Khoa Quân chủng với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Học viện Lục quân
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, Đảng ta chủ trương xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa và tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp cho quân đội, trong đó có các binh chủng kỹ thuật được đặt ra một cách cấp thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày 31 tháng 5 năm 1955, Tổ bộ môn Cao xạ trong Khoa Pháo binh - Cao xạ thuộc Trường Bổ túc Quân sự trung, cao cấp (Học viện Lục quân ngày nay) được thành lập, có nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành pháo cao xạ cho các lớp quân sự ngắn hạn, đồng thời, cử cán bộ vừa đi nghiên cứu khảo sát các đơn vị vừa biên soạn, sửa chữa, hoàn chỉnh tài liệu “Nguyên tắc sử dụng cao xạ trong các hình thức chiến thuật cấp tiểu đoàn, trung đoàn” đặt nền móng và mở ra hướng phát triển mới cho công tác nghiên cứu khoa học quân sự chuyên ngành phòng không sau này.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Học viện, ngày 03 tháng 3 năm 1961, Khoa Phòng không - Tên lửa (tiền thân của Khoa Quân chủng ngày nay) được thành lập trên cơ sở tách Tổ bộ môn Cao xạ từ Khoa Pháo binh - Cao xạ. Sau giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, trước yêu cầu nhiệm vụ mới Khoa Phòng không - Tên lửa được đổi tên thành Khoa Phòng không. Tháng 10 năm 1998, Khoa Phòng không đổi tên thành Khoa Quân chủng, có nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành phòng không lục quân với tên gọi là ĐK, chuyên ngành không quân, hải quân cho các đối tượng học viên. Khoa đã biên soạn được 10 tài liệu về nguyên tắc chiến thuật, 33 tưởng định chiến thuật cấp tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn, 2 tưởng định diễn tập 2 cấp) đáp ứng với yêu cầu huấn luyện sát với yêu cầu chiến đấu, gắn nhà trường với chiến trường.
Nhìn lại chặng đường gần 70 năm qua, lịch sử của Khoa Quân chủng luôn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Học viện. Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 569 ngày 05/4/2023 của Đảng ủy Học viện về đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Trong những năm qua, Khoa Quân chủng đã tích cực đổi mới chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ năm 2019 đến nay, khoa đã có 13 lần, cấp bộ môn có 5 lần được Học viện khen thưởng; 02 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; có 01 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân; 4 năm liên tục khoa có giảng viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và hơn 40 lượt cán bộ, giảng viên được khen thưởng trong các phong trào thi đua của Học viện, góp phần xây dựng khoa vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Phát huy kết quả đạt được, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên Khoa Quân chủng tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên
Cấp ủy, chỉ huy khoa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Học viện, phát hiện và tìm nguồn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành phòng không, không quân, hải quân về khoa công tác. Tích cực quan tâm bồi dưỡng giảng viên trẻ đi đôi với xây dựng công tác quy hoạch cán bộ, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học, có học hàm, học vị đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên theo yêu cầu của Học viện. Kết hợp giữa tự đào tạo thông qua bồi dưỡng cán bộ với đề nghị cho giảng viên đi luân chuyển thực tế, gắn nhà trường với đơn vị để cán bộ, giảng viên nâng cao năng lực thực tiễn, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác.
Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy khoa, tổ bộ môn, giảng viên nòng cốt trong bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giảng viên
Cấp ủy, chỉ huy khoa đã tập trung bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện, đồng thời chú trọng vào kiến thức chuyên ngành phòng không để tập trung cho huấn luyện cho các đối tượng học viên bằng nhiều biện pháp như: xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giảng viên thông qua nội dung của ngày phương pháp trong đó, chỉ huy khoa, cán bộ bộ môn thực hành giảng bài mẫu, kết luận mẫu, tập thể khoa tọa đàm, trao đổi rút kinh nghiệm, bổ sung những kiến thức chuyên ngành để cán bộ, giảng viên trong khoa cùng học tập. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của cán bộ bộ môn là những giảng viên nòng cốt, nắm vững kiến thức chuyên ngành, có tính tiền phong, gương mẫu trong công tác cho đội ngũ giảng viên trẻ noi theo.
Ba là, xây dựng kế hoạch và làm tốt công tác kiểm tra hoạt động nghiên cứu khoa học
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, cấp ủy chỉ huy khoa chú trọng xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học với tiêu chí cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đóng góp vào phát triển lý luận quân sự chuyên ngành quân sự nói chung, chuyên ngành phòng không nói riêng sát với thực tiễn phát triển của các phương thức tác chiến, loại hình chiến tranh trong điều kiện tác chiến mới. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy Khoa tăng cường công tác kiểm tra đánh giá ưu, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân để kịp thời đưa ra biện pháp nhằm thúc đẩy và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên đảm bảo hoạt động nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị.
Cán bộ, giảng viên khoa Quân chủng tham gia Hội thảo khoa học
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triền và sự trưởng thành của Học viện Lục quân. Phấn khởi, tự hào trước những thành tích đã đạt được, cán bộ, giảng viên Khoa Quân chủng quyết tâm xây dựng Khoa vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” tô thắm thêm truyền thống Học viện Lục quân anh hùng./.
N.Đ.K