Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 452
Tháng 07 : 48.981
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ về Thiếu tướng Lê Thiết Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc quân chính trung cấp (nay là Học viện Lục quân)

Thế hệ của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng cách chúng tôi gần 8 thập kỷ, những đồng chí, đồng đội cùng thời của ông đã đi qua cả 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chúng tôi chỉ được biết về ông qua những trang sách, báo, hồi ký, nhưng khi lật từng dòng ký ức đó, chúng ta được hiểu thêm về một người lính, một vị tướng, một nhà cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã kinh qua nhiều vị trí ở các đơn vị khác nhau; trong đó, Trường Bổ túc quân chính trung cấp (Học viện Lục quân ngày nay), là nơi ông đã từng gắn bó khi 2 lần đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 - 1986), tên thật là Lê Văn Nghiệm sinh tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời của ông có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), được cử đi học Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi được giao nhiệm vụ tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch, được phong quân hàm tới Đại tá (Đại hiệu).

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Ảnh: Báo Quân khu 4

Cuối năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) với bí danh Lê Quốc Vọng, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với ông Lê Quảng Ba lập Đội vũ trang đầu tiên gồm 12 người, đó là đội du kích Pác Bó (sau này, 6 trong số 12 đội viên được tuyển chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân).

Tiếp đó, ông cùng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ trực tiếp giao phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến, mở đường về xuôi... sự kiện này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký của mình: “Tôi được biết Bác chuẩn bị đi xa. Sau khi trao nhiệm vụ Nam tiến cho chúng tôi, Bác nói, chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng phải chú trọng thêm chính trị”

Trước những biến chuyển mau chóng của đất nước, Lê Quốc Vọng được Hồ Chủ tịch tin tưởng, giao làm Chiến khu trưởng đầu tiên Chiến khu 4 (nay là Quân khu 4). Một hôm, ông đang đi thị sát miền Tây Khu 4, chống tàn quân Pháp đang từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội. Trở ra Thủ đô, ông mới biết, Chính phủ vừa tổ chức “Đội Tiếp phòng quân” để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng.

Lúc này, Chính phủ đang cần một thiếu tướng để chỉ huy “Đội Tiếp phòng quân” tương xứng với sĩ quan Pháp khi làm việc; trong khi vào thời điểm đó, phía ta chưa có ai được phong tướng. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn Lê Quốc Vọng. Trong hồi ký “Người học trò nhỏ của Bác Hồ” do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng kể, Đại tá - Nhà văn Siêu Hải thể hiện có đoạn viết: khi được Bác hỏi ý kiến, suy nghĩ trong giây lát, ông đáp: “Thưa Bác, tôi tự xét thấy chưa quen làm việc với bọn Pháp, ít am hiểu bọn chúng. Đề nghị Bác chọn một đồng chí khác có năng lực hơn”. Nghe vậy, Bác động viên ông: “Kìa, chú định thay mặt Thường vụ Trung ương về công tác cán bộ đấy à? Thường vụ và Bác đã cân nhắc kỹ. Việc này chỉ có chú làm được. Chú nhận đi!”. Siết chặt tay ông, Bác nói thêm: “Trước đây, trên chục năm chú sống trong quân đội Tưởng đầy chông gai, cạm bẫy, “chất thép” trong con người chú đã được tôi luyện già dặn. Nay, vào cuộc chiến đấu mới, đối mặt với thực dân xâm lược Pháp, phải thêm “chất hùng” của dân tộc ta nữa. Bác đã nghĩ kỹ, chọn cho chú cái tên mới là Lê Thiết Hùng”. Và từ đó, như một định mệnh, Lê Quốc Vọng đã gắn bó với cái tên mới Lê Thiết Hùng đến cuối cuộc đời.

Là người đầu tiên được phong hàm tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1946), trước đợt phong quân hàm chính thức 2 năm (1948). Sau này, ông còn gắn với nhiều sự kiện mang dấu ấn “đầu tiên” ấy: là Chính trị viên đội vũ trang đầu tiên (Đội du kích Pác Bó); Tổng thanh tra quân đội đầu tiên; Hiệu trưởng đầu tiên của Trường sĩ quan Pháo binh kiêm Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng pháo binh.

Với Học viện Lục quân, nơi ông đã 2 lần gắn bó trên cương vị Hiệu trưởng: lần thứ nhất, ngày 23 tháng 3 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy ra Nghị định số 157/TCH, cử đồng chí Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Tổng Thanh tra quân đội toàn quốc kiêm Hiệu trưởng Trường Bổ túc quân chính trung cấp. Lần thứ hai, cuối tháng 3 năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Nghị định số 38/BQP sáp nhập 2 trường (Trường Bổ túc quân chính trung cấp và Trường Bổ túc quân chính sơ cấp) thành Trường Bổ túc sĩ quan, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.

Chất “thép” của người lính, hòa quyện cùng chất “hùng” của dân tộc, để tạo nên một nhà quản lý giáo dục đưa Học viện của chúng ta vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách trong thời kỳ đầu mới thành lập, tất cả đã hội tụ ở con người ông, một vị tướng “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Với những đóng góp lớn của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng thật sáng, thật trong. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông luôn khiêm tốn khi chỉ nhận mình là “người học trò nhỏ của Bác Hồ”; còn với lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Lục quân, ông sẽ mãi là một “người Thầy lớn”, người đã truyền cảm hứng cho thế hệ của chúng tôi, hôm nay và mai sau. Tôi xin được trích một vài câu thơ của tác giả Quốc Tịch đã viết về ông, được đăng trên tờ báo “Sức trai”, tháng 8 năm 1948 - Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Khóa IV) như một lời tri ân tới người thầy đánh kính.

“Một danh tướng họ Lê

Lòng yêu trường tha Thiết

Một bản nhạc trầm Hùng

Ngọn lửa hồng luyện thép”./.

T.T.T


Tác giả: KCD. Trịnh Tiến Thành
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?