Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 216
Tháng 04 : 45.747
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số biện pháp phát huy vai trò của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở Học viện Lục quân hiện nay

Giáo dục truyền thống là một nội dung cơ bản của công tác giáo dục chính trị ở đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, trực tiếp góp phần hình thành và bồi dưỡng nhân cách người quân nhân cách mạng, vun đắp niềm tin, niềm tự hào của chiến sĩ mới nhập ngũ về truyền thống cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội và của Học viện; lan tỏa giá trị cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, bồi đắp tinh thần yêu nước; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, cùng với các đơn vị trong toàn quân, đội ngũ chính trị viên đại đội ở Học viện Lục quân luôn quán triệt và triển khai thực hiện Quy chế 438/QĐ-CT của Tổng cục Chính trị về công tác giáo dục chính trị, đã duy trì, thực hiện có nền nếp, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, lịch sử của Đảng, dân tộc, Quân đội và của Học viện. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước, Quân đội, Học viện như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng tám thành công, 74 năm Ngày truyền thống Học viện Lục quân anh hùng… Nhờ đó, công tác giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới nhập ngũ đã được tiến hành có chiều sâu với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu được nhiều kết quả thiết thực.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới trong những năm vừa qua còn có những hạn chế nhất định: Nhận thức, trách nhiệm của một số chính trị viên đại đội về công tác giáo dục truyền thống chưa sâu sắc. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống chậm được đổi mới, còn biểu hiện khô cứng, thiếu phong phú, sinh động, hấp dẫn. Việc kết hợp công tác giáo dục truyền thống với công tác tư tưởng, giáo dục theo nhiệm vụ, gắn với các phong trào thi đua và các cuộc vận động chưa thành nền nếp, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Hoạt động của một số thiết chế văn hóa có mặt còn hạn chế. Thực hiện Thông tư 104/2014/TT-BQP, ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Bộ Quốc phòng có nội dung chưa đầy đủ, kịp thời. Dẫn đến, sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một số chiến sĩ mới còn chậm, cá biệt còn có biểu hiện dao động về tư tưởng chính trị, vi phạm quy định của đơn vị, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và mỗi cá nhân.

Từ thực tiễn trên, để phát huy vai trò của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới nhập ngũ ở Học viện Lục quân hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở để phát huy tốt vai trò của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới nhập ngũ ở Học viện. Bởi, thực tiễn cho thấy, chỉ có trên cơ sở nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình thì vai trò của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới, mới có thể được phát huy đầy đủ, công tác giáo dục truyền thống mới đi vào nền nếp, có chất lượng và hiệu quả.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính trị viên đại đội trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới nhập ngũ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức trách nhiệm và kiến thức toàn diện cho đội ngũ này. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng; yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên đại đội trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống; kiến thức tổng hợp về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc, Quân đội và Học viện,… Chú trọng lựa chọn chính trị viên đại đội có trình độ, khả năng, kinh nghiệm để đảm nhiệm công tác giáo dục truyền thống của đơn vị. Quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, cần duy trì chặt chẽ và thực hiện đúng kế hoạch đã xác định, đặc biệt chú trọng các nội dung giáo dục nhằm khơi dậy tình yêu đơn vị, quê hương, đất nước, trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của thanh niên đến tuổi nhập ngũ. Trong chương trình giáo dục chính trị, chính trị viên đại đội cần kết hợp đưa các nội dung câu hỏi liên quan đến truyền thống đơn vị vào nội dung học tập, kiểm tra nhằm giúp cho chiến sĩ mới có điều kiện để tiếp cận, ôn luyện, nắm chắc truyền thống của đơn vị mình.

Hai là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống của chính trị viên đại đội, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và đối tượng chiến sĩ mới.

Việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống của chính trị viên đại đội có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới. Hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống phù hợp, lôi cuốn sẽ tạo hiệu ứng, hiệu quả tốt cho công tác này. Theo đó, hình thức phương pháp giáo dục truyền thống của chính trị viên đại đội phải linh hoạt, sáng tạo, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và phù hợp với từng đối tượng chiến sĩ mới. Muốn vậy, chính trị viên đại đội phải nắm chắc lịch sử truyền thống của đơn vị, nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới, nắm chắc chất lượng chính trị của từng chiến sĩ thông qua thực hiện “4 cùng” là: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng chia sẻ; làm tốt “5 biết” trong quản lý bộ đội, đó là: Biết lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; biết năng lực, trình độ; biết năng khiếu, sở trường, đặc điểm cá nhân; biết các mối quan hệ xã hội; biết hoạt động hằng ngày của từng cá nhân thông qua các hình thức như: Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi; giáo dục chung, giáo dục riêng; bám sát chiến sĩ mới, quan sát lời nói, cử chỉ, hành động; thường xuyên đánh giá tình hình tư tưởng của chiến sĩ mới nhập ngũ.

Hoạt động tăng gia sản xuất ở đơn vị chiến sĩ mới

Để thực hiện hiệu quả, trước khi tổ chức giáo dục truyền thống, chính trị đại đội cần tìm hiểu kỹ lịch sử truyền thống, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, anh hùng, cựu chiến binh cung cấp để bổ sung vào vốn kiến thức của bản thân… Những bài giảng giáo dục truyền thống phải được soạn và sử dụng máy vi tính kết hợp trình chiếu, có ví dụ minh họa thực tiễn để bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời, chính trị viên cần tận dụng thời gian trong các giờ giải lao, tổ chức phát thanh các bài hát truyền thống để cán bộ, chiến sĩ thưởng thức, thư giãn, tạo hưng phấn trong quá trình học tập, huấn luyện; kết hợp lồng ghép giới thiệu hoàn cảnh ra đời ý nghĩa và giá trị của bài hát hoặc tổ chức chương trình tham gia đố vui đoán tên sự kiện, nhân vật lịch sử,… Đây cũng là một nội dung giáo dục truyền thống nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả cao.

Cùng với giáo dục truyền thống theo chương trình cơ bản, thường xuyên, cần chú trọng lồng ghép các nội dung giáo dục truyền thống trong các buổi sinh hoạt, học tập của đơn vị, trong từng bài giảng chính trị của chính trị viên đại đội, gắn công tác giáo dục truyền thống với các cuộc vận động của đất nước, quân đội, các phong trào thi đua, các cuộc thi tìm hiểu và các hoạt động của Học viện, nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ”.

Để công tác giáo dục truyền thống thực sự có chiều sâu, hiệu quả, chính trị viên đại đội cần bám sát đặc điểm của chiến sĩ mới trong đơn vị, nắm chắc chất lượng chính trị, chú trọng phát huy những chiến sĩ là đảng viên, những chiến sĩ đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học, đó là những hạt nhân nòng cốt trong đơn vị, để từ đó thông qua các mô hình hoạt động như: “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Mỗi tuần kể một câu chuyện lịch sử”… góp phần hình thành, bồi đắp lý tưởng, niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị cho chiến sĩ mới.

Tích cực đổi mới các hình thức giáo dục truyền thống phong phú, đa dạng, tạo sự hấp dẫn, như: Tọa đàm, tham quan nhà truyền thống, khu di tích lịch sử, nghe các nhân chứng lịch sử nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu… Trên cơ sở nội dung và đối tượng cụ thể, chính trị viên cần lựa chọn hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống cho phù hợp, hiệu quả. Kết hợp lồng ghép nội dung giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu cho chiến sĩ mới nhập ngũ. Cần tổ chức liên hoan văn nghệ giao lưu kết nghĩa với các đơn vị, với tổ chức đoàn địa phương trên địa bàn đóng quân, lồng ghép nội dung tuyên truyền về lịch sử truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa, tạo thành nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại, giúp chiến sĩ mới dễ tiếp nhận và ghi nhớ.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và vai trò nêu gương của chính trị viên đại đội.

Là người chủ trì về hoạt động CTĐ, CTCT, chính trị viên có vai trò rất quan trọng đối với công tác giáo dục truyền thống. Muốn chiến sĩ mới nhanh chóng hiểu và học tập tốt, trước hết, chính trị viên phải thể hiện sự mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác và trong giải quyết, ứng xử các mối quan hệ trong cấp ủy, chỉ huy và với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt1. Theo đó, chính trị viên đại đội phải là người kiểu mẫu trong mọi công việc, nói phải đi đôi với làm, ham học tập, cầu tiến bộ, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, thực sự là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo.

Để có được điều đó, đòi hỏi chính trị viên đại đội cần phải có ý chí quyết tâm, thường xuyên tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện, nghiên cứu nâng cao kiến thức toàn diện, nhất là các kiến thức, kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị, khoa học nghệ thuật quân sự và lịch sử, truyền thống của Đảng, dân tộc, Quân đội và Học viện.

Bên cạnh đó, chính trị viên đại đội cần tích cực tham gia các lớp tập huấn về công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, khai thác hiệu quả hệ thống sách, báo, tài liệu, giáo trình, mạng Internet… cập nhật, tìm hiểu những kiến thức mới, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục truyền thống ở các đơn vị trong Học viện và toàn quân. Tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học tập, tự nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống của dân tộc, Quân đội và Học viện; qua đó, mở rộng kho tàng kiến thức của bản thân. Thường xuyên bổ sung nội dung các loại văn kiện, nghị quyết, sách chuyên khảo, tham khảo, hướng dẫn kỹ năng thực hành công tác đảng, công tác chính trị, lịch sử, truyền thống, đấu tranh tư tưởng, lý luận vào tủ sách Hồ Chí Minh đơn vị, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ nói chung, chính trị viên đại đội nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới nhập ngũ ở Học viện Lục quân hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.392./.

N.Q.D


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Quốc Duy
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?