Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 288
Tháng 04 : 68.785
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao hàng bằng máy bay không người lái xu thế phát triển mới của dịch vụ vận chuyển ở Mỹ

UPS Flight Forward, một công ty con của UPS vừa đạt được chứng chỉ Part 135, một chứng chỉ cao nhất của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dành cho việc giao hàng bằng máy bay không người lái (drone).

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Ngày 21/10/2019 vừa qua, một ông lớn trong ngành vận chuyển nước Mỹ là UPS tuyên bố hợp tác với CVS (chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất nước Mỹ) để khởi động chương trình vận chuyển bằng drone cho các nhà thuốc. Trước đó vào đầu tháng 3/2019, theo chương trình thí điểm tích hợp máy bay không người lái của Bộ giao thông vận tải Mỹ, UPS Flight Forward một công ty con của UPS đã hợp tác với công ty Matternet để vận chuyển các mẫu máu và mẫu của phòng thí nghiệm y tế bằng drone trong khuôn viên chăm sóc sức khỏe của WakeMed ở Raleigh, Bắc Carolina.

Với việc đạt chứng chỉ này của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, UPS có thể chính thức xây dựng một trung tâm kiểm soát drone của mình, vận hành số lượng drone không giới hạn trong việc vận chuyển giao hàng cả ban ngày lẫn ban đêm. Đây cũng là điều kiện để công ty này xây dựng công nghệ hỗ trợ bay an toàn trên mặt đất, phát triển và né tránh vật cản trên mặt đất.

Được biết, chứng chỉ Part 135 này đang là một rào cản khó khăn trong việc cản trở việc triển khai các chương trình bay không người lái thương mại tại Mỹ. Theo tờ Reutes, chứng nhận này chỉ có giá trị trong vòng hai năm và sau đó cần phải gia hạn thêm. Đầu tháng 4/2019, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã phải bật đèn xanh cho Wing (công ty con của Alphabet) giao hàng bằng drone, trở thành công ty đầu tiên được Cục Hàng không Liên bang Mỹ chấp thuận cho phép giao hàng thương mại ở Mỹ. Điều này cho thấy việc đạt được một chứng chỉ của FAA là một thành công lớn của UPS và tạo sự cạnh tranh trong việc phát triển công nghệ dịch vụ thương mại bằng drone giữa các hãng.

Ngay từ khi ra đời, ý tưởng vận chuyển bằng drone đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Từ năm 2011, những công ty đầu tiên nhảy vào hình thức vận chuyển mới này là Matternet và Zipline. Đến năm 2013, Amazon công bố dịch vụ giao hàng Prime Air với sự kỳ vọng có thể mang trực tiếp các gói hàng đến tận nhà khách hàng bằng những chiếc drone. Những chiếc drone hứa hẹn sẽ trở thành một ngành kinh doanh lớn.

Tuy nhiên phía Cục Hàng không Liên bang Mỹ tỏ ra khá chậm chạp trong việc cấp giấy chứng nhận cho loại hình vận chuyển này. Điều này khiến một số công ty, bao gồm Amazon, Zipline phải thử nghiệm công nghệ của họ ở nước ngoài. Có nhiều lý do để Cục Hàng không Liên bang Mỹ phải tỏ ra thận trọng với dịch vụ giao hàng này. Trong đó đáng chú ý nhất là việc những chiếc drone hoàn toàn có thể bị hack để trở thành một loại thuốc nổ di động phục vụ cho những mục đích khủng bố. Gần đây nhất, vào cuối năm 2018, một chiếc drone lạ xuất hiện đã khiến các chuyến bay tại sân bay quốc tế Gatwick ở London phải dừng một ngày rưỡi gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như những thiệt hại khác. Trong lĩnh vực quân sự, các cuộc tấn công bằng các thiết bị drone ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Đông, phiến quân Houthi tại Yemen thừa nhận sử dụng 10 drone tấn công hai nhà máy dầu thô là Abqaiq và Khurais khiến Arab Saudi tổn thất 5,7 triệu thùng dầu/ngày, tức gần bằng nữa tổng sản lượng nước này và chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Một tờ báo ở Mỹ đã có những thống kê về drone như sau: khoảng 1 triệu drone được bay trên toàn thế giới mỗi tháng và rủi ro nguy cơ mất an toàn từ done ngày càng trở nên đáng sợ với tám rủi ro sau:

Một là, đe dọa không phận. Hãy tưởng tượng mức độ thiệt hại mà một drone có thể gây ra nếu chúng bị hút vào động cơ phản lực. Tháng 7/2014, một drone suýt va chạm với chiếc Airbus A320 khi máy bay này đang cất cánh từ sân bay Heathrow ở London (Anh). Lúc máy bay ở độ cao khoảng 700m thì xảy ra sự cố. Vụ việc được Cơ quan hàng không Dân dụng Anh đánh giá là “nguy cơ va chạm nghiêm trọng”, xếp loại nguy cơ này thuộc hàng đầu trong cảnh báo drone.

Hai là, chở vũ khí. Vũ khí hạng nhẹ có thể gắn vào drone. Đã có những bằng chứng cho thấy drone chở cưa máy, súng máy và súng phóng hỏa. Những kẻ khủng bố hay đơn giản là chơi khăm có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với đám đông hay sự kiện thể thao,... Thậm chí, những kẻ khủng bố đã bắt đầu sử dụng drone để triển khai các hoạt động trinh sát và chiến đấu. Drone còn có thể được sử dụng để triển khai vũ khí hóa học, ném bom, thậm chí tấn công hạt nhân.

Ba là, hoạt động gián điệp ở mức độ thấp. Drone có thể là công cụ tối ưu cho hoạt động gián điệp ở tầm công nghệ thấp, ví dụ thu thập các thông tin về tài chính, chiến lược kinh doanh, sơ đồ công nghệ,.. của các công ty đối thủ thông qua các hình ảnh nó chụp được.

Bốn là, hoạt động gián điệp ở tầm công nghệ cao. Một số vụ tấn công máy tính gây thiệt hại nặng nề nhất có liên quan đến hoạt động drone. Nhiều vụ việc đã được báo cáo liên quan đến những chiếc drone mang thiết bị Raspberry Pi (một loại máy tính nhỏ gọn, kích thước nhỏ chỉ bằng thẻ ATM và chạy hệ điều hành Linux) hạ cánh xuống trung tâm dữ liệu để đánh cắp thông tin nhạy cảm. Giám đốc công ty Dedrone là Kunal Jain cho biết một trong những đối tác của họ đã phát hiện một drone như vậy trên nóc một tòa nhà. Drone mặc dù đã hỏng, gỉ sét nhưng các thiết bị gắn kèm vẫn hoạt động.

Năm là, buôn lậu. Nhiều nhà tù trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn drone buôn lậu mọi thứ từ ma túy, sách báo, phim ảnh khiêu dâm và điện thoại thông minh đến các tù nhân. Ngày 20/10/2015, một chiếc drone bị phát hiện đang chở hơn 6 pound (gần 3kg) tinh chất ma túy tổng hợp biên giới hai nước Mỹ, Mexico,...

Sáu là, va chạm. Đã có nhiều báo cáo về các thương tích nghiêm trọng do drone gây nên. Những nghiên cứu cho thấy khi một drone trọng lượng khoảng 50 pound (22kg) khi va chạm với con người có thể gây thiệt mạng. Năm 2013, một drone được dùng quay phim đã rơi xuống khán đài ở công viên Virginia (Mỹ) khiến nhiều người tham gia Lễ hội Motorsports bị thương. Hay vào tháng 9/2014, một chiếc drone đã “tấn công” Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chiếc drone này do một người biểu tình thuộc Đảng German Pirate Party điều khiển để quay cuộc biểu tình của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, mặc dù không gây tổn hại nhưng đã gây những mối lo ngại về vấn đề an toàn.

Bảy là, khó khăn trong việc thực thi các quy định. Các nhà chức trách cố gắng kiềm chế drone ở các khu vực nhạy cảm như gần sân bay hay các sự kiện thể thao đông người nhưng vấn đề là những vùng cấm bay như vậy rất khó thực thi.

Ra đa khó phát hiện ra những chiếc drone khi ngẫu nhiên một ai đó đứng ở sân sau hay trước chiếc xe tải bỗng vận hành vào vùng cấm. Nếu người điều khiển chiếc drone là trẻ em, vậy sẽ truy tố đứa trẻ hay cha mẹ chúng.

Tám là, công cụ của hacker. Drone cũng mở ra con đường mới cho tin tặc khi drone có thể sử dụng để đánh cắp thông tin. Chẳng hạn một chiếc drone bay tầm cao 45m, phát tín hiệu wifi miễn phí và sau đó thu thập thông tin nhạy cảm từ bất cứ người dùng nào sử dụng mạng. Từ năm 2014, công ty bảo mật SensePost đã chỉ ra tính khả thi của cuộc tấn như vậy và đặt tên Snoopy Drone.

Hiện nay, đang còn có nhiều tranh cãi về UAV và drone. Nhưng dự luật về drone vẫn đang được nhiều nước nghiên cứu để cân bằng giữa những lợi ích mà chúng có thể mang lại song vẫn bảo đảm an ninh quốc gia cũng như an toàn cho dân chúng. Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành về việc quản lý máy bay không người lái (Nghị định 36/2008), các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam drone để quay phim, chụp ảnh phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng, cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay,… Mỗi lần xin chỉ cho phép áp dụng cho một lần bay. Với giá thành rẻ, kết cấu nhỏ gọn, khó bị phát hiện, flycam vẫn được nhiều người dân bay “chui”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định của Chính phủ quá chặt chẽ đến mức gây khó, khiến nhiều người dân nảy sinh tâm lý không xin phép. Tuy nhiên, việc bay “chui” này là rất nguy hiểm không chỉ tính mạng con người, tài sản và còn có thể bị lợi dụng tiếp tay cho các phần tử khủng bố, đây là một nhận thức rất nguy hiểm. Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo phó Thủ tướng Chính phủ về các vụ việc sự cố máy bay gần đây có khả năng liên quan đến drone. Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, thực hiện nghiêm các quy định về mua bán, cấp phép các thiết bị bay không người lái để ngăn ngừa khả năng va chạm máy bay dân dụng. Đây là những hồi chuông cảnh báo trong công tác quản lý thiết bị bay không người lái tại Việt Nam. Trong thời gian tới để tăng cường công tác giám sát, quản lý, khai thác hiệu quả cũng như tránh sử dụng không đúng mục đích các thiết bị bay không người lái, dự kiến tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?