Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.893
Tháng 04 : 66.076
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ về Thượng tướng GS Vũ Lăng - nguyên Viện trưởng Học viện Lục quân

Học viện Lục quân, nơi chắp cánh cho những tài năng quân sự của đất nước, có biết bao thế hệ những người thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác quản lý giáo dục đã cống hiến trí tuệ, tài năng và tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người của Đảng, của Quân đội và đất nước. Có một vị tướng, một người thầy mà tôi chưa từng được gặp mặt, nhưng mỗi khi nhắc tới ông, hay được nghe kể một câu chuyện, đọc một bài viết về ông, trong tôi luôn trào dâng cảm xúc ngưỡng mộ và kính trọng, đó là cố Thượng tướng GS Vũ Lăng - nguyên Viện trưởng Học viện Lục quân. Có một vài mẩu chuyện nhỏ dưới đây, tôi đã may mắn được nghe về ông, xin kể lại để chia sẻ cùng bạn đọc.

Thượng tướng GS Vũ Lăng, một vị tướng trận mạc tài giỏi. Nhắc đến ông không thể không nhắc đến người chỉ huy trung đoàn tài năng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; một vị tướng tham mưu sắc sảo của Tổng hành dinh trong kháng chiến chống Mỹ, ông còn là một ngưởi thầy, một nhà nghiên cứu lý luận khoa học quân sự có nhiều đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật quân sự của Dân tộc ta.

Thượng tướng GS Vũ Lăng

Thời gian ông bắt đầu về nhận nhiệm vụ mới tại Học viện Lục quân là giai đoạn đầy thử thách, khó khăn. Học viện mới chuyển từ Hà Nội vào Đà Lạt. Đời sống của cán bộ, giảng viên, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Học viện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngày đó, chưa có đường không nối Đà Lạt - Sài Gòn, nên mỗi lần đi công tác ông phải đi bằng ô tô, đường xá đi lại cũng khó khăn, với đức tính giản dị, tiết kiệm nên ông không bao giờ nghỉ chân ở hàng quán dọc đường, mà luôn mang theo cơm nắm, muối vừng và thịt rim để tiện ghé vào rừng cao su ven đường nghỉ ngơi. Con người của ông vẫn luôn lăn lộn, trăn trở với sự phát triển của Học viện và sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Trong những thiếu thốn thời kỳ đó, theo nhiều cán bộ Học viện kể lại, thiếu nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh lớn nhất. Thấu hiểu điều đó ông đã cho xe bồn chở nước phân phối cho gia đình sĩ quan, nhưng để giải quyết vấn đề về lâu dài ông đã mạnh dạn đề xuất và chủ trương cho đắp đập, xây hồ trữ nước. Cùng với sự giúp sức của lực lượng Công binh - Quân đoàn 3, các cán bộ, chiến sĩ Học viện đã đào đắp hồ Chiến thắng. Cho đến tận ngày hôm nay hồ Chiến thắng không những đủ cung cấp nước cho Học viện, mà còn cung cấp nước cho hồ Xuân Hương tạo thêm một thắng cảnh đẹp nơi phố núi Đà Lạt nói chung và Học viện Lục quân nói riêng. Hồ Chiến thắng là một biểu tượng đẹp cho ý chí và nghị lực của con người trước mọi hoàn cảnh, mà chắc chắn ở nơi đó có vai trò rất lớn của ông, là người đứng mũi chịu sào, ông đã có những quyết định táo bạo và sáng suốt. Đúng như ý nghĩa của cái tên “Chiến thắng”, Học viện Lục quân dưới sự chỉ huy của ông đã vượt qua được giai đoạn đầy thử thách đó một cách mạnh mẽ nhất, kiên cường nhất và tự hào nhất.

Từ một Tư lệnh Quân đoàn 3, ông trở về làm một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, ông nhìn thấy tương lai của Quân đội cần phải đào tạo những người chỉ huy có tri thức hiện đại, phù hợp cho sự phát triển chung của thế giới. Với thực tiễn phong phú lại kinh qua 2 cuộc kháng chiến, ông là một trong sáu người đầu tiên được phong hàm giáo sư ngành khoa học quân sự ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong quân đội, Giáo sư, Viện trưởng Vũ Lăng đề xuất vấn đề đào tạo nghiên cứu sinh khoa học quân sự và cũng lần đầu tiên tại Học viện Lục quân (năm 1985) đã tiến hành tổ chức bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học quân sự nay là tiến sĩ cho tất cả tám chuyên ngành, đặt nền móng phát triển đội ngũ giáo viên và các nhà khoa học quân sự cho đến ngày hôm nay.

Khi tuổi thanh xuân căng tràn sức sống, hay lúc sức khỏe giảm sút, tóc đã điểm bạc, nhưng dường như nhiệt huyết cách mạng trong con người ông vẫn cháy bỏng, như ông đã từng nói:

“..Vai khoác ba lô lòng trẻ lại

Đầu xanh, đầu bạc kề vai bước.

Lại thấy trong ta tuổi đôi mươi…”

Cuộc đời của ông để lại cái tôi nơi hậu phương, không có những giờ phút giành riêng cho bản thân, ông đã sống vì Tổ quốc, vì sự nghiệp đào tạo các cán bộ sĩ quan cho Quân đội và nghiên cứu khoa học quân sự của Học viện. Là người có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong chiến thuật, chiến dịch và rất am hiểu về chiến lược, lại được đào tạo cơ bản về nghệ thuật quân sự ở nước ngoài, nên ông đã vận dụng trong việc nghiên cứu khoa học quân sự, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và học viên của Học viện. Ngoài ra, ông còn tranh thủ sự giúp đỡ của các cố vấn, chuyên gia quân sự Liên Xô. Hệ thống tài liệu với khối lượng lớn do Viện trưởng Vũ Lăng trực tiếp chỉ đạo biên soạn, đến ngày hôm nay vẫn còn giá trị, không chỉ dùng để nghiên cứu giảng dạy trong Học viện, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các nhà trường, đơn vị của toàn quân. Ngay từ những năm 1984, ông đã nghĩ đến việc cần thiết trang bị máy tính để nghiên cứu, giảng dạy, quản lý. Tầm nhìn đó của ông đã được kiểm chứng, ngày nay sự phát triển của khoa học và nghệ thuật quân sự đòi hỏi phải ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin trong lĩnh vực quân sự nói riêng.

Ngoài nhiệm vụ giáo dục, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, Viện trưởng Vũ Lăng còn chú ý xây dựng Học viện trên tất cả mọi mặt, quan tâm đến công tác hậu cần và đời sống. Lúc bấy giờ đời sống sinh hoạt quá khó khăn, ông đã chủ trương cho Học viện đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ.

Trong suốt những năm công tác tại Học viện Lục quân, ông đã đem hết khả năng, trí tuệ của mình để cùng với Ban Giám đốc Học viện triển khai nghiên cứu thành công nhiều công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng có giá trị cao, góp phần xây dựng Quân đội “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng GS Vũ Lăng thật đáng để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan - binh sĩ Học viện nói chung và lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa Chiến dịch chúng tôi nói riêng noi theo. Câu nói của ông năm xưa, nay lại là niềm cổ vũ động viên to lớn cho chúng tôi vượt qua mọi khó khan, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chúng tôi thầm cảm ơn ông, vì ông đã gắn bó với Học viện trong những giai đoạn khó khăn nhất, tầm nhìn của ông về một nhà trường bề thế, về sự nghiệp trồng người của Học viện đến ngày hôm nay đã chứng minh nhận định của ông là hoàn toàn chính xác. Thế hệ của ông đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Học viện Lục quân ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào được là thế hệ kế tiếp truyền thống cha anh, để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Học viện.

Hình ảnh đọng lại mãi trong lòng những người đã từng sống, chiến đấu cùng Thượng tướng Vũ Lăng, có lẽ trước hết là cái tình, cái nhân nghĩa, đức độ trên nền một vị tướng tài ba, một người thầy mẫu mực, một nhà khoa học quân sự uyên thâm. Ở Thầy Vũ Lăng, đức “nhân” của người làm tướng ông đã giữ vẹn nguyên với lòng mình, với gia đình, với quê hương, với sự nghiệp giải phóng dân tộc và với Học viện Lục quân nơi ông đã có hơn một thập kỷ cống hiến./.

T.T.T


Tác giả: KCD. Trịnh Tiến Thành
Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?