp ở huyện Việt Yên. Cụ thể, Đạt giả danh công nhân đang gặp hoàn cảnh éo le, đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook nhằm kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của những người hảo tâm, chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 4/2021, đối tượng Đạt mua một chiếc điện thoại và đăng nhập tài khoản Facebook “Hoài Khánh”. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Khu Công nghiệp Vân Trung, ngày 18/5, Đạt dùng tài khoản “Hoài Khánh”, đăng tải thông tin với nội dung: Đạt và vợ từ Sơn La xuống làm công việc thời vụ. Cả hai vợ chồng bị công ty cho nghỉ việc, hiện đang cách ly và không có tiền trang trải sinh hoạt nên cần mọi người giúp đỡ. Từ đó, nhiều người đã chuyển khoản cho Đạt, với tổng số tiền 2,7 triệu đồng. Đối tượng Đạt đã chiếm đoạt số tiền này, chi tiêu cá nhân.

Ba là, lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Thực tế trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân thông qua các hoạt động từ thiện làm trò để đánh bóng tên tuổi. Hám danh, thích khoe mẽ cũng trở thành thói xấu trong một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Một sự kiện lớn được truyền hình trực tiếp, khán giả thấy bóng dáng một số người mang danh doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp lên sân khấu, trao tặng số tiền lớn ghi trên tấm bảng. Nhưng sau đó, nhiều người trong số họ không chuyển tiền cho nơi đã hứa. Khi báo chí thông tin thì họ khất lần, thậm chí có người lại lý do làm ăn thua lỗ, khó khăn để không thực hiện lời hứa. Làm từ thiện cốt ở tấm lòng, cần sự khiêm cung, xuất phát từ trái tim, không phải sự khoe mẽ, khoe danh.

Gần đây nhất vào ngày 12/9/2024, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê hơn 12.000 trang về số tiền ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng sau thiên tai đã nhận được sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Số tiền sao kê công bố là 527,8 tỷ đồng, thống kê từ ngày 01/9 - 10/9, bao gồm ngày, giờ, số tiền và số tài khoản cá nhân, tổ chức ủng hộ. Ngay sau khi Mặt trận Tổ quốc công khai minh bạch số tiền tiếp nhận, nhiều người đã bỏ công kiểm chứng, bóc mẽ những người tuyên bố đã chuyển khoản những số tiền lớn nhưng lại sai sự thật, thậm chí một số còn bị phát hiện ăn chặn, phải lên tiếng xin lỗi.

Việt Anh Pí Po, tài khoản có hơn 1,3 triệu người theo dõi trên TikTok chia sẽ hình ảnh chuyển khoản 20 triệu đồng nhưng thực tế chỉ có 1 triệu đồng, sau đó anh xin lỗi và chuyển khoản 20 triệu đồng. Trong một trường hợp khác, một hội nhóm đấu giá món đồ có giá 6 triệu đồng, nhận thêm tiền từ người khác, tổng thu 10 triệu đồng; thực tế sao kê chỉ 100.000 đồng, sau khi bị phát hiện đã lên tiếng xin lỗi và chuyển khoản 10 triệu đồng cho Mặt trận Tổ quốc.

Hành vi trục lợi, đánh bóng tên tuổi từ thiên tai, dịch bệnh có thể truy tố trách nhiệm hình sự

Dù là phương thức, thủ đoạn nào, động cơ hay mục đích ra sao thì hành vi trục lợi, đánh bóng tên tuổi trong lúc thiên tai, dịch bệnh là hành vi không chỉ đáng trách mà cần phải lên án, thậm chí cần xử lý nghiêm minh bằng pháp luật. Ngoài ra, cũng cần đề phòng hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Người thực hiện hành vi đầu cơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Quy định tại Điều 31, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP; Điều 196 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo Quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, chỉ có tổ chức Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện mới được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện cho đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn... hoặc người có lòng hảo tâm mang tiền của, hàng hóa trực tiếp giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội, hoạt động từ thiện, thiện nguyện trở nên đa dạng hơn khi xuất hiện bên thứ ba (trung gian đứng ra tiếp nhận tiền, hàng từ thiện của người khác) để chuyển cho những người đang gặp khó khăn. Từ đó, sinh ra nhiều bất cập nên Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP để điều chỉnh lại hoạt động kêu gọi quyên góp, tiếp nhận từ thiện.

Theo Quy định tại các Điều 17, 18, 19, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thì phải nêu rõ thông tin cá nhân bản thân, địa chỉ nơi cư trú; phải thông báo cho chính quyền địa phương về chương trình từ thiện, thông báo công khai về mục đích, nội dung, thời gian thực hiện hoạt động kêu gọi tiếp nhận ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn; phải mở tài khoản riêng để sử dụng cho mỗi đợt từ thiện, công khai, minh bạch tài chính và có trách nhiệm giải trình. Khi thực hiện các hoạt động từ thiện phải thông báo với chính quyền địa phương nơi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra để phối hợp cùng tổ chức thực hiện... Trường hợp tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, tài sản để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai mà không tuân thủ các quy định của nghị định này thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để đưa ra thông tin gian dối, mạo danh cơ quan, tổ chức để tiếp nhận tiền, tài sản của người khác rồi chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự hiện hành với hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

Người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, tài sản của người khác để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai mà lợi dụng niềm tin để chiếm đoạt tiền, tài sản của các nhà hảo tâm (chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ) thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô tài sản theo Quy định tại Điều 175 và Điều 353, Bộ luật Hình sự hiện hành. Hình phạt có thể đến 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; mức tử hình đối với hành vi tham ô tài sản.

Những người đưa thông tin sai sự thật nhưng chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự, an toàn xã hội cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc tội vu khống.

Chỉnh sửa số tiền ủng hộ (sửa Bill chuyển tiền) rồi chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người sửa Bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này là 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với tổ chức, 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với cá nhân. Còn theo Quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự hiện hành, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Nhà nước luôn khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, giá trị tích cực, đúng mục đích của hoạt động từ thiện đã đạt được trong thời gian qua thì vẫn có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, sai mục đích. Hành vi này không chỉ trái pháp luật, vô nhân đạo mà còn khiến lòng tin giữa người và người bị xói mòn, nội bộ của người dân giữa người được giúp đỡ, người chưa được giúp đỡ, người không có lý do gì để được giúp đỡ, bị rạn nứt, tình làng nghĩa xóm bị nhạt phai…

Qua các vụ việc lợi dụng từ thiện để trục lợi, chúng ta thấy rằng các phương thức của các đối tượng là rất đa dạng. Do vậy, để hoạt động từ thiện đúng tôn chỉ, mục đích, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý./.

N.T.L


Tác giả: PKHQS. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?