Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 52
Tháng 04 : 68.549
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khoa học cấp quốc gia nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952

Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2022 tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022).

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

  Hội thảo khoa học được tổ chức trên mảnh đất Yên Bái lịch sử, là nơi mở màn Chiến dịch Tây Bắc. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Chiến dịch Tây Bắc. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Tây Bắc nói riêng; đồng thời, thông qua Hội thảo giúp chúng ta nhận thức sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

 

 

Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày những nghiên cứu, cung cấp nhiều tư liệu quý giá, nhiều tiếp cận đa chiều, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, khẳng định thành công xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng; rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với tinh thần khách quan, khoa học, đổi mới, sáng tạo, các nhà khoa học đã tập trung làm sâu sắc hơn, sáng tỏ hơn một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập “xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch.

Hai là, làm rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc; trong đó có vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đây là những nhân tố quyết định để Chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Ba là, làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Qua đó làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thứ tư, nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là: nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch.

Thứ năm, phân tích, luận giải, làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng và nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của chiến thắng Tây Bắc; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng sáng tạo và thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Góp phần cho sự thành công của Hội thảo, đồng chí Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương - Giám đốc Học viện Lục quân đã có bài tham luận với chủ đề: “Nghệ thuật tạo lập thế trận trong chiến dịch Tây Bắc 1952”, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Tham luận đã khẳng định: thắng lợi của Chiến dịch có ý nghĩa to lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, đã để lại nhiều bài học quý cả về lý luận và thực tiễn, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về Nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó nghệ thuật tạo lập thế trận chiến dịch tiến công là một trong những nét đặc sắc của Nghệ thuật quân sự Việt Nam. Được thể hiện trên bốn nội dung: nghệ thuật tạo lập thế trận trên nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, toàn dân kháng chiến; nghệ thuật tạo lập thế trận chọn hướng tiến công phù hợp với thế và lực của ta, đẩy đối phương vào thế hoàn toàn bất lợi; nghệ thuật tập trung lực lượng, tổ chức tiến công liên tục đột phá khu vực phòng ngự then chốt của địch và tạo lập thế trận nghi binh, bí mật, bất ngờ trong chiến dịch.

Sau hơn 3 giờ làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm đã thành tốt đẹp về nội dung, chương trình, kế hoạch xác định, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Kết quả của Hội thảo góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; tạo sự thống nhất về nhận thức, góp phần đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động./.  

V.Đ.B


Tác giả: PKHQS. Vũ Đình Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?