Vai trò, sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 3/2/1930 là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là kết quả tất yếu của những điều kiện khách quan và chủ quan, trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là quá trình chuẩn bị công phu lâu dài và sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.
Quá trình chuẩn bị
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc. Người được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên đoàn Chủ tịch Hội Quốc tế nông dân phụ trách theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Châu Á; vừa chuẩn bị những tiền đề tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản ở Việt Nam.
Qua nghiên cứu tình hình thực tiễn Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân từng bước tuyên truyền đưa chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào xã hội Việt Nam, đấu tranh với các trào lưu phi vô sản khác: Như tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản... giác ngộ lập trường cứu nước giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, theo con đường cách mạng vô sản. Chủ động mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, huấn luyện xong cử họ về nước hoạt động tuyên truyền cách mạng. Từ đó chọn lọc những thanh niên yêu nước, trung kiên thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là một tổ chức mang tính chất quá độ, vừa tầm thích hợp. Thể hiện chủ trương rất đúng đắn, một cống hiến to lớn, sáng tạo trong chuẩn bị tiền đề tổ chức cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sáng tạo trong tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản
Sau một thời gian hoạt động Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên bị tan rã, những người cộng sản chia làm nhiều phái. Nguyễn Ái Quốc bằng nhãn quan chính trị sắc xảo, nhạy bén ngày 23/01/1929 đã từ Xiêm tới Trung Quốc, quyết định triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản vào dịp tết Canh Ngọ năm 1930, để các đại biểu thuận lợi trong việc đi lại và đánh lạc hướng sự chú ý theo dõi của bọn mật thám Pháp. Người đã chọn địa điểm tổ chức Hội nghị tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc. Vì Hương Cảng lúc này là thuộc địa của Anh, chính quyền sở tại ít chú ý tới những hoạt động yêu nước của người Việt Nam.
Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm. “Riêng Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, không kịp cử đại biểu đến dự được, sau Hội nghị này đã xin gia nhập vào Đảng cộng sản Việt Nam” (1).
Đại biểu dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Để chỉ đạo Hội nghị tiến hành đạt mục đích thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình giải quyết tốt những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xoá bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để hợp nhất các tổ chức cộng sản. Với vai trò là đại diện cho Quốc tế Cộng sản và khả năng thuyết phục cảm hoá lòng người, những vấn đề bất đồng khó giải quyết lâu nay đã được hòa giải nhanh chóng.
Kết quả phê bình và tự phê bình đó dẫn tới sự thống nhất thành lập một Đảng Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ đã phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng” (2). Tiếp đó, bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo luận thông qua Chính cương, Điều lệ, kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước các tổ chức cộng sản, cử ban chấp hành Trung ương lâm thời. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về tên Đảng được Nguyễn Ái Quốc đưa ra Hội nghị hợp nhất ngày 03/02/1930 thông qua là Đảng Cộng sản Việt Nam, khác với chỉ thị của Quốc tế Cộng sản là lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản, Đảng phải có cơ cấu tổ chức phù hợp điều kiện, thời gian hoạt động của Đảng, với nhiệm vụ của Đảng phải giải quyết; lúc này, Đông Dương là thuộc địa của Pháp, gồm có ba dân tộc Việt - Miên - Lào sinh sống, có lịch sử quốc gia dân tộc hàng ngàn năm, có phong tục tập quán nền văn hoá riêng. Phong trào công nhân ở từng quốc gia dân tộc cũng khác nhau, nên đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở quán triệt và tôn trọng nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết của chủ nghĩa Mác - Lênin. Giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó mang bản chất quốc tế nhưng trước hết phải tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình. Phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc.
Tái hiện hình ảnh Hội nghị thành lập ĐCS Việt Nam 1930. Ảnh: Nhân dân
Sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc còn thể hiện rõ trong phương pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đều ra đời và hoạt động vì mục tiêu giải phóng dân tộc và nhân dân lao động. Nếu thi hành theo đúng văn bản tài liệu của Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thì rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp sẽ xảy ra. Lựa ai là “chân chính cộng sản”, ai sẽ là không chân chính…? Và một ban thay mặt cho các tổ chức cộng sản mà “ít nhất một nửa số ủy viên của ban đó phải là những công nhân tích cực, lãnh tụ của phong trào quần chúng” (3). Nguyễn Ái Quốc đã chuyển nguyên khối các tổ chức đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không giải thể rồi lựa chọn những thành viên của các tổ chức đó để kết nạp vào Đảng như điều kiện thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương do Quốc tế Công sản nêu ra.
Hội nghị hợp nhất thành công đã quyết định công bố các văn kiện đầu tiên của Đảng, bao gồm: Chính cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Điều lệ vắn tắt và lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhằm động viên, cổ vũ đảng viên và quần chúng tin tưởng phẩn khởi bước vào giai đoạn đấu tranh mới sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã thống nhất vào trong một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây có thể khẳng định bằng sự tổ chức tài tình, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trọng đại trước giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
(1). Hồ Chí Minh (1927) “Chú thích” Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.654.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2 1930, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội 2002.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 1 (1924-1930), Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
TVT